Việt Nam luôn chú trọng hợp tác phát triển du lịch, giao thông phục vụ du lịch với các nước thành viên ASEAN

VHO- Chiều 10.11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương đã dự và có bài phát biểu bằng hình thức trực tuyến tại Hội nghị chung giữa Bộ trưởng Du lịch ASEAN và Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN.

Phát biểu tại điểm cầu Bộ VHTTDL, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương bày tỏ sự vui mừng khi mừng nhận thấy nhu cầu di chuyển của khách du lịch bằng đường hàng không và đường biển đang phục hồi ổn định sau đại dịch.

Việt Nam luôn chú trọng hợp tác phát triển du lịch, giao thông phục vụ du lịch với các nước thành viên ASEAN - Anh 1

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương dự và phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhận định, mạng lưới đường bay kết nối nội khối ASEAN cũng như các khu vực bên ngoài đang dần được mở lại với tần suất cao hơn. Một số đường bay mới tới các điểm đến tiềm năng cũng đã được khai thác, đưa vào hoạt động. Dù du lịch tàu biển chưa hoàn toàn phục hồi nhưng các tuyến hành trình đường biển cũng đã dần nhộn nhịp trở lại. Nhiều chuyến tàu cập cảng và đạt công suất cao hơn so với năm trước.

Cũng theo Thứ trưởng, du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, có mối liên hệ chặt chẽ với ngành giao thông vận tải. Giao thông phát triển và khả năng kết nối thuận tiện, thông suốt sẽ tạo điều kiện thu hút khách du lịch. Do đó, Thứ trưởng đề xuất các Bộ trưởng, trưởng đoàn của hai ngành du lịch và giao thông tích cực thảo luận, đưa ra hoạt động hợp tác khả thi nhằm giải quyết các vấn đề chung mà cả hai lĩnh vực cùng quan tâm. Đồng thời, cùng khuyến khích các nước ASEAN tăng cường sự quan tâm, đầu tư vào các hoạt động xúc tiến du lịch và phát triển giao thông cho nội khối.

Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ với ngành du lịch và giao thông vận tải của ASEAN để đẩy mạnh phục hồi du lịch, tăng cường lưu lượng, tần suất các chuyến bay và mở rộng hành trình đường biển.

Hiện tại ở Việt Nam, có 64 hãng hàng không nước ngoài và 5 hãng hàng không Việt Nam đang khai thác thị trường quốc tế với trên 169 đường bay quốc tế, kết nối 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng có hệ thống cảng biển hành khách quốc tế hiện đại, có khả năng đón các tàu lớn có sức chứa tới 6.000 du khách.

Việt Nam luôn chú trọng hợp tác phát triển du lịch, giao thông phục vụ du lịch với các nước thành viên ASEAN - Anh 2

Hội nghị tại điểm cầu Bộ VHTTDL

“Việt Nam đang tích cực cải thiện cơ sở hạ tầng của các sân bay, cảng biển và nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ khách du lịch. Đồng thời, đầu tư xây dựng mới sân bay, cảng biển quốc tế tại một số trung tâm du lịch quan trọng và điểm đến tiềm năng để đáp ứng nhu cầu du lịch tăng trưởng trong thời gian tới. Tháng 8.2023, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra chính sách thị thực mới, kéo dài thời hạn lưu trú cho các thị trường được Việt Nam miễn thị thực. Việt Nam đã chính thức áp dụng thị thực điện tử cho tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ, kỳ vọng sẽ tạo điều kiện du lịch thông suốt hơn cho du khách quốc tế”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.

Để đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, giao thông phục vụ du lịch giữa các nước ASEAN, Thứ trưởng bày tỏ sự ủng hộ việc thành lập nhóm công tác đặc biệt liên ngành gồm cán bộ từ các Cơ quan Du lịch quốc gia ASEAN và Hội nghị quan chức cấp cao Giao thông vận tải ASEAN nhằm tăng cường và duy trì hiệu quả hợp tác giữa hai ngành, là cơ sở thường xuyên chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau xây dựng chính sách toàn diện hơn.

Hai bên cũng cần tăng cường hợp tác, cải thiện kết nối hàng không ngay trong ASEAN bằng cách tăng tần suất, mở thêm các đường bay thẳng giữa các thủ đô và thành phố lớn của các nước thành viên. Từ đó, xúc tiến du lịch nội khối và tiết kiệm thời gian đi lại cho khách du lịch.

Việc kết nối giữa các phương tiện khác nhau trong một chuyến đi như từ sân bay đến nội thành, từ cảng biển đến điểm tham quan, giữa các điểm du lịch trong nội thành và giữa các thành phố… cũng cần được nghiên cứu, quy hoạch phù hợp, tạo ra trải nghiệm du lịch thông suốt cho khách du lịch.

Việt Nam luôn chú trọng hợp tác phát triển du lịch, giao thông phục vụ du lịch với các nước thành viên ASEAN - Anh 3

Hội nghị diễn ra với hình thức trực tiếp tại Lào và trực tuyến

Thứ trưởng cho biết thêm, một phần nguyên nhân ảnh hưởng đến năng lực vận chuyển và phục vụ khách của ngành du lịch và giao thông là do thiếu nhân sự. Để đáp ứng nhu cầu khách tăng lên sau đại dịch, các nước thành viên ASEAN cần có các chính sách khuyến khích để thu hút nhân lực mới, đào tạo đội ngũ lao động có đủ năng lực phục vụ khách du lịch nội địa và quốc tế. Đồng thời nghiên cứu vận dụng chuyển đổi số để giảm bớt công việc cho đội ngũ lao động, nâng cao trải nghiệm của du khách.

Song song với đó để đạt mục tiêu phát triển bền vững, các nước cần phát triển du lịch xanh. Theo đó, ngành du lịch và giao thông cần tăng cường hợp tác nhằm cung cấp những dịch vụ phù hợp nhất; xem xét sử dụng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường tại các điểm đến; xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng kết nối và quảng bá các sản phẩm du lịch chuyên đề hướng đến khu vực nông thôn, các điểm đến ít được biết đến, du lịch chăm sóc sức khỏe và du lịch sinh thái… Đặc biệt, tăng cường hợp tác công - tư để triển khai các sáng kiến mới về giảm thiểu phát thải ròng bằng không và trung hòa carbon.

Tại hội nghị, các bên đã tập trung thảo luận một số vấn đề như giải pháp tăng cường kết nối các ngành; phát triển du lịch và giao thông bền vững; nâng cao nhận thức và quảng bá du lịch; sử dụng công nghệ để nâng cao chất lượng bộ dữ liệu trong ngành du lịch, giao thông vận tải...

Kết thúc phiên làm việc, hội nghị đã thông qua tuyên bố chung liên quan đến các vấn đề phát triển du lịch và phát triển hạ tầng giao thông vận tải phục vụ du lịch. Trong đó, hội nghị thừa nhận tầm quan trọng của việc cải thiện cơ sở hạ tầng và kết nối giao thông trong và giữa các quốc gia thành viên ASEAN. Hai bên sẽ nỗ lực tăng cường kết nối hàng không, đường biển và đường bộ để thúc đẩy việc đi lại xuyên biên giới một cách thuận lợi.

Cùng với đó, nhận thức được trách nhiệm chung trong việc bảo vệ môi trường và hỗ trợ việc đạt phát thải ròng bằng không, hai bên sẽ tích cực thúc đẩy các hoạt động du lịch và giao thông bền vững ở cả cấp khu vực và quốc gia. Điều này bao gồm khuyến khích sử dụng các phương thức vận tải thân thiện với môi trường, giới thiệu các tiêu chuẩn du lịch sinh thái rộng hơn, áp dụng các hướng dẫn phát triển bền vững cho ngành giao thông vận tải và du lịch trong ASEAN...

Tuyên bố chung cũng nêu rõ, hai bên xác định rõ tầm quan trọng của việc quảng bá hình ảnh ASEAN như một “điểm đến cho mọi giấc mơ”. ASEAN cam kết hợp tác thúc đẩy, phát huy các giá trị văn hóa, thiên nhiên và di sản độc đáo của khu vực. Hai bên sẽ tận dụng nền tảng kỹ thuật số, phương tiện truyền thông xã hội và các kênh tiếp thị khác để tiếp cận đối tượng rộng hơn và định vị ASEAN là điểm đến không thể bỏ qua.

Hai bên cũng khuyến khích mở rộng quan hệ đối tác công - tư với các đại lý du lịch, công ty điều hành tour, hãng hàng không và nhà cung cấp dịch vụ vận tải để chia sẻ kiến thức, trao đổi các kinh nghiệm tốt nhất, tận dụng các cơ hội để xúc tiến và quảng bá du lịch khu vực như một điểm đến chung...

ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc