Phải có ước mơ, hoài bão lớn để đưa ngành phát triển lớn mạnh

VHO - Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành VHTTDL diễn ra chiều 3.1 tại Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, toàn ngành phải có những giấc mơ, hoài bão, khát vọng lớn để đưa ngành phát triển lớn mạnh; gieo “duyên lành” để gặt “quả ngọt”. Đã có giấc mơ lớn thì phải biết thức dậy để hành động, biến những mong ước thành hiện thực.

Phải có ước mơ, hoài bão lớn để đưa ngành phát triển lớn mạnh - Anh 1

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đồng chủ trì Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ VHTTDL: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL.

Khơi thông điểm nghẽn

Tại Hội nghị, các Thứ trưởng đã phát biểu chỉ đạo theo từng nhóm vấn đề. Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho biết, thể thao thành tích cao đang là vấn đề rất được quan tâm. Tháng 5.2023, Việt Nam đã đứng đầu bảng tổng sắp huy chương tại kỳ SEA Games 32 tại Campuchia. Đây là kỳ SEA Games thứ 2 liên tiếp chúng ta giành ngôi nhất toàn đoàn. Nhưng đến Asian Games 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc), chúng ta chỉ đoạt được 3 tấm HCV. Kết quả này đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của lãnh đạo Bộ và ngành thể thao.

Thứ trưởng đề nghị trong thời gian tới, Cục Thể dục thể thao cần có đánh giá cụ thể công tác huấn luyện; nhất là ở những môn chúng ta có thế mạnh. Cục Thể dục thể thao, các trung tâm huấn luyện thể thao phải cùng hướng đến mục đích vì sự phát triển chung của ngành thể thao Việt Nam; phải cụ thể hóa mong mỏi của lãnh đạo Bộ và toàn ngành thành những tấm huy chương sáng giá.

Phát biểu về các vấn đề của các nhà hát và đơn vị đào tạo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, hiện các nhà hát của Bộ đang gặp nhiều khó khăn về doanh thu cũng như tiếp cận khán giả. Nguyên nhân đến từ nguồn kinh phí bị phụ thuộc, vấn đề nhân lực cũng như điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo nhân lực cho ngành, nhất là những lĩnh vực đặc thù cũng đang có bất cập. Cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo là một trong những nguyên nhân khiến các trường gặp khó. Thứ trưởng đề nghị, các cơ sở đào tạo, nhà hát chủ động khắc phục khó khăn, tham mưu cho lãnh đạo Bộ giải pháp về cơ chế, chính sách để cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực; đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của xã hội.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đề cập đến hai vấn đề là việc hoàn thiện thể chế và công tác truyền thông chính sách. Về hoàn thiện thể chế, Thứ trưởng nêu trước những tồn tại, cần rà soát kỹ hệ thống văn bản pháp luật. Đối với các văn bản pháp luật không còn phù hợp với thực tế, phải thay thế. “Về công tác truyền thông chính sách, chúng ta đã chủ động truyền thông từ sớm, từ xa, có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các đơn vị; tạo sự đồng thuận trong xã hội và các cơ quan hữu quan. Vấn đề này cần tiếp tục được phát huy trong thời gian tới”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho hay.

Phải có ước mơ, hoài bão lớn để đưa ngành phát triển lớn mạnh - Anh 2

Phải có ước mơ, hoài bão lớn để đưa ngành phát triển lớn mạnh - Anh 3

Phải có ước mơ, hoài bão lớn để đưa ngành phát triển lớn mạnh - Anh 4

 Cc Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Trịnh Thị Thủy, Hoàng Đạo Cương phát biểu ti Hội ngh

“Thể chế, sáng tạo, liên kết, tăng tốc, về đích”

Kết luận chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh trong năm 2023, nhờ chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa, toàn ngành đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, toàn ngành đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Hàng loạt hoạt động, sự kiện chính trị - văn hóa quan trọng được tổ chức thành công. Đặc biệt, một trong những điểm nhấn phải kể đến là việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.

Trong năm 2024, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành cần đổi mới về tư duy để triển khai nhiều nhiệm vụ đòi hỏi yêu cầu cao hơn. Bộ trưởng mong muốn toàn ngành sẽ đổi mới về tư duy, quyết liệt hành động, thể hiện khát vọng đưa ngành phát triển. “Dù khó khăn đến đâu, gặp trở ngại nào, với những nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt giao phó, toàn ngành phải quyết tâm thực hiện. Khó khăn gấp đôi thì quyết tâm phải gấp ba; phải huy động trí lực, sức mạnh tập thể để thực hiện các nhiệm vụ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhắc đến 5 từ khóa “thể chế, sáng tạo, liên kết, tăng tốc, về đích”, Bộ trưởng nêu rõ đây sẽ là những nhiệm vụ toàn ngành phải thực hiện trong năm 2024. Cùng với 8 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao cho ngành trong phiên đầu tiên của Hội nghị, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành phải nêu cao tinh thần quyết liệt hành động, kỷ cương, đề ra những giải pháp để triển khai; chọn việc, chọn điểm; biết cách tạo nguồn nhân lực, vật lực trong triển khai thực hiện.

Phải có ước mơ, hoài bão lớn để đưa ngành phát triển lớn mạnh - Anh 5

 Lãnh đạo Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL dự Hội nghị

Nêu một số nhiệm vụ cụ thể, Bộ trưởng đặc biệt chú trọng đến công tác xây dựng, hoàn thiện các văn bản pháp luật. Trong đó, Bộ trưởng yêu cầu phải tập trung rà soát những thông tư, văn bản đã lạc hậu và sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung. Nhiệm vụ này cần được thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, thể hiện rõ sự thay đổi căn bản, toàn diện tư duy quản lý nhà nước về văn hóa.

Đối với hợp tác quốc tế, Bộ trưởng đề nghị việc triển khai nhiệm vụ không đơn thuần là hoạt động lễ tân, ngoại giao. Trong năm 2024, vấn đề quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài cần đảm bảo chất lượng của các hoạt động. Cục Hợp tác quốc tế, các đơn vị nghệ thuật thuộc Bộ phải chủ động nghiên cứu các hoạt động đặc sắc, mang tính điểm nhấn để tạo hiệu ứng lan tỏa đến bạn bè quốc tế.

Về đào tạo nguồn nhân lực, Bộ trưởng yêu cầu các cơ sở đào tạo thuộc Bộ phải nghiên cứu chương trình đào tạo theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng. Ngoài ra, Bộ phải tập trung triển khai Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Về vấn đề ngân sách, Bộ trưởng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả nhất trên tinh thần tiết kiệm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Trong công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng nêu đây là công việc phải được tăng cường, làm sớm, chủ động, từ xa. 

ĐÌNH TOÁN - HOÀNG HƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc