Dâng hương khai Xuân tại Hoàng thành Thăng Long

VH- Sáng qua 5.2, tại Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức lễ dâng hương để tưởng nhớ các bậc tiên đế, các bậc hiền tài có công với nước. Tới dự lễ dâng hương có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên.

Trong không gian linh thiêng của Hoàng thành Thăng Long những ngày đầu Xuân mới, lễ dâng hương khai Xuân là hoạt động tâm linh thành kính, hướng về cội nguồn tiên tổ, tôn vinh các giá trị truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là hoạt động văn hóa truyền thống trong khuôn khổ chương trình mừng Đảng, mừng Xuân Đinh Dậu 2017 tại Hoàng thành Thăng Long. Chương trình gồm nhiều nghi thức truyền thống như: rước kiệu, dâng hương, tế lễ và nhiều hoạt động văn hóa dân gian như múa rồng, trống hội.
Nghi lễ dâng hương được các đội tế Nam đình Kim Mã Thượng (quận Ba Đình), đội dâng hương Nữ Liên chi hội di sản văn hoá quận Hoàng Mai thực hiện trang trọng, đúng nghi thức, thể hiện lòng thành kính, biết ơn các bậc vua sáng tôi hiền đã có công dựng nền văn hiến Thăng Long, khai sáng văn minh Đại Việt.
Trước đó, các đoàn rước kiệu gồm bốn kiệu võng, một kiệu hoa với sự tham gia của hơn 300 người, tập kết tại sân Đoan Môn, đã tiến vào sân Rồng điện Kính Thiên, dâng lễ lên điện Kính Thiên theo đúng nghi lễ truyền thống. Kiệu Thánh được rước từ bốn ngôi đền là: Đình thờ Linh Lang Đại vương, vị thần trấn phía Tây Kinh thành Thăng Long; đền Voi Phục (Thụy Khuê), đình đền Hào Nam, đình Cống Vị và đình Kim Mã Thượng… Chương trình còn có màn múa Rồng của các nghệ nhân làng Triều Khúc (Thanh Trì) tái hiện hình ảnh con Rồng cháu Tiên với mong ước mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, nêu cao tinh thần thượng võ và truyền thống Uống nước nhớ nguồn của dân tộc.


Q. Long


Hải Dương: Lễ hội Khai bút đầu xuân tại Đền thờ Chu Văn An

Dâng hương khai Xuân tại Hoàng thành Thăng Long - Anh 1


 
Khai bút đầu xuân


Sáng 4.2, tại di tích đền thờ thầy giáo Chu Văn An (phường Văn An, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), UBND thị xã Chí Linh đã long trọng tổ chức Lễ hội Khai bút Xuân Đinh Dậu 2017. Tới dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên.
Lễ khai bút diễn ra với nghi lễ rước các cỗ kiệu từ đền nữ TS Nguyễn Thị Duệ vào đền thờ Nhàgiáo Chu Văn An, chương trình văn nghệ mừng Đảng, mừng xuân, nghi lễ tuyên sớ ôn lại công lao của đức Vạn thế sư biểu Chu Văn An. Phần khai bút diễn ra trang trọng với hai thư pháp gia cao tuổi khai 4 chữ nho: Phong, Điều, Vũ, Thuận (cónghĩa mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an). Tiếp theo các đại biểu của trung ương, tỉnh, thị xã lên khai chín chữ: Tâm, Đức, Trí, Phúc, Lộc, Tài, An, Phát, Thịnh. Sau nghi lễ khai bút là nghi lễ dâng hương, dâng chữ lên đền. Cũng tại Lễ khai bút đã diễn ra triển lãm lịch sử khoa bảng và các di tích nho học trên đất Hải Dương; triển lãm các tác phẩm thư pháp chữ Hán, chữ quốc ngữ với chủ đề “Tôn sư trọng đạo”.
Theo Ban Quản lý di tích thị xã Chí Linh, từ Tết đến nay, đền thờ Nhà giáo Chu Văn An đã đón gần tám vạn lượt khách đến tham quan, du xuân, tăng 50% so với năm trước. Lượng khách tăng do Ban Quản lý di tích đã tích cực chuẩn bị trang trí, khánh tiết khu di tích tạo cảnh quan trang trọng, sạch sẽ; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá trên phương tiện thông tin đại chúng…


Nguyễn Hùng


Hà Nội: Khảo sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội tại Sơn Tây, Quốc Oai
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã khảo sát công tác tổ chức và quản lý lễ hội Xuân năm 2017 tại thị xã Sơn Tây và huyện Quốc Oai. Cùng dự có lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Y tế Hà Nội. Đoàn khảo sát ghi nhận, mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong quản lý lễ hội, song qua khảo sát tại các điểm trông giữ xe tại thị xã Sơn Tây vẫn còn tình trạng giá trông giữ phương tiện thu cao hơn với quy định của Nhà nước; một số hàng quán tại chùa Thầy bày bán chưa đúng nơi quy định; một vài cửa hàng kinh doanh ăn uống tại Đền Và chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đoàn khảo sát đề nghị thị xã Sơn Tây và huyện Quốc Oai tăng cường tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong quy chế lễ hội, không để xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan, cờ bạc, trộm cắp tại lễ hội; đặc biệt cần có biện pháp xử lý triệt để việc bày bán hàng sai quy định, mất mỹ quan tại các di tích.


Q.L


TT- Huế: Lễ hội Đền Huyền Trân
Tại Trung tâm Văn hóa Huyền Trân (núi Ngũ Phong, phường An Tây, TP Huế) đã diễn ra Lễ hội Đền Huyền Trân. Lễ hội Đền Huyền Trân được tổ chức vào hai ngày 4-5.2, song để nhân dân và du khách có điều kiện dâng hương, Ban tổ chức đã quyết định kéo dài thời gian đến hết ngày 12.2. Khác với năm 2016 chủ yếu chỉ có phần lễ dâng hương là chính, lễ hội Huyền Trân năm nay do Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức có quy mô lớn, đầy đủ hai phần lễ và hội. Bên cạnh các lễ chính như lễ Tiên Thường (cáo giỗ), lễ kỵ công chúa Huyền Trân với các chương trình sử thi, biểu diễn nghệ thuật hoạt cảnh rước công chúa Huyền Trân, hành lễ, lễ dâng hương,… thì phần hội năm nay thực sự tạo được không khí tươi vui phấn khởi trong dịp đầu xuân. Để làm phong phú thêm lễ hội, Ban tổ chức đã phối hợp với các huyện, thị, TP Huế và các đơn vị trong tỉnh triển khai các hoạt động văn hóa và thể thao: thi đấu cờ người, biểu diễn võ cổ truyền, biểu diễn lân sư rồng, chương trình biểu diễn nghệ thuật của đồng bào dân tộc thiểu số, bài chòi, vật, đẩy gậy, thi đấu cờ tướng, trình diễn thư pháp và trưng bày các sản phẩm truyền thống.


Xuân Nhàn


Đà Nẵng: Phiên chợ xuân tại Asia Park đón hơn 9.000 lượt khách
Tại TP Đà Nẵng, phiên chợ xuân Asia Park đã diễn ra đến hết ngày mùng 10 Tết Nguyên đán, nhưng hầu như những gian hàng Tết dịp này không ngày nào vãn khách.
Một thế giới rực rỡ muôn màu và ngập tràn niềm vui chờ đón các em nhỏ ở Asia Park. Những gian hàng lúp xúp mái tranh gợi nhắc Tết xưa, những trò hoạt náo trên sân khấu chính trước vòng quay người xem vây kín. Du khách sẽ thấy mình được trở về thời thơ ấu, bám gấu áo mẹ xem diễn trò nơi chợ Tết. Chẳng ai nghĩmột nơi hiện đại như Asia Park lại có thể đầy chất Tết dân gian đến thế.
Tại đây, ngoài những hoạt động đặc sắc trong phiên chợ như: vẽ thư pháp, nặn tò he, thưởng thức ẩm thực châu Á truyền thống, Asia Park còn có hơn 20 trò chơi ngoài trời hiện đại nhất thế giới. Góp thêm cho trải nghiệm Tết Asia Park những dư âm thật đặc biệt, Công viên Châu Á miễn phí toàn khu Softplay, khu bắn súng hơi Sunblaster và 64 máy game xu xèng trong nhà trong suốt thời gian diễn ra “Phiên chợ ngày Xuân”.
Theo Sở Du lịch TP Đà Nẵng, dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, các khu, điểm du lịch trên địa bàn đón gần 130.000 lượt khách. Trong đó, Bà Nà Hills đã đón khoảng 48.000 lượt khách, tại Công viên Châu Á, đón hơn 9.000 lượt khách.


Trung Sáng

Ý kiến bạn đọc