Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Dân tộc - miền núi

29 Tháng Ba 2024

Đắk Lắk:  Buôn văn hóa kiểu mẫu để... thả bò

Thứ Hai 25/12/2017 | 09:11 GMT+7

VH- Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật Buôn văn hóa các dân tộc Tây Nguyên tại km6 (phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), khởi động từ năm 2003 trên diện tích 33 ha, với kinh phí gần 80 tỉ đồng. Tuy nhiên, 14 năm nay dự án vẫn còn treo “lơ lửng” khiến nhiều người ngán ngẩm, hàng chục hécta đất bỏ trống, người dân không có đất sản xuất và hiện dự án vẫn chưa có “lối thoát”.

 Khu đất rộng 33 ha để xây dựng buôn văn hóa ngay cửa ngõ TP Buôn Ma Thuột hiện là bãi đất để người dân thả bò, trồng hoa màu

14 năm chưa xong

Dự án này được phê duyệt và triển khai trên khu đất “vàng”, ngay cửa ngõ phía bắc TP Buôn Ma Thuột. Dự án có mục đích ban đầu sẽ là xây dựng một buôn văn hóa kiểu mẫu của người Êđê, với các khu nhà dài dành cho 230 hộ dân (gia đình trẻ, khó khăn-NV) đến định cư. Việc này, theo UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ góp phần tôn tạo, giữ gìn các giá trị văn hoá truyền thống, tập tục của đồng bào Êđê, kết hợp phát triển du lịch sinh thái - văn hoá - làng nghề... Mục đích là vậy, nhưng đến nay dự án này vẫn là bãi đất trống để người dân thả bò, trồng sắn, phơi nông sản, tập lái xe…

Từ những năm 1995, TP Buôn Ma Thuột đã rục rịch khởi động dự án, thông báo sẽ thu hồi đất. Tuy nhiên mãi đến năm 2003- 2004 việc thu hồi đất, bồi thường để thực hiện, dự án mới bắt đầu. Bà Nguyễn Thị Tuyết (55 tuổi, trú phường Tân An, TP Buôn Ma Thuột) cho biết, khởi thủy lô đất dự án này thuộc đội 6, Nông trường cà phê 11.3 (TP Buôn Ma Thuột). Theo đó, bà Tuyết và rất nhiều người khác thuộc diện “tinh giản biên chế”, sau đó được nông trường cấp cho một diện tích đất tương đương để canh tác, đảm bảo cuộc sống sau khi nghỉ hưu non. Tại đây, các hộ dân đã chặt cây cà phê già cỗi để trồng dâu, nuôi tằm. Khi cuộc sống bắt đầu ổn định thì Nhà nước có quyết định thu hồi đất để làm dự án. “Tôi được cấp 0,5 ha đất, được bồi thường khoảng 15 triệu đồng thời điểm đó. Từ khi bị thu hồi đất thì không còn nơi canh tác, phải đi kiếm việc khác để mưu sinh”, bà Tuyết nói.

Tương tự, bà Phạm Thị Hoa (61 tuổi, người cũng bị thu hồi khoảng 1 ha đất) cho biết, sau khi thu hồi đất, Nhà nước bắt đầu thi công một số hạng mục như đường, trồng cây xanh..., thì ngưng mọi hoạt động cho đến nay. “Suốt 14 năm đất bỏ hoang, trong khi người dân chúng tôi (những người bị cho thôi việc sớm ở nông trường-NV) không còn đất canh tác. Do đất bỏ hoang quá lâu, những hộ như tôi phải “chiếm” một khoảnh đất để trồng hoa màu kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống hằng ngày”, bà Hoa bày tỏ.

Sau 14 năm, dự án buôn văn hóa kiểu mẫu chỉ mới hoàn thành phần làm đường, trồng cây xanh

Chưa biết khi nào hết “treo”

Theo phương án ban đầu khi dự án được phê duyệt, để được vào định cư trong buôn văn hóa, các hộ dân phải đóng góp 30% số tiền làm nhà theo mẫu thiết kế chung, với tổng trị số tiền phải nộp trên 100 triệu đồng mỗi hộ. Đây là một khoản tiền lớn vào thời điểm dự án được khởi động (2003). “Lúc đó, số tiền hơn 100 triệu không phải là nhỏ đối với chúng tôi. Nó là cả một gia tài rất lớn, chưa tính một số người phải đi vay mượn để có tiền đóng cho chủ đầu tư, vì hầu hết là gia đình trẻ, có hoàn cảnh khó khăn”, anh Hoàng Mai Hùng nói.

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Xuân Hà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk cho biết, dự án này được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004 và giao cho UBND TP Buôn Ma Thuột làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên việc đầu tư kéo dài từ năm 2004 đến năm 2009 vẫn chưa được hoàn thành. Cũng theo ông Hà, công trình mới đầu tư xong hạng mục đường giao thông và cây xanh, với giá trị quyết toán tại thời điểm tháng 8.2009 là gần 19,3 tỉ đồng và tạm dừng cho đến nay. “Hiện nay do ngân sách khó khăn, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp có năng lực về tài chính tiếp tục đầu tư thực hiện dự án, nhưng vẫn chưa có ai”, ông Hà thông tin.

Còn ông Vũ Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột cho biết, mục đích ban đầu là xây dựng buôn văn hóa bằng ngân sách nhà nước nhưng sau đó do nguồn vốn không đảm bảo, phương án không khả thi nên dừng để tìm nguồn xã hội hóa. “Phải có nhà đầu tư vào nhận, thỏa thuận với họ để lên phương án mới, trình UBND tỉnh phê duyệt để thực hiện. Tuy nhiên đến nay, sau nhiều năm kêu gọi vẫn chưa có doanh nghiệp nào nhận đầu tư dự án nên cũng chưa có phương án để giải quyết”, ông Hưng nói.

Một dự án được kỳ vọng sẽ là kiểu mẫu trong công cuộc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, cũng như phát triển du lịch văn hóa các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, đến nay, hiệu quả thì chưa thấy, nhưng hệ lụy để lại không hề nhỏ khi các hộ dân phải chờ đợi quá lâu, niềm tin vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc cũng mai một dần khi mà cuộc sống của họ bấp bênh vì ngóng chờ buôn văn hóa hoàn thành. 

 ​ Được biết, dù là buôn văn hóa “kiểu mẫu” của người Êđê, nhưng trong tổng thể dự án lại không có chức danh già làng, chủ bến nước nên các nét văn hóa; các lễ hội đặc trưng như cúng bến nước, mừng cơm mới hay dụng cụ đặc trưng của đồng bào Êđê là cồng chiêng…

L.Xuân - T.Hạnh

 

Print
Tags:

Video

© BÁO ĐIỆN TỬ VĂN HÓA
Cơ quan chủ quản: Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch Giấy phép
Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19-08-2016
2018 Bản quyền thuộc về Báo Văn Hóa. Ghi rõ nguồn "Báo Văn Hóa" khi phát hành lại thông tin
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng biên tập: CHU THỊ THU HẰNG
Phó tổng biên tập: LƯƠNG TRUNG HIẾU
Phó tổng biên tập: PHAN THANH NAM
Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top