Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Tranh cãi về bức tường bích hoạ trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội): Lạc lõng như trang sức màu mè cho cô gái thôn quê?

Thứ Hai 22/10/2018 | 10:36 GMT+7

VHO- Sau hàng loạt những bức tranh tường tự phát xuất hiện ở các khu dân cư đã từng khiến giới nghề bất bình lên tiếng cảnh báo thì những ngày qua tiếp tục có thêm một bức tường bích họa mang tên “Hà Nội xưa và nay” trên phố Phan Đình Phùng trở thành đề tài cho nhiều tranh luận.

Một góc bích họa Ảnh: QUANG VINH

 Đẹp hay xấu, nghệ thuật hay là sự lạc lõng? Cách làm đẹp cho những con phố, mảng tường Hà Nội không phải lần đầu tiên được đề cập nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều vấn đề phải nói.

Phá vỡ cảnh quan

Dự án bích họa trên phố Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã được một nhóm họa sĩ là cựu học sinh của Trường THPT Phan Đình Phùng thực hiện từ đầu tháng 10.2018. Khoảng 20 bức tranh trong tổng thể tác phẩm dự kiến đã được hoàn thành, có chủ đề “Hà Nội xưa và nay”, được chia thành hai mảng quá khứ - hiện tại.

Phần quá khứ hiện hữu qua những bức tranh về Hà Nội xưa, phần hiện tại là những bức tranh tái hiện những khoảnh khắc đẹp nhất trên phố Phan Đình Phùng. Trên mỗi bức tranh sẽ được gắn một bóng đèn để bật vào buổi tối, mọi người đi qua có thể ngắm nhìn. Loại sơn được dùng để vẽ tranh là acrylic, có độ bền màu trên 10 năm.

Ý tưởng nghe qua khá thuyết phục. Thực hiện lại là những họa sĩ chuyên nghiệp. Thế nhưng vì sao ngay khi chưa hoàn thiện thì bức bích họa trên phố Phan Đình Phùng vẫn tiếp tục dấy lên một cuộc tranh cãi mới trong giới nghề? Một họa sĩ tên tuổi (giấu tên) nói, sự xuất hiện của bức bích họa này bộc lộ một góc độ không ổn khác trong quản lý các tác phẩm, công trình nghệ thuật nơi công cộng, cụ thể ở đây là những bức tranh tường vốn sinh ra có sứ mệnh là để làm đẹp cảnh quan môi trường.

Ở chiều thuận, một số họa sĩ và dư luận “vỗ tay” khen. Như họa sĩ Đào Hải Phong đã cho rằng, dù bức tường bích họa Phan Đình Phùng không phải là cách làm mới nhưng dẫu sao cũng làm cho mọi người cảm thấy vui vẻ, không bị nhàm chán. Theo họa sĩ Phong, mọi người nên nhìn bức tường này ở mặt tích cực, nghĩa là mục đích tốt của những người thực hiện là nhằm tạo ra một không gian mới, một địa điểm vui chơi cho du khách khi tới Hà Nội.

Theo nhiều ý kiến khác, Phan Đình Phùng là con phố đẹp, gắn bó lâu năm với cuộc sống của người dân Hà Nội. Diện mạo quen thuộc sẽ trở nên sinh động, mới mẻ và hấp dẫn hơn với những bức vẽ về Hà Nội từ xưa đến nay. Ông Nguyễn Thanh, một người dân sống trên con phố này chia sẻ, hơn nửa cuộc đời gắn với con phố, bức bích họa xuất hiện ít nhiều cũng trở thành một tâm điểm thu hút ánh nhìn mỗi lần qua lại. “Cũng vui mắt!”, ông nói.

Nhưng ở chiều ngược lại, không ít nhà chuyên môn lên tiếng phản đối. Trong đó, không ít ý kiến cho rằng bức bích họa của trường Phan Đình Phùng chẳng khác nào một cách tô điểm lạc lõng khi gắn với vẻ đẹp thuần khiết, trong sáng của một cô gái thôn quê giản dị. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình không tán đồng sự xuất hiện của bức vẽ bởi điều đó như một động tác làm phá vỡ cảnh quan môi trường.

Đẹp rồi thì có cần tô vẽ nữa không?

Đồng nhận định trên, nhiều ý kiến nhận định, “Hà Nội xưa và nay” trên phố Phan Đình Phùng như một mảng màu sáng chói, phá hỏng khung cảnh tĩnh lặng, nên thơ cổ kính của một trong những con phố đẹp nhất của Hà Nội. Gay gắt hơn, không ít nhà chuyên môn nhấn mạnh, phố Phan Đình Phùng ngày nay có thể coi là một di sản của Hà Nội nên không thể tùy tiện mà tô vẽ.

Đơn cử, trả lời báo chí, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức không ngần ngại cho biết anh không ủng hộ cách làm này của nhóm họa sĩ. Phố Phan Đình Phùng quá đẹp với hàng sấu tuổi đời hàng trăm năm, phố phường mang vẻ đẹp cổ kính, thanh bình. Vì thế, không cần phải điểm tô hay làm mới cho con phố này. Hãy cứ để cho “người đẹp” được ngủ yên.

Về bản chất, vẽ bích họa là giải phóng về mặt thẩm mỹ cho một khu vực vốn có cảnh quan nhếch nhác, nhằm lấp đi những cái chưa đẹp. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, về làm đẹp phố phường bằng bích họa có thể lấy ví dụ như phố bích họa Phùng Hưng. Sự xuất hiện của những tranh tường đã khoác lên một tấm áo mới đẹp đẽ và nghệ thuật cho con phố. Sự tham gia của cả giới nghề mỹ thuật và kiến trúc cũng đã giúp cho những mái vòm trên phố Phùng Hưng thoát khỏi diện mạo cũ kỹ mà nhếch nhác. Con phố này không chỉ đẹp, văn minh hơn mà còn trở thành một địa chỉ check-in mới của du khách và người dân Hà Nội trong gần một năm qua.

“Nhưng với phố Phan Đình Phùng thì không cần thiết. Có lẽ sự thiếu vắng bàn tay, góc nhìn của các nhà kiến trúc đã khiến cho tác phẩm bích họa dù được chính các họa sĩ chuyên nghiệp thực hiện cũng vẫn gợi lên những băn khoăn…”, ông Bình nhận định.

Ấn tượng thị giác mới mẻ mà nhiều người xem là “điểm cộng” cho bức vẽ, theo nhà phê bình Nguyễn Đức Bình, lại là điều lạc lõng. “Tôi cứ nghĩ một cô gái đã đẹp rồi, lại đẹp một cách trong sáng và thuần khiết như phố Phan Đình Phùng bao năm nay vẫn đi vào nỗi nhớ của Hà Nội với một dáng vẻ yên bình, cổ kính thì có cần không một “đồ trang sức” như bức bích họa này không?”, nhà nghiên cứu đặt dấu hỏi.

Đồng quan điểm này, nhiều họa sĩ và kiến trúc sư tên tuổi lắc đầu khi xem hình ảnh bức bích họa mới trên con phố già. Ở một khía cạnh nào đó, tác phẩm nghệ thuật đã đi ngược sứ mệnh của tranh bích họa là tạo tác động thẩm mỹ cho không gian công cộng, cải tạo để môi trường sống đẹp hơn lên. Dáng vẻ êm đềm, thơ mộng dường như đã “kháng cự” lại sự chen chân của tác phẩm nghệ thuật, vốn có dụng ý tốt đẹp.

Ngoại trừ tác động tích cực là trở thành địa điểm chụp ảnh lưu niệm cho các học sinh của trường THPT Phan Đình Phùng thì sau nhiều ngày, các bức tranh vẽ về” Hà Nội xưa và nay” vẫn tiếp tục gây nhiều tranh cãi. Nhìn rộng hơn, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho rằng, câu chuyện quản lý đối với các công trình nghệ thuật công cộng, cụ thể là tranh bích họa ở Hà Nội đang bộc lộ một số vấn đề.

Nếu như ở phố bích họa Phùng Hưng đã từng vấp nhiều rào cản là sự quá chặt chẽ của chính quyền thì những bức vẽ ở khu vực trường THPT Phú Thượng lại như một cách “bôi bẩn” nhếch nhác, không chuyên nghiệp. Bức bích họa của phố Phan Đình Phùng thì như đã nói, dù được vẽ bằng bàn tay của các họa sĩ chuyên nghiệp nhưng lại quá lạc lõng so với tổng thể cảnh quan môi trường.

Nhiều họa sĩ và kiến trúc sư tên tuổi lắc đầu khi xem hình ảnh bức bích họa mới trên con phố già. Ở một khía cạnh nào đó, tác phẩm nghệ thuật đã đi ngược sứ mệnh của tranh bích họa là tạo tác động thẩm mỹ cho không gian công cộng, cải tạo để môi trường sống đẹp hơn lên. Dáng vẻ êm đềm, thơ mộng dường như đã “kháng cự” lại sự chen chân của tác phẩm nghệ thuật, vốn có dụng ý tốt đẹp.

 

BẢO ANH

 

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liên hệ quảng cáo: 024.8220036

Tổng Biên tập: NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: 124 Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302

Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top