Loại bỏ bạo lực, phản cảm trong lễ hội: Treo cổ trâu hay chém lợn là những hủ tục không được tổ chức

VH- Trước những hình ảnh treo cổ trâu phản cảm tại lễ hội đền Đông Cuông (Yên Bái) diễn ra từ những năm trước lan tràn trên mạng xã hội trong những ngày qua, lãnh đạo tỉnh này đã cam kết với Bộ VHTTDL sẽ không tái diễn hủ tục này trong lễ hội năm nay. Bộ VHTTDL cũng khẳng định quan điểm kiên quyết không cho phép tổ chức các lễ hội hiến sinh, có nghi thức hàm chứa yếu tố bạo lực.

Sẽ không còn cảnh “treo trâu”
Ngay sau khi những hình ảnh đăng tải về hủ tục treo cổ trâu đến chết lan tràn trên mạng xã hội, Bộ VHTTDL đã lập tức chỉ đạo Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái về những nội dung, nghi thức không được tái diễn tại lễ hội truyền thống năm 2017 ở đền Đông Cuông (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái) . Theo đó, Bộ kiên quyết không cho phép tổ chức nghi lễ treo cổ trâu trong lễ hội.
“Một trong những định hướng chỉ đạo xuyên suốt của Bộ VHTTDL nhằm tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội là “nói không” với những hủ tục, nghi thức hiến sinh mang tính bạo lực, phản cảm, man rợ. Lễ hội làng Ném Thượng (Bắc Ninh) với tục chém lợn, lễ hội Cầu trâu ở Hương Nha, Xuân Quang (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) cũng đã được Bộ VHTTDL chỉ đạo và thay thế hình thức tổ chức, không tái diễn những hình ảnh phản cảm, lạc hậu. Tục treo cổ trâu ở lễ hội đền Đông Cuông cũng vậy, tinh thần chỉ đạo của Bộ là không cho phép…”, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Sau phản ứng của dư luận và trước sự chỉ đạo của Bộ VHTTDL, ngày 6.2, UBND tỉnh Yên Bái và Sở VHTTDL đã tổ chức cuộc họp về nội dung, cách thức tổ chức đối với lễ hội đền Đông Cuông năm 2017. Sở VHTTDL Yên Bái cũng đã cam kết trước Bộ sẽ không tái diễn cảnh treo trâu trong lễ hội như mọi năm. Đại diện lãnh đạo tỉnh này cũng thừa nhận, những hình ảnh treo cổ trâu đến chết trong lễ hội rất phản cảm, mang tính chất kích động bạo lực và cần thiết phải thay đổi.
Lễ hội năm nay diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng. Cục trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Cục Văn hóa cơ sở đã cử đại diện lãnh đạo Cục trực tiếp lên chỉ đạo, giám sát diễn biến của lễ hội, kiên quyết không để tái diễn những nghi thức mang tính bạo lực. Định hướng chỉ đạo này cũng là nội dung được nhấn mạnh tại Thông tư 15/2015 do Bộ VHTTDL ban hành: Không tổ chức các lễ hội có nội dung: Kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó có thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam, cụ thể: mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; mô tả các hành động tội ác khác…

 Ảnh: N.Nguyễn

Chiều qua 7.2 tại Hà Nội, các Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái, Đặng Thị Bích Liên đã chủ trì cuộc họp bàn với các đơn vị chức năng thuộc Bộ nhằm thống nhất kế hoạch kiểm tra của lãnh đạo Bộ đối với công tác quản lý và tổ chức tại các lễ hội lớn, thu hút đông người, bao gồm: lễ hội Đền Trần Thái Bình, lễ hội Đền Trần Thương (Hà Nam) và lễ hội khai ấn Đền Trần (Nam Định)…

Lễ hội Đền Trần Thái Bình (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) khai mạc vào ngày 9.2.2017 (tức tối 13 tháng Giêng). Lễ hội Đền Trần Thương (Hà Nam) tổ chức lễ phát lương từ đêm ngày 10, rạng sáng ngày 11. 2 (tức đêm 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng). Lễ khai ấn Đền Trần (Nam Định) diễn ra đêm ngày 10 rạng sáng ngày 11. 2 (tức đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15 tháng Giêng); hoạt động phát ấn diễn ra từ sớm ngày 15 tháng Giêng.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ giao Cục Văn hóa cơ sở làm đầu mối, chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ trong hoạt động kiểm tra, giám sát công tác quản lý, tổ chức đối với những lễ hội này. “Cần rút kinh nghiệm từ những bất cập tại các lễ hội nói trên trong những mùa trước để chủ động, kịp thời phối hợp với địa phương có giải pháp khắc phục. Đặc biệt, do cả ba lễ hội đều là những “điểm nóng”, thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương nên cần lường trước những tình huống có thể phát sinh để có phương án ứng phó kịp thời…” là những chỉ đạo được lãnh đạo Bộ nhấn mạnh.

Được biết, trong ngày hôm nay 8.2 (tức 12 tháng Giêng) đoàn giám sát, kiểm tra của Cục VHCS do một Cục phó dẫn đầu sẽ có mặt tại hai lễ hội: đền Đông Cuông (Yên Bái) và Lễ hội cướp Phết tại Hiền Quan (Phú Thọ) để giám sát. 

Báo chí cần tăng cường vai trò định hướng thông tin
Qua những diễn biến đầu tiên của mùa lễ hội, bà Trịnh Thị Thủy cũng đề nghị báo chí khi truyền thông về lễ hội cần chú ý tính chân thực, minh bạch và có giá trị định hướng dư luận. “Trường hợp những hình ảnh, clip treo trâu tại lễ hội đền Đông Cuông đã diễn ra từ năm trước, tuy nhiên khi đăng tải một số trang mạng không thông tin rõ ràng, dẫn đến dư luận hiểu nhầm là lễ hội vừa mới diễn ra, có những hủ tục phản cảm và là một trong những bất cập nổi cộm của mùa lễ hội 2017…”, bà Trịnh Thị Thủy chia sẻ.

Loại bỏ bạo lực, phản cảm trong lễ hội: Treo cổ trâu hay chém lợn là những hủ tục không được tổ chức - Anh 1

Hình ảnh treo cổ trâu từ những mùa lễ hội trước ở lễ hội đền Đông Cuông lan truyền trên mạng xã hội đã được các cấp quản lý từ Bộ đến địa phương phản ứng một cách kịp thời và quyết liệt Ảnh: INTERNET


Cũng ở khía cạnh nhìn nhận về sự kết nối của truyền thông từ các lễ hội đến công chúng, TS Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian VN cho rằng, báo chí cần đặc biệt lưu ý trong các giải pháp định hướng, điều chỉnh hành vi ứng xử văn hóa trong lễ hội có một chế tài đặc biệt là dư luận. Vì vậy, cần chú trọng tạo dựng dư luận đúng đắn, mang tính điều chỉnh, định hướng hành vi bằng nhiều hình thức, đặc biệt trên hệ thống mạng xã hội.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nhạy cảm này cũng nhận định, trong bối cảnh tác động thông tin đa chiều, một yếu tố tác động tích cực, góp phần tạo nên những chuyển biến trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội chính là những thông tin, phản ánh chuẩn xác, khách quan. Mùa lễ hội 2017 đã đi qua chặng đường đầu tiên nhưng dường như, lượng tin bài phản ánh những chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và tổ chức hay sự quyết liệt của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương chưa nhiều. Nổi bật hơn cả vẫn là những hình ảnh, clip phản ánh tiêu cực, cảnh tượng tranh cướp, chen lấn, xô đẩy trong lễ hội.
Trong thời gian tiếp theo của mùa lễ hội 2017, Cục Văn hóa cơ sở tiếp tục được giao trách nhiệm là đầu mối, phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, theo dõi sát sao công tác tổ chức tại một số lễ hội lớn, thu hút đông người tham dự, tiềm ẩn nhiều khả năng xảy ra các tình huống ngoài kịch bản như lễ hội Đền Trần (Thái Bình), lễ hội Đền Trần Thương (Hà Nam), lễ hội Đền Trần (Nam Định), hội cướp Phết tại Hiền Quan (Tam Nông, Phú Thọ)…
Đối với các lễ hội có tập tục hiến sinh, bà Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Chém lợn, đập đầu trâu, treo trâu hay các hội thi chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống… luôn được Bộ “khoanh vùng” khuyến cáo không tổ chức. Những hình ảnh phản cảm, biến tướng tại các lễ hội này rõ ràng cần thay đổi hình thức tổ chức, dần dần dẫn đến loại bỏ. Tuy nhiên, việc loại bỏ hay chuyển sang hình thức tổ chức khác đều cần có sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền và cộng đồng địa phương. Bộ VHTTDL sẽ luôn theo dõi, giám sát và có chỉ đạo nhằm kịp thời khắc phục những biến tướng, phản cảm này…”.


Ngân Anh

Ý kiến bạn đọc