Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

29 Tháng Ba 2024

Độc đáo Then Kin Pang

Thứ Hai 12/02/2018 | 06:00 GMT+7

VH- Bó mạ vàng khắp chân đồi

Trai mường gái bản lại về hội Then

Người Mông, Dao cũng đến xem

Nghe lời diễn xướng của then với trời

Trang trọng, uy nghi là những điều du khách có thể cảm nhận được trong phần lễ

Đó chỉ là vài câu thơ nói về lễ hội độc đáo Then Kin Pang có một không hai của dân tộc Thái (trắng) ở xã Khổng Lào (Phong Thổ), nơi hội tụ đầy đủ những tinh hoa văn hóa, nét đặc trưng riêng biệt, những hình thức diễn sướng dân gian độc đáo mà ít tộc người nào có được.

Nét độc đáo đầu tiên được thể hiện trong quan niệm của người Thái trắng rằng, trên thế giới thực của con người là thế giới của vua Trời, và cõi trời cũng là một Mường, trong đó các tướng lĩnh của vua trời là các Then.

Các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cỏ cây, con người, vì vậy hằng năm Vua trời phái các vị Then xuống hạ giới để cứu nhân độ thế. Ai ốm đau thì được Then cho thuốc, người nào gặp rủi ro, vận hạn Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Đồng thời Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, bản Mường an vui no ấm. Lễ hội cũng là dịp để các Lụ liệng - Lụ hương (tức là những người con nuôi được Then cầu hồn, chữa bệnh) dâng lễ tạ ơn Then.

Khi bắt đầu mùa mưa đến, “lộc trời” sẽ tưới cho mùa màng cây cỏ, cho vạn vật đâm chồi nảy lộc, gột rửa những điều kém may mắn, xua tan đi bệnh tật, vì vậy lễ hội Then Kin Pang được người Thái trắng tổ chức vào đầu mùa mưa 10.3 âm lịch hàng năm.

Nét độc đáo thứ hai là ông bà then cũng được lựa chọn kỹ theo các tiêu chuẩn và được người dân bầu ra. Ngày đầu tiên làm lễ, ông (bà) Then kiêng kị không ăn thịt các con vật, không sinh hoạt vợ chồng; các cô gái được chọn làm Sao chẩu phải có sắc đẹp và chưa chồng.

Cùng với các lễ vật như: một con lợn, một con gà luộc để nguyên con, xôi màu, rượu, nước... thì Bàn thờ Then không thể thiếu được hình tượng chim én được gấp bằng giấy một cách công phu, đàn tính tầu, quả còn. Đặc biệt là hoa Bó mạ được xem là biểu tượng của Then Kin Pang (có hoa Bó mạ mới có ngày hội Then).

Đồng thời nét độc đáo còn thể hiện ở việc Then Kin Pang bao giờ cũng có một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng Mường; tạ ơn những vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ Mường.

Khi hành lễ trang phục của Then, đàn tính tẩu, lời diễn xướng, những hành động dâng hoa, dâng lễ, mời rượu như đối thoại được với các đấng thần linh tối cao trên trời đã tạo nên sự uy nghi, oai phong như một vị tướng của Thầy then.

Đến với Then Kin Pang ngoài việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của riêng mình cũng như cầu nguyện một năm may mắn, cuộc sống an lành, hạnh phúc thì Then Kin Pang còn là nơi gặp gỡ bạn bè, nơi xe duyên cho những đôi bạn trẻ thông qua các bài hát, điệu múa; các trò chơi dân gian như: tó má lẹ, én cáy, tung còn, kéo co, té nước…

Để lại ấn tượng khó phai trong lòng du khách đã từng đến với Then Kin Pang không những chỉ có vòng xòe xoay nghiêng trời đất, những chén rượu thơm nồng hay các cô gái Thái đang độ xuân thì đẹp đến mê hồn với nụ cười tươi rói và bộ váy áo cóm ôm sát vòng eo trời phú mà còn có dư vị khó quyên của ẩm thực tộc người Thái trắng như: sôi màu, rêu đá, cá bống vùi tro, pa pỉnh tộp, pa pỉnh lạp… mà hễ ai đã thử một lần thì ắt sẽ hẹn với lòng mình có lần hai về dự hội.

Độc đáo về nội dung, ấn tượng qua từng cách làm và hội tụ đầy đủ bản sắc văn hóa của tộc người Thái trắng từ xa xưa truyền lại, là những yếu tố làm xay lòng không chỉ đồng bào các dân tộc trong vùng mà cả du khách thập phương khi về dự hội. Đồng thời chính những nét độc đáo này đã thiết thực góp phần xây dựng phát triển văn hóa tộc người Thái trắng nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam nói chung đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Nhật Minh

 

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top