Tháng Bảy nhớ về Quảng Trị

​Tôi cảm thấy mình giống như một người lính phiêu bồng qua các ngọn cỏ. Và khi đã có rất nhiều mùa xuân trên hai vai, khi tự nhiên tâm hồn bớt đi khá nhiều run rẩy, tôi thường nhớ về Quảng Trị. Có nghĩa là những lúc khốn khó nhất, những lúc cô đơn nhất, tôi lại muốn tìm về với vùng đất một thuở phủ đầy tàn tro ấy.

Đúng ra Quảng Trị có ở trong tôi nhiều hơn là tôi đã tưởng. Năm 1972, cùng với binh chủng cao xạ của E223, tôi có mặt bên bờ sông Thạch Hãn. Lưỡi xẻng trong tay tôi lần đầu tiên cắm vào nửa phần quê hương trụi trần bom đạn. Tôi nhớ là vừa đào công sự, tôi vừa rưng rưng kêu lên khe khẽ: “Miền Nam ơi, miền Nam đây rồi!”. Đất Quảng Trị bao quanh và chở che, nhưng người dân Quảng Trị lúc đó chúng tôi chưa được gặp.

 Ôm khẩu súng nằm im trên một đồi chốt, nhìn ra bốn phía chỉ thấy lằng nhằng dây thép gai, tôi đã lẩm nhẩm:

Mạ ơi! Đất nước cắt chia

Tiếng kêu con cuốc chạy về quả tim

Mũ tai bèo khẽ nghiêng nghiêng

Nghe lăn lăn những tiếng chim xuống hầm…

Biết bao căn hầm như thế chắc chắn đã sập rồi, chỉ còn lại tiếng chim là dắt tôi đi qua những tiếng ồn ào của ngày hôm nay. Có ai đó gọi Quảng Trị là “Đất Thánh”. Có lẽ đúng! Quảng Trị không chỉ lặng lẽ cho tôi những câu thơ, mà còn dạy cho tôi sức chịu đựng vô hạn của con người. “Đất Thánh” nào cũng đòi hỏi sự hy sinh. Tôi đã thấy ở Quảng Trị quá nhiều người ngã xuống. Ngã xuống ngay cả khi toàn bộ các chiến trường đã im tiếng súng rồi.

Tháng Năm 1975, tôi về Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong tham gia các chiến dịch phá gỡ bom mìn để phục hồi sản xuất. Lực lượng chính là anh chị em du kích và các đơn vị Công binh của Huyện đội, Tỉnh đội. Vũ khí chủ yếu có mỗi một thanh tre mỏng và dài gấp đôi chiếc đũa, thật đúng là đùa với tử thần! Cứ chốc chốc tôi lại nghe thấy một tiếng “ùm” chát chúa đây đó và tim tôi cứ nhoi nhói lên, khi nhìn thấy từng chiếc cáng từ bãi mìn khênh ra. Những người chết còn trẻ quá, không ai kịp mang theo gì ngoài nỗi khát khao sớm được cấy cày và gieo hạt. Trong số họ, có người còn đỏ bừng mặt khi nghe người ta nói tới chữ “hôn”. Tất cả đều trong trắng đến lạ kỳ. Tôi không bao giờ có thể quên được cái dáng ngồi thanh thản của họ trước những quả mìn:

Mẹ ơi, trước lúc con vĩnh biệt

Con không kịp thấy chỗ con nằm

Con chỉ nhớ rằng sau tiếng nổ

Vẫn quỳ trước mẹ, trước vầng trăng…

Trăng vẫn sáng ngoài kia, giá như trăng chỉ là một đồng tiền trị giá bằng cái vé tàu thì tôi sẽ cầm lấy ngay và tìm đường về với Quảng Trị. Vâng, tôi cũng chưa biết mình về Quảng Trị để làm gì, nhưng dù chỉ là để cho hai tay vào túi quần, giống như một ngọn cỏ phiêu bồng, gục đầu nhìn xuống dòng sông Thạch Hãn.

Hà Nội những ngày tháng Bảy

Nhà thơ HOÀNG NHUẬN CẦM

Ý kiến bạn đọc