Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng: "Nỗ lực tạo thêm nhiều dòng nước mát bồi đắp cho sức mạnh nội sinh của dân tộc"

VHO - Trong thời khắc chuyển giao năm cũ Quý Mão 2023, đón chào mùa xuân mới Giáp Thìn 2024, trong sắc xuân căng tràn của toàn dân tộc, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã dành cho Văn Hóa một cuộc trao đổi cởi mở, ấm áp.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:

Đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 được xem là Hội nghị Văn hóa có ý nghĩa lịch sử, như một Hội nghị Diên Hồng của ngành Văn hóa trong thời kỳ đổi mới dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu và văn nghệ sĩ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Trong câu chuyện ngày cuối năm, Bộ trưởng tâm huyết nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành  suối, thành sông”. Bộ trưởng chia  sẻ, lời dạy của Bác đã được Tổng  Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn lại trong bức thư gửi ngành Văn hóa nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của ngành. “Những chỉ đạo, căn dặn, đánh giá của Tổng  Bí thư cùng sự quan tâm của các  cấp, các ngành và toàn xã hội đã  trở thành nguồn lực, sức mạnh to  lớn để những người công tác trong  lĩnh vực văn hóa cả nước vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó giữ gìn “hồn cốt” của dân tộc, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Tạo nguồn sinh lực mới, khí thế mới 

P.V: Thưa Bộ trưởng, trong bức thư gửi ngành VHTTDL nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành. Trong các báo cáo, Quốc hội, Chính phủ cũng nhận định: Lĩnh vực văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vậy Bộ trưởng nhìn nhận thế nào về một nửa nhiệm kỳ đầy bận rộn đã qua? 

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Có thể nói ngày 28.8.2023 là ngày không thể quên đối với những người làm văn hóa trên cả nước, bởi lẽ không chỉ là Ngày truyền thống, mà đây còn là lần đầu tiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành và Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất.  
Trong thư, Tổng Bí thư đánh giá:  “Nhìn lại nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chúng ta vui mừng nhận thấy, ngành Văn hóa nước ta đã có nhiều cố gắng, tích cực đổi mới cách nghĩ, cách làm; nỗ lực phấn đấu thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, đạt được một số kết quả tích cực, khá toàn diện trên các lĩnh vực”. Sự ghi nhận, đánh giá, căn dặn của Tổng Bí thư đã trở thành nguồn động viên, khích lệ tinh thần to lớn để những người làm văn hóa trên cả nước thấm sâu, hiện thực hóa thành những công việc, hành động cụ thể nhằm đáp ứng lại lòng mong mỏi của Tổng Bí thư cũng như sự quan tâm của các cấp, ngành và nhân dân cả nước. 
Nếu tìm từ khóa thể hiện mức độ quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ dành cho lĩnh vực văn hóa, tôi nghĩ sẽ là hai từ “đặc biệt”. Đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quyết định tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ngày 24.11.2021, tròn 75 năm kể từ ngày Bác Hồ chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất. Đây được xem là Hội nghị Văn hóa  có ý nghĩa lịch sử, như một Hội nghị Diên Hồng của ngành Văn hóa trong thời kỳ đổi mới dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hai Hội nghị toàn quốc về du lịch. Và gần đây nhất, tháng 12.2023, Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị  toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa lần thứ nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã chủ trì Hội thảo khoa học về thể chế, chính sách giúp văn hóa phát triển. Các Hội thảo khoa học  dưới sự chủ trì của Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Trưởng ban Tuyên  giáo Trung ương về giá trị khoa học và thực tiễn 80 năm Đề cương văn hóa của Đảng, Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực  con người Việt Nam trong thời kỳ mới được tổ chức công phu, cùng  với việc các tỉnh/thành ủy tổ chức thành công Hội nghị văn hóa cấp  tỉnh, ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển văn hóa. 
Chính sự quan tâm đặc biệt này đã “khơi thông” nguồn lực, “kiến  tạo” sự phát triển, tạo thành nguồn sinh lực mới, khí thế mới cho sự nghiệp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam theo  tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII  của Đảng và phát biểu Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021. 
Để khích lệ, phát huy được tinh  thần dấn thân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành phấn đấu vì mục tiêu chung, Bộ đã chọn  phương châm: “Quyết liệt hành  động, khát vọng cống hiến” làm  kim chỉ nam xuyên suốt trong cả  nhiệm kỳ. Trên cơ sở đó, hằng năm đều chọn chủ đề công tác, để từng bước tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt của ngành, của Bộ. Nếu năm 2021 tập trung vào “Công tác thể chế, chính sách” thì năm 2022 tập trung “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”, và năm 2023 “Quyết liệt, hiệu quả, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm”. Với sự quan tâm, ủng  hộ, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết  liệt, sát thực tiễn của tập thể lãnh đạo Bộ, sự vào cuộc tích cực của  các cơ quan, đơn vị trong ngành,  công tác văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các  lĩnh vực, tiêu biểu là việc xây dựng, hoàn thiện thể chế; xây dựng môi trường văn hóa; tăng cường đầu tư cho văn hóa gắn với xây dựng con  người văn hóa; công tác ngoại giao  văn hóa. 
Có thể nói các điểm nhấn đạt được sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hai năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã hòa quyện vào nhau, tạo thành dòng chảy, mạch nguồn xuyên suốt, từng bước, từng bước thấm sâu, chuyển động từ trung  ương đến cơ sở…, để văn hóa hiện hữu ở mọi lúc, mọi nơi, mọi hành  động, cử chỉ; gieo mầm, nảy hạt, hướng tới những giá trị tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của nền văn hóa Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:

Bằng văn hóa và từ văn hóa, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng, nhiều lễ hội truyền thống tốt đẹp được tổ chức; các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân rộng. Trong ảnh: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và các đại biểu dự chương trình nghệ thuật “Bản hùng ca bất diệt” tại điểm cầu Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo do Bộ VHTTDL phối hợp với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Điện Biên thực hiện nhân kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27.7.1947 - 27.7.2023)

Biến tư duy thành hành động và những chuyển biến tích cực 

Tổng Bí thư đánh giá, nửa nhiệm kỳ vừa qua, ngành Văn hóa đã tích cực đổi mới cách nghĩ, cách làm. Vậy những đổi mới đó là gì, thưa Bộ trưởng? 
Thấm nhuần quan điểm phát triển văn hóa mà Đảng ta đã đề ra là luôn hướng tới sự toàn diện và hài hòa, trong đó nhân tố con người nắm giữ vị trí then chốt, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng; văn hóa là động lực và nguồn lực để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thời gian qua, ngành VHTTDL đã  có nhiều chuyển biến, đổi mới căn bản, toàn diện tư duy từ “làm văn  hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”. Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hai năm thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, lĩnh vực văn hóa đã có sự  phát triển tích cực. 
Thứ nhất, chúng ta đã quán triệt sâu sắc 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp trọng tâm mà Tổng Bí thư kết luận tại Hội nghị Văn hóa toàn  quốc, góp phần nâng cao nhận thức của các cán bộ, đảng viên, nhân dân về sứ mệnh, vai trò của văn  hóa - không chỉ là nền tảng tinh  thần, mà còn là nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững đất nước. Và từ “nhận thức đúng” đã có nhiều “hành động đẹp”. Qua theo dõi chúng tôi được biết, 63 tỉnh/ thành phố đều có kế hoạch triển khai nhiệm vụ phát triển văn hóa; nhiều tỉnh/thành đã chủ động tổ chức Hội nghị, Hội thảo Văn hóa cấp tỉnh một cách sâu rộng, triển khai đến cán bộ và nhân dân; ban hành những Nghị quyết chuyên đề nhằm phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người ở từng vùng đất, địa phương để phát huy “sức  mạnh mềm” của toàn dân tộc. 
Thứ hai, các chỉ tiêu, chỉ số về  phát triển văn hóa, gia đình, con người, thể thao, du lịch trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp, trong chương trình phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương chưa bao  giờ được đề cập đầy đủ, toàn diện, kỹ lưỡng như trong thời gian qua. Trong đó đầu tư cho văn hóa ở các địa phương đều tăng, một số tỉnh/ thành phố trong năm 2022, 2023  đạt tỷ lệ chi đầu tư cho văn hóa trên 2% tổng chi ngân sách địa phương. 
Trên bình diện quốc gia, nguồn lực đầu tư cho  văn hóa năm sau luôn cao hơn  năm trước. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng, triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Chính phủ đã phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển văn hóa giai đoạn 2023-2025; ưu tiên dành 1.428  tỉ đồng để giao cho 17 tỉnh/thành phố triển khai 17 dự án tu bổ, tôn tạo các di tích được UNESCO ghi danh, di tích quốc gia đặc biệt và di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu  cùng nhiều chương trình, dự án đầu tư khác. 
Thứ ba, xây dựng môi trường văn hóa được chú trọng, là các giải  pháp có tính chất nền tảng với mô hình xây dựng làng văn hóa, khu dân cư văn hóa kiểu mẫu, xây dựng văn hóa trong cơ quan báo chí, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, văn hóa học đường, văn hóa dòng họ, gia đình… Các  giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của toàn dân tộc tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, sự đoàn kết, gắn  bó, yêu thương, chia sẻ được nhân  rộng. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã đi vào thực chất, từng bước khắc phục tính hình thức trong triển khai thực hiện. 
Có thể nói, bằng văn hóa và từ văn hóa, các sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng, nhiều lễ hội truyền thống tốt đẹp được tổ chức đã tác động trở lại để xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình, thôn, bản, khu  phố, trong công nhân, trong doanh  nghiệp, trong doanh nhân. Phát  huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố bồi đắp giá trị chân -  thiện - mỹ, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng  thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền thông qua việc đổi mới tổ chức các hoạt động  văn hóa cơ sở, cải thiện chất lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật. Thông qua hoạt động văn hóa để kích cầu du lịch. Sản phẩm du lịch bắt đầu từ văn hóa. Việc tạo  sản phẩm du lịch qua sự kiện văn hóa, qua di tích, di sản, giúp ngành Du lịch vượt chỉ tiêu đề ra. 
Thứ tư, cũng chính nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước mà văn hóa Việt Nam đã có điều kiện hiện hữu ở các sự kiện tầm cỡ quốc tế, lan toả được những giá trị tốt đẹp của Việt Nam, đồng thời tiếp biến được những tinh hoa văn hóa của nhân loại. Năm 2023 đã tổ chức  6 chương trình, tuần văn hóa, lễ hội du lịch - văn hóa Việt Nam tại  nước ngoài, 11 chương trình chính trị nghệ thuật trong khuôn khổ chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước. SEA Games 32, Đoàn thể thao Việt Nam lần đầu tiên dẫn đầu khu vực khi thi đấu tại nước ngoài. Thông qua đó bạn bè quốc tế, nhân dân các nước cũng hiểu hơn về một nền  văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 
Thứ năm, công tác truyền thông  nói chung và truyền thông chính sách nói riêng từng bước có sự chuyển biến hết sức tích cực. Các cơ quan báo chí của Bộ, của ngành đã  từng bước hoạt động hiệu quả, nội dung và hình thức truyền thông khá đa dạng và phong phú. Lần đầu tiên chúng ta đã tổ chức thành công Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát  triển văn hóa, thể thao và du lịch”  với sự tham gia của hơn 1.100 tác  phẩm. Chương trình “Câu chuyện văn hóa” phát sóng hằng ngày và chương trình “Du lịch Việt Nam”  phát sóng sáng thứ 7, Chủ nhật hằng tuần trên VTV1 đã mang đến góc nhìn toàn cảnh, nhiều “hương  vị mới” về văn hóa, du lịch, gia đình đã góp phần tích cực lan tỏa những thành tựu của ngành, tạo thêm các kênh thông tin tham vấn chính sách, lan tỏa những giá trị chân, thiện, mỹ đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân và bạn bè quốc tế. 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:

Phát biểu tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa năm 2023 nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Văn hóa (28.8.1945 - 28.8.2023), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển văn học nghệ thuật và nhiều lĩnh vực văn hóa khác. Trong ảnh: Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng với các gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa

Không nhụt chí, nản lòng trước  khó khăn, thách thức 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, phải chăng vẫn còn đó những trăn trở, thưa Bộ trưởng? 
Với tinh thần nghiêm túc và cầu thị, chúng ta thấy lĩnh vực VHTTDL  vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là nhận thức của một số cấp  ủy đảng, các cấp, các ngành và một bộ phận xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa tuy đã được nâng lên nhưng thực sự chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, chưa đồng đều; công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thể chế hóa các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng chưa được quan tâm đúng mức; việc triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ở một số địa phương  còn chậm. 
Nguồn lực đầu tư cho văn hóa đã được quan tâm nhưng chưa đáp  ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là trong công tác đầu tư, tu bổ, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích quốc gia đặc biệt, di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Cơ chế, chính sách ưu đãi để kêu gọi, huy động nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa còn thiếu so với các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế; công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất ở các địa phương cho phát triển văn hóa, thể thao còn hạn chế. Đội ngũ cán  bộ, công chức, viên chức ngành  VHTTDL còn mỏng, một số lĩnh vực thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn, quản lý giỏi; đội ngũ trí thức, chuyên gia đầu ngành còn thiếu. 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng:

Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ VHTTDL ngày 31.3.2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao Bộ VHTTDL đã có nhiều chuyển biến, trong đó đáng chú ý là chuyển từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa để kiến tạo cho việc chấn hưng, phát triển văn hóa; biểu dương việc Bộ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức nhiều chương trình phối hợp, giúp Bộ huy động được thêm nhiều nguồn lực trong việc phát triển sự nghiệp VHTTDL. Trong ảnh: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu tại buổi làm việc

Vậy trong năm 2024, ngành VHTTDL sẽ tập trung triển khai những nội dung gì để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, thưa Bộ trưởng? 
Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế  - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025.  Trong bối cảnh đó, ngành VHTTDL cả nước cần phát huy hơn nữa vai trò lực lượng nòng cốt trong triển  khai hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp xây dựng, giữ gìn và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Mục tiêu, nhiệm vụ xuyên suốt là “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, tích  cực góp phần cùng cả nước hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị  quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm  2024 đã đề ra. 
Về các nhiệm vụ cụ thể, trước hết  là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách của ngành, tập trung hoàn thiện hồ sơ Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quảng cáo (sửa đổi), Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa  giai đoạn 2025-2035, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. 
Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các  Ban, Bộ, ngành, địa phương tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính  quyền, người dân và cộng đồng  doanh nghiệp về vị trí, vai trò rường cột của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Chú trọng truyền thông chính sách, nhất là các giải pháp truyền thông trên không gian mạng; tuyên truyền những mô hình hay, cách làm sáng tạo ở cơ  sở, trong cơ quan, doanh nghiệp để  nhân rộng. 
Ngành cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh  việc xây dựng môi trường văn hóa  ở cơ sở; quan tâm triển khai đồng  bộ các giải pháp thực hiện thực chất  hơn nữa Cuộc vận động “Toàn dân  đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa  cơ sở” và Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; Chương trình “Bơi an toàn phòng chống tai nạn đuối nước trẻ em” và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; chuẩn bị lực lượng tham dự Olympic Paris 2024. Phấn đấu đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 110 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt 850 nghìn tỉ đồng… Ngành cũng sẽ tập trung vào công tác cán bộ, để có được đội ngũ làm văn hóa, yêu văn hóa, biết cách tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Đảng để góp phần thực hiện nhiệm vụ chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam. 
Năm 2024 cũng là năm ngành VHTTDL sắp sửa về đích, nên tinh thần sáng tạo, tăng tốc về đích là một trong những yêu cầu và cũng là mệnh lệnh của toàn ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ đã đề ra. Trong thư gửi ngành Văn hóa nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập, Tổng Bí thư cũng căn dặn toàn ngành không chủ quan, tự mãn, quá vui mừng, say sưa trước những kết quả bước đầu và cũng không nhụt chí, nản lòng trước những khó khăn, thách thức đang còn phải đối mặt. Thấm nhuần tinh thần này, ngành VHTTDL sẽ kiên quyết, kiên trì thực hiện các nhiệm vụ và hoàn thành các mục tiêu đề ra trong thời gian tới, mà cụ thể là năm 2024. 
Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì chúng ta phải đi với nhiều người. Toàn ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải nỗ lực hơn nữa, khát  vọng cống hiến phải lớn hơn nữa, hành động phải quyết liệt hơn nữa, đoàn kết, kiên trì hơn nữa, chúng ta mới có thêm nhiều hoa thơm, trái  ngọt, nhiều dòng nước mát tinh khiết bồi đắp cho sức mạnh nội sinh của dân tộc, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Tổng  Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại trong thư gửi toàn ngành Văn hóa nhân kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông”. 

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!


 THU SÂM (thực hiện); ảnh: TRẦN HUẤN 

Ý kiến bạn đọc