Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Tăng thuế, pháp lý và đạo lý

Thứ Hai 16/04/2018 | 10:00 GMT+7

Dự thảo Luật Thuế tài sản dự kiến đánh thuế đối với các nhà có giá trị trên 700 triệu đồng và xe ô tô giá trên 1,5 tỉ đồng đang gây nhiều tranh luận trong xã hội. Tôi có mấy suy nghĩ chưa chín nhưng cũng xin bày tỏ như sau:

Giá trị một ngôi nhà trên 700 triệu có thể coi là không lớn lắm đối với hai vợ chồng một công chức, có thu nhập trung bình. Gom góp đến cuối đời chắc cũng mua được ngôi nhà để vui sống tuổi già. Nhưng tại sao lại phải nộp thuế lần thứ n chứ không phải lần đầu khi mua được nhà giá trị không lớn như vậy?

Từ nhiều năm trước chúng ta đã đánh thuế thu nhập. Mọi người nếu thu nhập đạt đến độ phải nộp thuế thì phải nộp, không ai tránh được. Các doanh nhân, nghệ sĩ, những nhà khoa học thực hiện các hợp đồng nghiên cứu đều phải nộp thuế. Những người sản xuất ra hàng hoá bán ra thị trường cũng phải nộp thuế từ quả trứng, con cá, hoa quả, cây rau, cây hoa... Như vậy nghĩa vụ công dân người ta đã làm đủ.

Vậy số tiền tích luỹ được sau thuế là tiền của công dân, không phải tiền họ trốn thuế nên không thể đánh thuế họ lần nữa được. Đó là về mặt pháp lý.

Còn về mặt đạo lý, khi nghĩ ra “tư tưởng” mới này hẳn người ta đã không nghĩ đến sự phản cảm, phi đạo lý của vấn đề. Không thể cứ nghĩ đến chuyện tận thu như thế khi mà sức dân không khoẻ như một số người nghĩ. Đành rằng khi điều đó được thực hiện thì cả họ cũng là những người phải thi hành. Họ không thể muốn thế nào thì cứ đề xuất vì mọi đề xuất phải tuân thủ pháp luật và vì dân, cho dân chứ không phải chỉ từ góc nhìn của nhà quản lý.

Từ chuyện thêm thuế, nghĩ lại mới thấy việc quản lý xã hội ở ta còn nhiều vấn đề lắm. Về khung pháp lý thì có vẻ ổn nhưng đi sâu vào mới thấy không phải vậy. Từ các Bộ, ngành đến các địa phương luôn thấy sự vênh lệch giữa các quy định khiến cho khi thực thi rất khó khăn. Đơn vị, địa phương nào cũng có quyền ra các hướng dẫn, chỉ thị, quy định mà từ đó dễ gây ra những bất ổn cả về tâm thế xã hội lẫn vi phạm khung pháp lý. Ví như Bộ Y tế ra dự thảo quy định người ngực lép, nhẹ cân không được lái xe; Bộ GD&ĐT quy định cộng điểm ưu tiên cho con Mẹ Việt Nam anh hùng khi thi vào đại học, cao đẳng... Họ có căn cứ để đưa ra các đề xuất đó không? Họ có lý nhưng cái phần có lý ấy nhỏ hơn cái vô lý rất nhiều. Họ đã chọn các căn cứ không cơ bản, không phù hợp để đề xuất nên nhìn tổng thể các tham mưu ấy hỏng. Tệ hơn là họ gắn những cái đó với chức năng quản lý nhà nước mà thực chất là lạm dụng quyền hạn. Tình trạng “cát cứ” gây ra những hệ luỵ rất lớn.

Từ tư tưởng ấy mà mọi sự linh hoạt, linh động, đặc thù... nằm ngoài pháp luật đã đẩy tình trạng quản lý xã hội trong tình trạng phá vỡ quy hoạch, quy định, vi phạm pháp luật, khi cần có gì khác và ngoài quy định lại làm tờ trình xin các cấp giải quyết. Và, sau nhiều đường đi quẩn quanh, loằng ngoằng, người ta lại quyết cả những gì vốn không được phép.

Phải xây dựng xã hội theo tinh thần pháp trị, không có tổ chức, cá nhân nào được quyền đứng ngoài, đứng cao hơn pháp luật thì mới mong mọi chuyện dần đi vào nề nếp, luật nào chưa có phải xây dựng, điều nào không khả thi, trái Hiến pháp phải sửa. Chỉ có thế mới ngăn ngừa được tình trạng lạm quyền, vượt quyền như đã diễn ra.

PGS.TS PHẠM QUANG LONG

Print
Tags:

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top