Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (HN): “Xã hội văn minh không chấp nhận những lễ hội bạo lực”

VH- Kiên trì kiến nghị loại bỏ những hủ tục phản cảm, bạo lực trong lễ hội qua bốn nhiệm kỳ Quốc hội liên tiếp (khóa XI, XII, XIII, XIV), tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách (Quốc hội khóa XIV) thảo luận một số nội dung của Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo vừa qua, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội - ảnh) tiếp tục kiến nghị bổ sung nội dung cấm với những lễ hội có hành vi đâm chém, bạo lực.

“Duy trì những lễ hội như vậy khác nào cổ xúy cho một xã hội bạo lực, trái ngược mục tiêu hướng đến một xã hội văn minh, nhân ái và hội nhập toàn cầu…”, bà Trần Thị Quốc Khánh nhấn mạnh.
 Nhiều lần kiến nghị trên diễn đàn Quốc hội về loại bỏ những lễ hội có yếu tố hiến sinh, bạo lực, bà có thể chia sẻ nhìn nhận của mình về những lễ hội này trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhất là khi chúng ta đang trong quá trình hội nhập toàn cầu?
- ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Trước hết tôi muốn nói đến thực trạng tình hình vi phạm pháp luật hiện nay được thể hiện trong các báo cáo của Chính phủ với hiện tượng bạo lực trong nhà trường, xã hội ngày càng gia tăng. Học sinh đánh nhau, đâm chém ngay trong trường học, ra ngoài đường động một chút cũng gây gổ, xô xát, thậm chí chém giết lẫn nhau… Những hành vi này xuất phát từ bản tính hung bạo ở từng con người, tuy nhiên trong mặt bằng chung của xã hội, chúng ta không khỏi đau lòng và buộc phải đặt câu hỏi: Với truyền thống nhân ái, bao dung của người Việt thì vì sao ngày càng xuất hiện nhiều tính cách hung bạo như thế?
Lý do có thể do giáo dục chưa đến nơi đến chốn, nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân vì môi trường xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hình ảnh phản cảm, bạo lực, mang tính kích động. Lễ hội văn hóa vốn là không gian linh thiêng, tôn nghiêm, nhưng cũng lan tràn các hình ảnh bạo lực, vô cùng phản cảm. Chém lợn, đâm trâu, đập đầu trâu, chọi trâu... mô tả những hành vi hung bạo, hoàn toàn đi ngược dòng chảy của một xã hội văn minh, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Theo tôi, vấn đề thực tế này đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa phải có giải pháp quyết liệt, đồng bộ để giảm thiểu yếu tố bạo lực trong lễ hội, từ đó giảm thiểu các tác động dẫn đến nảy sinh suy nghĩ, hành vi bạo lực, phản cảm, góp phần xây dựng một cuộc sống bình yên hơn cho tất cả mọi người.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (HN): “Xã hội văn minh không chấp nhận những lễ hội bạo lực” - Anh 1

Tại “Hội thi trâu khỏe” (?!) của huyện Phúc Thọ, HN vừa diễn ra, đến trọng tài cũng bị trâu húc. Ảnh: Vnexpress


Hệ thống văn bản quản lý trong lĩnh vực lễ hội đã quy định không tổ chức các lễ hội kích động bạo lực, truyền bá hành vi tội ác, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam… Tuy nhiên trong thực tế, một số địa phương lại “vin” vào yếu tố truyền thống như một lý lẽ biện minh cho việc tổ chức lễ hội có yếu tố bạo lực. Bà có suy nghĩ gì?
- Làng Ném Thượng (Khắc Niệm, TP Bắc Ninh) có lễ hội với hủ tục chém lợn giữa sân đình; Tam Nông (Phú Thọ) có lễ hội Cầu trâu với nghi thức đập đầu trâu; lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) và hàng loạt các lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên… đều “vin” vào cái gọi là truyền thống để gọi là bản sắc. Nhưng xin thưa, xã hội bây giờ là xã hội văn minh và chúng ta đang sống trong thời đại hội nhập, với tinh thần “thượng tôn pháp luật”. Không chỉ ở các văn bản quản lý về lễ hội, trong các quy định của Luật Thú y, rồi Luật Chăn nuôi sắp tới cũng đều có những điều khoản nghiêm cấm hành vi tàn sát với các loài vật. Luật pháp quốc tế càng rõ ràng hơn với các nội dung khuyến khích con người yêu thương loài vật. Việt Nam đang mạnh mẽ hội nhập quốc tế, vậy tại sao vẫn duy trì những hành vi bạo lực trong lễ hội? Tôi cho rằng không thể vin vào bất cứ lý do gì để nói các cảnh tượng đâm chém, gây nên chết chóc và thương tích là văn hóa mà phải khẳng định, đó là bạo lực, không phù hợp với cuộc sống đương đại.
Trong “thế giới phẳng” mà chúng ta đang sống, cộng đồng quốc tế luôn lên án những hành vi đối xử dã man với động vật. Bởi thế, những hình ảnh như chém lợn tàn bạo ngay giữa sân đình, đập đầu trâu hay kích động để các cặp trâu chiến đấu cho đến chết… đang khiến cho cách nhìn nhận của thế giới về văn hóa truyền thống của chúng ta có phần trở nên sai lệch. Rất may là mùa lễ hội 2016 vừa qua, làng Ném Thượng (Bắc Ninh) trước sự quyết liệt của các cơ quan quản lý và báo chí đã không tái diễn cảnh tượng chém lợn ngay giữa sân đình. Dư luận rất hoan nghênh và qua đó cũng thấy rằng, không phải cứ là truyền thống thì không thể loại bỏ.
Gần đây cũng xuất hiện hàng loạt hội chọi trâu mang tính thương mại mà ở đó cũng có vô số hình ảnh bạo lực, phản cảm như chúng ta đang đề cập. Người ta còn nói rằng đó là một cách để giới thiệu tiềm năng văn hóa và quảng bá hình ảnh địa phương…
- Việt Nam đang hội nhập và với những tiềm năng, bản sắc văn hóa khắp các vùng miền, chúng ta có nhiều cách để thu hút bạn bè năm châu đến để khám phá một đất nước bình yên, yêu chuộng hòa bình. Nhưng nếu cứ để du khách quốc tế chứng kiến những hình ảnh bạo lực, phản cảm trong các lễ hội như vậy thì họ sẽ suy nghĩ như thế nào về văn hóa, con người Việt Nam? Thực tế thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều các hội chọi trâu thương mại tại một số địa phương, không chỉ đi ngược lại tinh thần chỉ đạo trong các Chỉ thị, Công điện, Thông tư của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL về lễ hội mà ở một khía cạnh khác, đó còn là sự kích động, cổ xúy cho một xã hội bạo lực rất cần thiết phải lên án.
Mặt khác, trong cuộc sống của người Việt, con trâu là biểu tượng của sản xuất nông nghiệp, là “đầu cơ nghiệp” của các gia đình nông dân, vậy mà bây giờ với sự lan tràn các hội chọi trâu, chúng ta phải chứng kiến hình ảnh hàng ngàn con người reo hò, cổ vũ những cặp trâu đằng đằng sát khí lao vào nhau, bất chấp hậu quả là chết chóc và thương tích nặng nề. Những hoạt động như thế này không thể để tiếp tục diễn ra trong thời gian tới. 

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (HN): “Xã hội văn minh không chấp nhận những lễ hội bạo lực” - Anh 2

Những hành vi đối xử dã man với động vật luôn bị lên án


Với tiếng nói của một đại biểu Quốc hội luôn tâm huyết với mục tiêu xây dựng những giá trị văn hóa tốt đẹp, bà có niềm tin như thế nào về các chuyển biến của bức tranh lễ hội trong thời gian tới, khi hệ thống văn bản pháp luật ngày càng hoàn thiện, đồng bộ và tích cực “gạn đục, khơi trong”?
- Tại các kỳ họp Quốc hội từ khóa XI đến nay, trong nhiều trường hợp khác nhau, tôi đã hàng chục lần kiến nghị loại bỏ những lễ hội hàm chứa các yếu tố phi văn hóa, bạo lực. Ngay tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách (khóa XIV) thảo luận một số nội dung của Dự thảo Luật Tín ngưỡng tôn giáo vừa qua, tôi cũng kiến nghị bổ sung thêm vào nội dung bị nghiêm cấm các hành vi kích động hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, dẫn đến kích động bạo lực, xâm hại động vật một cách tàn bạo, gây phản cảm, mê tín dị đoan, tạo dư luận xấu trong và ngoài nước (xem bài Nhiều đại biểu QH đề nghị cấm các lễ hội chém lợn, đâm trâu, chọi trâu, Văn Hóa số 2834, ra ngày 9.9.2016).
Trong gia đình và nhà trường, chúng ta thường giáo dục con em bài học về lòng nhân ái, yêu thương con người và các loài vật. Nhưng thực tế trong thời gian qua, con em chúng ta lại bị nhồi nhét vào đầu những hình ảnh bạo lực ngay ở các lễ hội, rất phản tác dụng. Những hành vi bạo lực có thể nói là mông muội, dã man đó không thể tiếp tục tồn tại trong một xã hội văn minh. Các quy định pháp luật cần rà soát, điều chỉnh và loại bỏ chúng một cách đồng bộ. Khi pháp luật nghiêm cấm thì tôi tin rằng, các lễ hội ở Việt Nam sẽ không tái diễn những hành vi bạo lực một cách công khai nữa. Mỗi lễ hội sẽ thực sự trở thành một không gian giáo dục truyền thống, góp phần giáo dục đạo đức, xây dựng xã hội nhân văn và một cuộc sống hội tụ đầy đủ các giá trị văn hóa, yêu chuộng hòa bình.
Xin trân trọng cảm ơn bà!


Phương Anh
(thực hiện) 
 

Ý kiến bạn đọc