Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

28 Tháng Ba 2024

Thăm “Rừng xà nu”

Thứ Tư 14/02/2018 | 00:00 GMT+7

VH- Có dịp đến xã Xốp (Đắk Glei, Kon Tum), chúng tôi háo hức được tới thăm làng Xốp Dùi (tức là làng Xô Man trong tác phẩm Rừng Xà Nu của nhà văn Nguyên Ngọc), nơi có những chiến binh Tà Rẻ dũng cảm, kiên cường đã đi vào sử sách của dân tộc.

Đường vào làng kháng chiến Xốp Dùi

Chúng tôi tìm đến nhà A Cố, một trong 5 người còn sống của làng Xốp Dùi ngày xưa. Ngôi nhà của già A Cố nằm trên triền đồi Xi Mung, sát Trường Tiểu học xã Xốp. Trước mặt là nhà rông văn hóa của làng sừng sững, con suối Đắk Song trong vắt cuồn cuộn chảy ôm chặt cánh đồng lúa chín vàng. Bên hiên nhà, già làng A Cố đang ngồi trau chuốt những nan tre để hoàn thành chiếc bố đập lúa đang dang dở. Tuy gần 80 nhưng thế ngồi của già A Cố vững chãi như gốc xà nu (dân làng gọi là cây thông ba lá).

Chuyện kể làng kháng chiến

Nghe chúng tôi hỏi về làng Xô Man, già A Cố bỏ cây dao và thanh nan đang vót dở, đôi mắt hướng về phía ngọn núi xa xa, nơi làng Kông Lụ um tùm, xanh ngắt lá xà nu. Giọng kể rì rầm của A Cố đưa mọi người quay về những tháng ngày lịch sử. Xốp Dùi ngày trước chỉ khoảng 40 nóc nhà nằm ẩn mình dưới tán rừng xà nu, lưng dựa vào đồi Kông Lụ, bốn phía là núi, là rừng, nằm biệt lập với xung quanh như một “ốc đảo” giữa đại ngàn. Ngày thực dân Pháp đến đóng đồn ở Đắk Tả, xây ngục Đắk Glei, bắt phu xây đồn, bắt dân các làng đi xâu, nộp thuế; toàn bộ trâu bò, heo gà, rượu của các làng bị chúng cướp sạch. “Phải đánh Pháp thôi! Nếu không, mai mốt Pháp vào làng ăn hết trâu bò. Cái bụng chúng nó to thế chắc phải ăn hết ba con bò mới no...”, đêm đêm bên bếp lửa, người già nói với nhau. Chứng kiến cảnh thực dân Pháp vừa trấn áp dã man, vừa lừa phỉnh và dụ dỗ đồng bào, A Mét (A Môn, Đinh Môn) rất căm giận và suy nghĩ rất nhiều để tìm ra cách đánh Pháp. Những năm 1949-1950, toàn bộ người dân làng Xốp Dùi đều được đứng trong các tổ chức để chống Pháp. Các em nhỏ thuộc đội thiếu niên cứu quốc; thanh niên thì vào du kích; các mẹ, các chị nằm trong hội những người đi lấy củi, hội phát rẫy, đàn ông lớn tuổi thì vào hội đi săn... để phục vụ cách mạng.

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, người Tà Rẻ ở Xốp Dùi đã một lòng một dạ theo Đảng, quyết tâm đánh giặc đến cùng. Du kích xã Xốp là một trong những điển hình bắn máy bay Mỹ, trong vòng 3 năm (từ năm 1969 đến năm 1971) du kích xã Xốp đã bắn rơi 5 chiếc máy bay trên bầu trời xã Xốp... Trong khi mọi người đang cuốn theo riếng rì rầm của già A Cố, một thanh niên dáng thấp đậm, chắc như đá tảng bước vào. Tay gạt mái tóc xù xì khét nắng sang một bên để lộ khuôn mặt cháy sạm, anh sà xuống cạnh già A Cố. A Đối vỗ vai thanh niên ngắn gọn: “Đây là A Rơn, con út của già Mết đấy”. Rơn là con rể của già A Cố. A Rơn ngồi bó gối, miệng nhoẻn cười khi nghe A Cố kể cha mình. Nhìn gương mặt góc cạnh ấy, chúng tôi lại liên tưởng về cái đêm dân làng Xốp Dùi (Xô Man) đứng lên đánh Pháp dưới sự dẫn dắt của cha anh.

Chính quyền địa phương đón Bằng công nhận di tích cấp tỉnh

Xốp Dùi hôm nay

Dừng một lát lấy hơi, A Cố tiếp. Năm 1979, bà con dân làng Xốp Dùi kéo nhau xuống đây sinh sống. Để chọn được vị trí này, già làng và người có kinh nghiệm phải mất mấy tuần đi tìm và thống nhất. Đưa tầm mắt một vòng, A Cố chỉ tay về phía những ngọn núi giới thiệu: “Bên kia là đồi Xi Mung, đồi Ưng Móc; đây là đồi Dầu Lộc, đồi Pêng Liêng; xa xa và mờ mờ đó là đồi Kông Lụ, nơi làng cũ ngày đánh Pháp. Dưới này là suối Đắk Nol, suối Đắk Song...”. Đảo mắt theo hướng tay A Cố chỉ, cảnh đẹp như tranh khi con suối Đắk Song ôm lấy đồng lúa chín vàng. Đây là vùng đất có địa hình sông, suối thuận lợi được người Tà Rẻ chọn lập làng, bởi thế núi bao quanh và đất đai màu mỡ.

Tuy cụ Mết đã đi vào huyền thoại nhưng con cháu ở xã Xốp bây giờ vẫn truyền nhau câu chuyện vui về ông. Chuyện rằng, sau này cụ Mết trở thành “cán bộ to”, đi họp về toàn truyền đạt bằng miệng. Ông hóm hỉnh: “Tao đi họp, khi người ta nói cái gì, tao đựng vào tai bên trái, đến khi đầy thì lấy lá rừng nút lại; tiếp tục đựng vào tai bên phải, sau đó cũng lấy lá rừng nút lại. Lúc về làng, tao mở lá rừng ra và truyền lại cho bà con trong làng, như thế không sót chữ nào đâu!?”.

Già A Cố kể chuyện làng kháng chiến

A Chớp chen vào: Hiện tại, cả làng Xốp Dùi này ngoài A Cố chỉ còn các già A Nhóa, A Bố, A Xuân, A Đái và Y Ơi còn sống. Họ là những đứa con của làng từ thời làm bẫy chông, cầm súng đánh giặc. Ai cũng được A Mết dặn dò: “Mình phải cầm giáo, phải vào bộ đội đánh giặc. Ðuổi được giặc, cả làng mình, cả nước mình mới được tự do, được sung sướng...”.

“Bây giờ sướng lắm rồi!” A Bố cười hào sảng. Ðường ô tô đã vào tận làng. Nhiều nhà có xe máy, ti vi, tủ lạnh. Dân làng Xốp Dùi đã đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng quê hương. Trước cũng vậy, bây giờ cũng vậy, chỉ nghe theo Ðảng, theo Bác Hồ, không nghe kẻ xấu... Qua lời A Cố, bao quát một lượt quanh khu vực, diện mạo nông thôn mới dần hiện rõ nơi đây. Trên những hố bom, bãi đạn, đồn bốt Pháp năm nào giờ đây đã xanh mùa màng, cây trái. Trường học, trạm xá, nhà rông văn hóa đã được đầu tư xây dựng. Trẻ em Tà Rẻ, làng Xốp Dùi được đến trường, tập những nét chữ đầu tiên trên giấy trắng, không còn dùng “khói xà nu nhuộm bảng đen học chữ” như các thế hệ cha anh thời chiến tranh. Xung quanh trường, rừng xà nu vẫn nối tiếp nhau, rì rầm trong gió, kể em nghe chuyện một thời cây xà nu cũng biết bảo vệ dân làng, xung phong, diệt giặc.

Theo Chủ tịch UBND xã Xốp A Ruổi, trong những năm qua, từ các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước như Chương trình 135, 167, Chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất..., đời sống bà con nhân dân làng Xốp Dùi đổi thay từng ngày. Đến nay, thôn có hơn 30 ha lúa nước, 30 ha cà phê, 40 ha bời lời. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đường nội thôn cơ bản đã được bê tông hóa.

Điều mong muốn nhất của người dân làng Xốp Dùi nói riêng, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Xốp nói chung là được Trung ương, tỉnh quan tâm đầu tư làm đường lên Khu di tích lịch sử làng kháng chiến, để thuận lợi cho việc thăm viếng cũng như tu bổ, bảo vệ. “Nếu mở đường, có đường lên làng cũ thuận lợi, xã Xốp sẽ có tiềm năng phát triển du lịch”, A Ruổi cho hay.

 ​Qua hai cuộc kháng chiến, xã Xốp có 1 mẹ VNAH; 67 liệt sĩ; 43 thương, bệnh binh; 69 gia đình có công với cách mạng; 300 gia đình nuôi giấu cán bộ hoạt động; hơn 500 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... Năm 2010, xã Xốp được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngày 22.12.2015, bà con nhân dân làng kháng chiến Xốp Dùi long trọng tổ chức đón Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh, Di tích lịch sử “Làng kháng chiến Xốp Dùi”...

Rơ Châm Nga

 

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top