Rộn ràng mùa nấm tràm

VH- Mỗi năm một lần, cứ vào dịp tháng 5, 6 âm lịch sau những cơn mưa cuối hạ đầu thu lại là mùa nấm tràm nở rộ, người dân các xã vùng thượng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lại háo hức vào những cánh rừng tràm để hái nấm đem về làm thực phẩm.

Rộn ràng mùa nấm tràm - Anh 1

Những tai nấm tràm mới nhú lên sau những cơn mưa

Theo đó, những ngày qua sau những cơn mưa lớn tại các cánh rừng tràm bạt ngàn xanh tốt ở các xã Kỳ Lạc, Kỳ Sơn, Kỳ Thượng... lại bước vào mùa nấm tràm, vị ngon của nó qua thời gian đã trở thành món ngon đặc sản của vùng quê nơi đây. Nấm tràm mọc tự nhiên trên những thảm lá tràm hoặc gốc tràm mục lâu năm, nấm có vị đắng đặc trưng, nhưng khi người ăn nuốt qua khỏi cổ lại cảm nhận vị ngọt hậu và thanh mát.

Vị đắng của nấm tràm thực sự là thách thức với những ai mới ăn ban đầu, tuy nhiên nếu khi đã ăn vài lần quen vị thì nó trở thành một món ngon hấp dẫn mà người ăn khó có thể bỏ qua mỗi khi mùa nấm về. Đến mùa cảm giác thèm thuồng vị đắng của nấm tràm như thôi thúc người dân nơi đây gác mọi công việc vào rừng săn nấm về chế biến để ăn. Nếu như trước đây chỉ người dân miền quê sống tại những cánh rừng tràm mới biết ăn, thì qua thời gian món ngon này đã được nhiều người dân ở phố thị biết đến.

Cũng vì vậy mà dù mới bước vào mùa nấm nhưng hiện nay giá thu mua trên thị trường nơi đây đã từ 20 đến 30 ngàn đồng tùy cách sơ chế của người bán. Nhiều nơi đã không kịp thu gom để bán cho người mua khi sức hút nấm tràm ngày một lớn. Nấm sau khi hái về được gọt bỏ lớp vỏ dính đất dưới chân, rửa sạch nhiều lần với nước để ráo nước rồi chế biến món ăn. Mỗi ngày có hàng tạ nấm được người dân thu hái về dùng và đem bán.

Vào mùa số lượng nấm tràm tự nhiên nơi đây khá nhiều, tuy nhiên thời gian sinh trưởng của nấm ngắn chỉ tầm 3 đến 5 ngày, và mùa của nó chỉ tầm 1 đến 2 tháng trong năm nên người dân phải kịp thời thu hái nếu không muốn lỡ vụ nấm tràm.

Do vậy, để được thưởng thức món ngon này rất nhiều người dân sau khi thu hoạch về đã phơi khô, hoặc đem cất vào tủ lạnh để ăn dần khi mùa nấm đã qua.

Theo đông y nấm tràm rất tốt cho sức khỏe vì chữa được mỏi mệt, cảm cúm, nhức đầu và có tác dụng bồi bổ nội tạng nhờ chất dầu tràm ở trong nó, vị đắng lại có tác dụng thanh nhiệt, giải độc... Nấm tràm còn là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon, dùng để nấu với rau tập tàng hoặc rau lang cùng với tôm bóc vỏ, thịt ba chỉ, hoặc nấu cháo với cá tươi, xào với thịt...

Nấm tràm là loài cây gắn bó thân thuộc với người dân vùng thượng huyện Kỳ Anh, được xem là cây xóa đói giảm nghèo, phủ xanh đất trống đồi núi trọc và bảo vệ môi trường sống.

HOÀNG LÝ

 

Ý kiến bạn đọc