Chuyện chưa biết về tục thờ Thần Cẩu ở xứ Lạng

VH- Từ xa xưa hai dân tộc Tày, Nùng ở xứ Lạng đã có tục thờ Thần Cẩu (tượng chó đá) và coi đây là một linh vật giữ nhà, trừ tà ma, cầu bình an, cầu phúc, tài, lộc cho gia đình. Tín ngưỡng tâm linh ấy đã in đậm trong tâm thức và là nét đẹp văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, đã và đang được lưu giữ trong cộng đồng Tày, Nùng xứ Lạng bao đời nay.

Chuyện chưa biết về tục thờ Thần Cẩu ở xứ Lạng - Anh 1

 Ảnh; 1, 2, 3: Thần Cẩu được thờ ở các gia đình Tày, Nùng ở huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) 4. Chó đá được thờ ở cánh đồng làng

 1. Trong ký ức tuổi thơ, những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, bắt đầu từ ngày cúng đưa ông Táo lên thiên đình cho tới trưa ngày 30 Tết là lúc các gia đình ở các bản làng người Tày, Nùng bắt đầu lễ tắm cho Thần Cẩu bằng nước lá bưởi, lá đào đun nóng tỏa hương thơm ngào ngạt. Sau lễ tắm, Thần Cẩu được các gia chủ quàng lên cổ một tấm vải đỏ, hoặc dán giấy hồng điều lên lưng và cúng một mâm cơm với đủ món ngon, để tỏ lòng biết ơn Thần Cẩu đã có công giữ cho nhà cửa bình an suốt một năm. Đó cũng là sự đánh dấu bắt đầu thời điểm sắp kết thúc một năm cũ, chuẩn bị đón một mùa xuân đang gần kề.

Theo một trưởng bản ở huyện Lộc Bình, địa phương có tục thờ Thần Cẩu từ lâu đời cho biết, trong dân gian đồng bào Tày, Nùng xuất phát từ quan niệm chó là con vật trung thành và mang lại nhiều điều may mắn trong cuộc sống. Những con chó sống bình thường chỉ là những con chó canh giữ phần dương gian, muốn có chó canh giữ cả phần âm thì phải nuôi chó đá (Thần Cẩu) để thờ trước cửa nhà. Người Tày, Nùng xứ Lạng vì thế đã có tục thờ tượng chó đá và gọi với những cái tên rất trân trọng thiêng liêng đầy sự kính cẩn như: Cụ Thạch, Quan lớn Hoàng Thạch, Thần Cẩu. Thần Cẩu được rước về đặt thờ cúng trước cửa nhà với mong muốn trừ được tà ma, yêu quái, đem lại may mắn, mùa màng bội thu, gia đình yên ấm, mọi người khỏe mạnh. Đặc biệt khi xây dựng nhà cửa xong, với những ngôi nhà theo phong thủy bị hướng nhà xấu như có con đường đâm thẳng vào nhà, hoặc có nhà hàng xóm đối diện, nhà xây gần đình, chùa, miếu mạo thì gia chủ sẽ lập tức rước ngay Thần Cẩu về thờ cho an tâm.

2. Người Tày, Nùng xứ Lạng chỉ dùng đá xanh để tạc tượng Thần Cẩu vì nguyên liệu có sẵn ở địa phương, dễ tạc và bền vững trước thời gian. Làng tạc tượng Thần Cẩu truyền thống nổi tiếng nhất xứ Lạng là làng Yên Trạch, ở Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, với hàng chục hộ cha truyền con nối hành nghề. Thiên nhiên nơi đây đã phú cho làng Yên Trạch có vùng đá xanh quý, tập trung nhiều nhất là khu vực Phai Nghiều, với đá có nhiều màu sắc tự nhiên rất đẹp và bền vững.

Nghệ nhân tạc tượng Thần Cẩu nổi tiếng nhất làng Yên Trạch là ông Lương Hải Cường, với hàng chục năm hành nghề. Qua đôi bàn tay khéo léo của ông, những tảng đá vô tri vô giác bỗng hóa thành những pho tượng Thần Cẩu với nhiều kích cỡ khác nhau, hình dạng khác nhau, nhưng tất cả đều toát lên vẻ sinh động, có thần thái, có hồn vía nhìn vào có thể nhận biết được tính cách như nhẫn nhịn, cương trực, uy nghiêm, đáp ứng mọi yêu cầu của gia chủ.

Theo ông Cường, nghề tạc tượng Thần Cẩu rất vất vả nhưng một khi đã bắt tay vào thực hiện thì rất đam mê. Những người làm nghề này phải có đức tính kiên nhẫn, không chỉ thuộc từng thớ đá mà còn phải truyền hết cảm hứng vào từng nét chạm. Tùy theo kích cỡ từng loại tượng to hay nhỏ (thường thì tượng một Thần Cẩu nặng từ 30 - 35 kg, có gia đình đặt lớn hơn), trung bình thời gian tạc tượng Thần Cẩu phải công phu bền bỉ chạm, đẽo, gọt mất từ 3 - 5 ngày mới hoàn chỉnh.

3. Tượng Thần Cẩu khi gia chủ chọn được ngày lành tháng tốt rước về thờ phải làm lễ cúng gọi là lễ mở mắt, mở miệng, nhập thần và người thực hiện lễ cúng này phải là một thầy mo có uy tín trong vùng. Họ quan niệm, nếu không làm lễ này thì tượng chó đá chỉ là hòn đá bình thường, chứ không phải là Thần Cẩu linh thiêng, không trừ được tà ma, không đem lại cho gia chủ may mắn, an khang, thịnh vượng.

Theo tục lệ từ xưa thì chỉ có người đàn ông cao tuổi nhất, uy tín nhất trong gia đình mới được tắm cho Thần Cẩu. Đồng thời, chỉ có người đàn ông trong gia đình và thầy mo tham gia việc cúng lễ, còn những người phụ nữ chỉ có nhiệm vụ chuẩn bị đồ lễ cho tươm tất, chu đáo, mâm lễ cúng không cầu kỳ, nhưng phải đủ gao, thịt, rượu và hoa quả.

Thầy mo là người quyết định đặt vị trí cho Thần Cẩu theo phong thủy và thứ tự Thần Cẩu đực được đặt ở bên trái, còn Thần Cẩu cái đặt ở bên phải cửa nhà.

Hiện nay người Tày, Nùng ở xứ Lạng cả vùng nông thôn và thành thị nhiều nhà thờ Thần Cẩu được tạc to bằng con chó thật, hai chân trước đứng rất hiên ngang, còn hai chân sau làm trụ theo thế đứng nom thật bệ vệ, uy nghi. Tuy nhiên, những Thần Cẩu được đặt thờ ở nhà thường nhỏ hơn những Thần Cẩu đặt thờ ở những đình, chùa, miếu mạo, cổng làng bản.

Từ xưa tới nay, tục thờ Thần Cẩu làm linh vật (không thờ linh vật ngoại lai) của cộng đồng người Tày, Nùng vẫn luôn giữ được nét đẹp truyền thống, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, rất đáng trân trọng và phát huy.

Lương Định

 

Ý kiến bạn đọc