Về nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Sẽ được rà soát, thẩm định theo đúng quy định hiện hành

VHO- Bộ VHTTDL cho biết, việc triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2025-2035 (Chương trình) hiện mới hoàn thành Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư và xin ý kiến thẩm định.

Về nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Sẽ được rà soát, thẩm định theo đúng quy định hiện hành - Anh 1

Những cấu kiện gỗ nghệ thuật gần 200 năm tuổi của di tích đình Nhân Hậu (Nam Đàn, Nghệ An) đang bị xuống cấp nghiêm trọng vì không có nguồn kinh phí tu bổ

Theo đúng hướng dẫn quy định của Luật Đầu tư công

Ngày 14.8.2023, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã được  Bộ VHTTDL gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ KH&ĐT xin ý kiến thẩm định.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, ngày 29.8.2023, Bộ KH&ĐT có Công văn 7115/BKHĐT-GSTĐĐT gửi các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, các Viện, tổ chức, hiệp hội liên quan về việc xin ý kiến thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Đến nay đã có ý kiến phản hồi từ hơn 30 Bộ, ngành.

Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, ngày 16.10, Bộ KH &ĐT có Công văn đề nghị Bộ VHTTDL làm rõ một số nội dung liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Các nhóm nội dung được đề nghị làm rõ gồm: Tên gọi chương trình, sự cần thiết và cơ sở pháp lý, sự phù hợp với các quy hoạch chiến lược hiện có; phạm vi chương trình; về tổng mức vốn và cơ cấu nguồn lực.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ VHTTDL rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định mục tiêu của Chương trình đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư công, đảm bảo các mục tiêu có tính khả thi, phù hợp với khả năng huy động nguồn lực thực hiện chương trình.

Đồng thời làm rõ cơ sở, phương pháp xác định tổng mức vốn đầu tư chương trình; rà soát, chỉnh sửa tổng vốn đầu tư Chương trình theo hướng chia theo từng nguồn vốn, phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn và từng nguồn vốn cụ thể, thống nhất tại các tài liệu.

Về những nội dung này, Bộ VHTTDL cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia, trên cơ sở đó rà soát và sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định các nhiệm vụ cụ thể… theo ý kiến đề nghị của Bộ KH &ĐT cùng các Bộ, ngành liên quan.

Bộ VHTTDL cho biết, đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa đã được xây dựng theo quy định Luật Đầu tư Công. Cụ thể, căn cứ theo Điều 17 về trình tự lập thẩm định, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia; Điều 21 quy định những nội dung cơ bản của đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình.

Tổng vốn đầu tư được tổng hợp trên cơ sở các nhu cầu cấp thiết

Về các ý kiến đề nghị rà soát lại số nguồn vốn đầu tư 350.000 tỉ đồng, Bộ VHTTDL cho biết, việc trình đề xuất chủ trương đầu tư theo quy định cần có đề xuất về nguồn vốn, nguồn lực. Bộ VHTTDL đã căn cứ đề xuất và tổng hợp nhu cầu cấp thiết của các địa phương, Bộ, ngành theo 9 nhóm dự án để ra số tổng vốn đầu tư dự kiến này.

Về nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Sẽ được rà soát, thẩm định theo đúng quy định hiện hành - Anh 2

Vì không có nguồn kinh phí đầu tư tu bổ, tôn tạo, di tích nghệ thuật Đình Nhân Hậu (Nam Đàn, Nghệ An)  đang ... chờ sập

“Theo quy định của Luật Đầu tư công, việc thẩm định nguồn vốn và khả năng cấp ngân sách là một trong những nội dung cần thẩm định trong báo cáo đề xuất chủ trương. Nhiệm vụ này được Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT chịu trách nhiệm thẩm định. Bộ VHTTDL sẽ tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định quốc gia, trên cơ sở đó rà soát và đưa ra thứ tự ưu tiên đối với dự án…”, Bộ VHTTDL cho biết.

Về thời gian thực hiện, Thông báo kết luận 273/TB-VPCP của Thủ tướng Chính phủ nêu, tên gọi và thời gian thực hiện Chương trình thống nhất theo đúng chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ. Thời gian thực hiện dự kiến trong 10 năm, phân kỳ 5 năm.

Do vậy, Bộ VHTTDL đề xuất quá trình thực hiện Chương trình triển khai từ 2025- 2035. Giai đoạn I, triển khai từ 2025-2030, dự kiến nguồn vốn đầu tư 182.000 tỉ đồng; Giai đoạn II từ 2031 – 2035, dự kiến nguồn vốn 168.000 tỉ đồng, được tổng hợp từ đề xuất của 63 tỉnh, thành và các Bộ, ban, ngành cũng như các hội, hiệp hội, tổ chức có liên quan... Nguồn vốn dự kiến đầu tư được cân đối với 60% từ nguồn lực của Trung ương, 20% nguồn lực của địa phương và 20 % từ nguồn xã hội hóa khác.

Sau khi đề xuất chủ trương được Chính phủ xem xét, chấp thuận và trình Quốc hội thông qua, trong quá trình xây dựng nội dung chương trình trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ VHTTDL sẽ rà soát, tiếp thu các ý kiến, xây dựng lại bố cục đề án, làm rõ khả năng huy động nguồn vốn, nguồn lực cho từng công việc, lĩnh vực, theo từng năm, từng giai đoạn đảm bảo phù hợp khả năng cân đối ngân sách Nhà nước và tính khả thi, hiệu quả thực hiện Chương trình.

Chỉ ra thực tiễn cấp bách của văn hóa

Phúc đáp công văn 7115 của Bộ KH&ĐT, nhiều ý kiến của các Bộ, ngành nhất trí với Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035.

Về nguồn vốn đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa: Sẽ được rà soát, thẩm định theo đúng quy định hiện hành - Anh 3

Tường thành đá Thành Nhà Hồ (Thanh Hóa) đang có nguy cơ sụp đổ

Bộ Quốc phòng nêu rõ, Báo cáo đề xuất  chủ trương đầu tư của Bộ VHTTDL được xây dựng công phu, đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được, đồng thời chỉ ra những hạn chế, những vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới cần được giải quyết; trên cơ sở đó xây dựng nội dung của chương trình nhằm thúc đẩy sự phát triển về văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn tới.

Ý kiến của Bộ Công an cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình là hết sức cần thiết nhằm khắc phục một số hạn chế, bất cập, thực trạng của nền văn hóa Việt Nam và sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân; tạo động lực, nguồn lực cho công cuộc chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong sự phát triển bền vững đất nước.

Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đánh giá cao Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu  quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Việc đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia này là thực sự cần thiết nhằm tạo ra chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

HÀ PHƯƠNG, ảnh: PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc