Hơn 20 năm tình nguyện “vá đường” cho dân

VH- Sáu mươi tư tuổi, sống bằng nghề sửa xe đạp, nhưng hơn 20 năm qua, thời khóa biểu của ông Phan Thế Mỹ (thôn Cẩm Sa, xã Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) ngày nào cũng bắt đầu từ 4 giờ sáng để đi làm những việc mà ông gọi là “việc nên làm” như chở đất vá những đoạn đường làng bị hư hỏng, quét dọn đường sá trong thôn, đóng giếng máy phục vụ bà con tưới tiêu ruộng đồng,…

Xong xuôi, ông trở về nhà, bắt đầu công việc mưu sinh của mình. Và vẫn không quên tranh thủ làm thêm chuyện làng, chuyện xóm. 
Hỏi chuyện ông Mỹ là người dân thôn Cẩm Sa, từ già tới trẻ, đều có thể kể vanh vách hàng chục câu chuyện ông Mỹ làm cho làng xóm, mà họ thường đùa là chuyện “bao đồng”. Người dân ở đây đã quen với hình ảnh ông bao nhiêu năm qua cặm cụi, cần mẫn dành hết thời gian rảnh rỗi, công sức và cả số tiền vốn cũng ít ỏi ông kiếm đường để giúp người dân.
Năm 1978, ông làm việc ở Hợp tác xã nông nghiệp I Điện Nam và được giao chức Phó chủ nhiệm Phụ trách trồng trọt. Năm 1995, ông nghỉ việc ở HTX, về nhà mở quán sửa xe và bắt đầu công việc đi đắp đường, tu bổ đường giao thông nội đồng, đào giếng,… giúp dân làng.

Hơn 20 năm tình nguyện “vá đường” cho dân - Anh 1

Ông Mỹ tự nguyện bỏ tiền đóng máy bơm để giúp người làng có nước ngọt sử dụng


Năm 2003, khi Nhà nước quy hoạch mồ mả vào một khu vực tập trung. Đúng mùa mưa, xe vận tải vận chuyển cát làm sạt con đường vào khu vực nghĩa trang, ông xin phép UBND xãrồi kéo đất từ những gò hoang gần đó đắp lên, tu bổ lại con đường để người dân đi lại thuận lợi. Do phải tranh thủ làm vào lúc sáng sớm, trời còn rất tối nên ông Mỹ phải đốt vỏ xe đạp, xe máy cũ để có ánh sáng đắp đường. Ông còn trồng cây ở những con đường dẫn vào nghĩa trang để có bóng mát. Năm 2010, những con đường ở khu vực này ngày một xuống cấp hơn, ông làm đơn xin công ty gạch Đồng Tâm, xin gạch vỡ, xin xe, xin công để đắp lại con đường.
Có bao nhiêu tiền dành dụm, bao nhiêu thời gian ông dành làm chuyện “không công”. Thấy bà con nông dân vác phân, vác lúa nhảy qua những con mương lầy lội rất vất vả, ông vận động được 4 triệu đồng rồi lọ mọ đi mua xi măng, sắt thép về đúc 40 cái bi thả xuống lòng mương để qua lại sản xuất dễ dàng.
Nước ở thôn nhiễm phèn ngày càng nặng, hàng trăm hộ dân phải mua nước ngọt về uống với giá gần 200.000 đồng/tháng. Ông bỏ tiền ra đóng một máy bơm tại con đường thôn 2 của xã cho người trong làng có nước dùng. Có ít tiền dành dụm từ việc sửa xe đạp, ông lại “đầu tư” 5 máy bơm lắp khắp cánh đồng để bà con dùng pha thuốc, tưới phân. Tại mỗi máy bơm, ông đặt thêm bi chứa nước để bà con lấy nước dùng sinh hoạt. Cả chiếc xe kéo mà ông vẫn dùng để kéo đất, kéo gạch đi đắp đường, đến mùa thu hoạch lúa, ông cũng đi chở lúa dùm bà con với giá rẻ.

Hơn 20 năm tình nguyện “vá đường” cho dân - Anh 2

 Trong giỏ xe của ông Mỹ bao giờ cũng có bình xăng dự trữ để “tặng” cho những người lỡ hết xăng giữa đường


Giữa cánh đồng Cẩm Sa nắng như đổ lửa, cứ độ 1 km lại có một “trạm dừng nghỉ” là những cái chòi nhỏ do ông Mỹ dựng lên. Ông trồng cây bàng, thả giàn bí lấy bóng mát, trồng hoa, đúc những cái ghế xi măng, ốp lên trên gạch men để bà con có chỗ ngồi. Bà con làm đồng trưa nắng cứ tìm đến nghỉ chân, uống nước chè xanh và ngồi chuyện làng, chuyện xóm cho vơi nắng nóng.
Trong giỏ xe của ông Mỹ bao giờ cũng có bình xăng dự trữđể “tặng” cho những người lỡ hết xăng giữa đường. Đoạn đường 607A qua xã Điện Nam Bắc có rất đông những người bán bắp, bánh chưng dạo trên tuyến Đà Nẵng - Hội An đi về khuya. Công nhân ở khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc hay tan ca qua lại, ai cũng biết chỗ ông Mỹ đặt chiếc bơm xe, phòng khi xe non lốp thì họ bơm. Đôi lúc, lỡ hết xăng, ông Mỹ lại “tặng” bình xăng cho người qua đường đi tiếp.
Ông Trần Quốc Dũng, Trưởng thôn Cẩm Sa cho biết: Đoạn đường bê tông hơn 500m dẫn ra cánh đồng Cẩm Sa cũng chính là nhờ ông Mỹ huy động kinh phí làm để việc đồng áng của người dân được thuận lợi. Cứ 50m ông lại để cây chổi để ai tiện thì dọn dẹp. Riêng ông, sáng nào cũng đi ra quét đường cho sạch sẽ. Thấy những việc ông làm, bà con trong thôn, rồi bọn trẻ, thanh niên trai tráng cũng xắn tay vào phụ giúp. Những việc tốt như thế cứ lan tỏa dần một cách tự nhiên. Trên đoạn đường này, cứ đi một quãng chừng 50m sẽ thấy một đống gạch đá ông Mỹ xếp sẵn hai bên đường. Đoạn nào sạt lở là ông có sẵn đất đá, cuốc xẻng “cấp cứu” ngay lập tức. Nghe ở đâu có xà bần là ông lại đến kéo hết chuyến này đến chuyến khác để đi quanh xóm, quanh làng “vá” lại những con đường ổ gà, ổ voi lầy lội.
Khi các con đường liên thôn, liên xã được bê tông hóa, người làng đùa rứa là ông “mất việc vá đường”. Nhưng rồi lại thấy ông hì hụi kéo chiếc xe kéo tự chế, chở gạch đá làm con đường tận phía rừng dương. Những năm gần đây, cóđược chiếc xe máy 50 phân khối, ông chế thêm một chiếc xe cải tiến hai bánh móc vào xe máy để chở đất nên công việc cũng đỡ vất vả. Suốt 3 năm ròng rã, ông Mỹ đã mở được một con đường đất dài hơn 2 km chạy dọc nghĩa trang xã Điện Nam Bắc để trẻ con đến trường thuận tiện, công nhân có đường đến khu công nghiệp gần hơn...
Trên bức tường cũ kỹ trong căn nhà nhỏ của ông Mỹ có đến hơn 30 tấm bằng khen các loại, dành cho ông từ cấp Trung ương đến địa phương khen tặng ông. Nhưng ông không thích nói nhiều về việc mình làm. Những chuyện về ông, chúng tôi toàn được nghe người làng ngồi kể với nhau. Ai cũng bảo, ông là người tử tế. Cứ có việc gì có ích, giúp được cho người dân cùng làng đỡ vất vả là ông vui vẻ xắn tay làm không nề hà. 


Khánh Chi

Ý kiến bạn đọc