Những “dòng sông” văn hoá chở nặng phù sa

VHO - Sáng 28.8, tại trụ sở Bộ VHTTDL, dưới sự chỉ đạo và điều hành của Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cùng các Thứ trưởng: Tạ Quang Đông, Đoàn Văn Việt, Hoàng Đạo Cương đã diễn ra Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Những “dòng sông” văn hoá chở nặng phù sa - Anh 1

Hội nghị cán bộ văn hóa toàn quốc năm 2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến

Kết nối, lan toả các mô hình điểm về văn hoá cơ sở

Đây là cơ hội để toàn ngành gặp gỡ, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua và nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hoá cơ sở nhằm nhân rộng, lan toả trong đời sống xã hội.

Cùng tham dự tại điểm cầu trụ sở Bộ VHTTDL có đại diện lãnh đạo khối cơ quan tham mưu quản lý nhà nước thuộc Bộ; lãnh đạo các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; lãnh đạo các địa phương, lãnh đạo Sở VHTTDL; Sở VHTT và 78 đại biểu được khen thưởng tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023. Tại các điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự tham dự của lãnh đạo Sở; lãnh đạo các Phòng, ban liên quan thuộc Sở VHTTDL, Sở VHTT; lãnh đạo Phòng VHTT cấp huyện; lãnh đạo Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trung tâm Thông tin triển lãm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Phát biểu định hướng tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Hội nghị này được tổ chức khi toàn Đảng, toàn dân ta đang hướng tới Kỷ niệm Quốc khánh 2.9 và đây cũng là thời điểm ngành VHTTDL đánh giá, nhìn lại chặng đường nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ chấn hưng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vì thế, nó rất cần thiết và luận giải vì sao Hội nghị được tổ chức cấp quốc gia”.

Những “dòng sông” văn hoá chở nặng phù sa - Anh 2

Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đây cũng là dịp hiếm có hội tụ đầy đủ lãnh đạo các Sở quản lý VHTTDL của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên toàn quốc để nhìn nhận lại những việc đã làm trong suốt nửa nhiệm kỳ qua. Từ đó, bàn định, thống nhất trong nhận thức những việc sẽ phải làm trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo.

“Đứng ở vai trò cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá ở cấp Trung ương, địa phương, ngành Văn hoá đã có những tham mưu cho Đảng, Nhà nước như thế nào; kiến tạo chính sách, khơi thông nguồn lực cho văn hoá ra sao; những gì sẽ để lại dấu ấn trong thời gian tới…”, Bộ trưởng Bộ VHTTDL gợi mở.

Với những trăn trở trong vai trò người đứng đầu ngành Văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đặt câu hỏi: “Ngành chúng ta cần rút kinh nghiệm và tiếp tục phát huy điều gì?” Đồng thời, ông lưu ý việc chú trọng nhiều hơn trong tổng thể hoạt động và chiều sâu của văn hoá trong mối quan hệ gia đình, các cơ quan đơn vị và xã hội. Bởi vì, địa bàn dân cư, cơ quan đơn vị ở cơ sở là nơi ngành Văn hoá phát hiện, đề cao vai trò chủ thể của nhân dân, của nghệ sĩ trong sự nghiệp phát triển văn hoá đất nước. Phát triển văn hóa vẫn luôn được khẳng định là sự nghiệp của toàn dân. Chính vì vậy, việc tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân có thể hiện thực hóa vai trò của mình trong sự nghiệp này là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ngành. “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hai năm qua, mô hình đó đã được phát huy chưa, cách làm sáng tạo của các địa phương ở đâu và sẽ được chia sẻ, lan toả thế nào…? Những gì phải quyết liệt hơn, quyết tâm hơn nữa để đạt được những mục tiêu mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân giao phó và đặt kỳ vọng vào ngành Văn hoá?” Bộ trưởng Bộ VHTTDL đặt vấn đề.

Những “dòng sông” văn hoá chở nặng phù sa - Anh 3

Hội nghị nhằm nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hoá cơ sở và lan toả trong đời sống xã hội

Tư lệnh ngành Văn hoá cũng yêu cầu toàn ngành tự đổi mới, theo kịp yêu cầu phát triển của xã hội, tăng tốc để về đích càng sớm càng tốt.

Tại Hội nghị cán bộ văn hoá toàn quốc năm 2023, các đại biểu đã nghe chia sẻ, báo cáo gương điển hình với các tham luận từ các mô hình điểm đến từ: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Gia Lai, Bình Thuận, Bình Dương, Tiền Giang, An Giang.

Hội nghị cũng đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, hiệu lực, hiệu quả tham mưu quản lý nhà nước về văn hoá, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, giữ gìn nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đưa văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy khát vọng đất nước.

Định vị lại vai trò, vị trí của ngành Văn hoá

Hơn 1.000 đại biểu đã tham dự Hội nghị, qua đó cho thấy sự cần thiết, sự hưởng ứng của các địa phương với Hội nghị này. 10 mô hình tiêu biểu được trình bày tại Hội nghị là 10 điểm sáng trên toàn quốc về mô hình văn hoá cơ sở.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, các cơ quan làm nhiệm vụ văn hoá, cán bộ văn hoá đã có cách tiếp cận mới hơn về mặt nhận thức vì văn hoá là một lĩnh vực rộng, phải được tiến hành một cách thường xuyên, được Đảng ta xác định là nhiệm vụ chiến lược. Vì thế, cần phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từng cơ quan làm nhiệm vụ văn hoá.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Lâu nay, tính kết nối giữa Bộ và Sở rất mỏng manh. Mặc dù, theo phân cấp quản lý, giám đốc Sở và lãnh đạo Sở do Ban thường vụ Tỉnh uỷ quyết định, mô hình tổ chức Sở do UBND từng cấp quyết định nhưng Bộ VHTTDL có chức năng quan trọng là kiểm tra việc thực thi pháp luật về lĩnh vực VHTTDL ở tại địa phương, cơ sở. Ngay từ đầu nhiệm kỳ Bộ VHTTDL đã xác định Bộ mạnh phải có Sở mạnh, Sở mạnh phải giúp cho Bộ mạnh. Hiếm có ngành nào đang quản lý số Sở nhiều như ngành VHTTDL với 73 Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở DL trực thuộc”.

Những “dòng sông” văn hoá chở nặng phù sa - Anh 4

Các đại biểu tham dự Hội nghị

Từ việc quản lý số Sở theo ngành dọc nhiều như vậy đòi hỏi khả năng quản trị cao, cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo, tạo nên sức mạnh tổng hợp.

Nếu chỉ nhìn theo góc độ ở địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng chỉ khu trú trong địa phương mình nhưng nếu nhìn rộng ra, tự soi lại sẽ thấy nhiều vấn đề lớn hơn, lan toả những cách làm hay.

Bộ VHTTDL trong nửa nhiệm kỳ vừa qua cũng chuyển tư duy từ làm văn hoá sang quản lý văn hoá bằng pháp luật. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2025 đến nay, toàn ngành đã rà soát xem đâu là khoảng trống pháp lý, chỗ nào cần tháo gỡ, hoàn thiện chính sách. Toàn ngành đã tập trung tham mưu, chủ trì xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, thông qua: 2 dự án Luật, phối hợp trình 1 dự án Luật; 11 Nghị định của Chính phủ; 1 Nghị quyết chuyên đề về du lịch; 12 Quyết định, 2 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 48 Thông tư. Việc xây dựng, rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về văn hóa đã góp phần rất quan trọng để ngành VHTTDL thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực.

Điểm lại những điều này để thấy khi ngành VHTTDL làm tốt vấn đề quản lý nhà nước, sẽ khắc phục được định kiến hẹp hòi là Văn hoá chỉ “cờ, đèn, kèn, trống”. Sự kiên trì tham mưu, đeo bám quyết liệt để tham mưu đúng, trúng, kịp thời cho Đảng và Nhà nước trong đó có ở cấp cơ sở, từng bước xác lập lại vị trí của ngành Văn hoá trong sự phát triển của đất nước.

Những “dòng sông” văn hoá chở nặng phù sa - Anh 5

Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các Sở quản lý VHTTDL trên toàn quốc và 78 gương điển hình tiên tiến

Có thể nói, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngành VHTTDL đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Từ Hội nghị văn hoá toàn quốc năm 2021 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến các Chiến lược về văn hoá, thể thao, du lịch được Chính phủ ban hành; từ Hội nghị chuyên đề do Quốc hội tổ chức đến các phát biểu chỉ đạo của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước… Chưa bao giờ cụm từ “văn hoá”, “chấn hưng văn hoá”, “phát triển con người”… được nhắc đến nhiều với mật độ cao, yêu cầu lớn hơn như mấy năm qua trong các diễn đàn trong nước và quốc tế. Từ đó, giúp xã hội có nhận thức đúng, hành động đẹp về văn hoá.

Toàn ngành cũng đã bám sát các sự kiện chính trị quan trọng, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương vào các thời điểm để tổ chức các sự kiện văn hoá tầm khu vực, quốc gia, địa phương. Trong đó, bài toán khó là quản lý lễ hội, quản lý văn hoá, vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân; đảm bảo bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá; giữ gìn, phát huy các giá trị nghệ thuật đương đại và truyền thống; kết hợp nhuần nhuyễn, thông qua sự kiện văn hoá kích cầu du lịch, thu hút du khách trong và ngoài nước.

Những “dòng sông” văn hoá chở nặng phù sa - Anh 6

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu

Sau khi phát động xây dựng môi trường văn hóa cơ sở tại Nghệ An năm 2022, có thể thấy, chưa bao giờ ngành Văn hoá được sự hưởng ứng mạnh mẽ như lần này. Việc kiến tạo môi trường văn hoá, tất nhiên không chỉ ngày 1 ngày 2 nhưng với sự kêu gọi của đồng chí Võ Văn Thưởng (khi đó là Thường trực Ban Bí thư) và sự ủng hộ của các ngành, các cấp, quần chúng nhân dân, ngành VHTTDL đã thu được những thành công nhất định.

Lấy ví dụ về việc Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam đã phát động thi đua xây dựng môi văn hoá trong các cơ quan báo chí; sự vào cuộc của Tổng Liên đoàn lao động, của Hiệp hội Phát triển Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp, khẳng định thương hiệu doanh nghiệp văn hoá Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ta hướng về văn hoá cơ sở, lấy địa bàn dân cư để làm điểm và từ đó thấy được hiệu quả của việc vai trò chủ thể của người dân.

Quá trình phát triển, chấn hưng văn hoá, Đảng và Nhà nước ta đã xác định đẩy mạnh hoạt động văn hóa đối ngoại, vừa phát huy giá trị văn hoá của đất nước, vừa tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại. Hoạt động văn hoá đối ngoại được Bộ VHTTDL thực hiện đa dạng, linh hoạt, đặc sắc; giao lưu văn hoá được chính quyền, người dân các vùng biên giới thực hiện để bạn bè quốc tế hiểu về Việt Nam hơn. Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam được triển khai đã đề cao vai trò người dân là “Đại sứ văn hóa” với nhiệm vụ quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Việc tổ chức Tuần văn hóa, Lễ hội văn hóa Việt Nam tại nước ngoài nhân kỷ niệm năm chẵn, năm tròn thiết lập quan hệ ngoại giao đi vào chiều sâu và thực chất. Các chương trình văn hóa nghệ thuật trong khuôn khổ các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã cho thấy văn hoá luôn hiện diện trong sự kiện mang tầm quốc tế, người dân thế giới biết đến Việt Nam nhiều hơn.

Những “dòng sông” văn hoá chở nặng phù sa - Anh 7

Hội nghị là ngày hội của những người làm công tác văn hoá

Nửa nhiệm kỳ qua, Thể thao Việt Nam tiếp tục thiết lập các dấu ấn lịch sử. Bên cạnh đó, ngành VHTTDL kiên định với hai trụ cột phát triển, lấy thể thao quần chúng làm gốc để phát triển thể thao thành tích cao, vượt chỉ tiêu đề ra. Thông qua Thể thao, chúng ta đã củng cố khối đại đoàn kết, triệu người như một, khát vọng chấn hưng, xây dựng đất nước.

Du lịch Việt Nam bắt đầu từ văn hoá, bằng văn hoá đã góp phần đưa ngành từng bước phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Du lịch nội địa đã làm bệ đỡ cho khách quốc tế, đạt con số hơn 100 triệu lượt năm 2022, vượt qua cả thời điểm chưa xuất hiện dịch Covid-19. Du lịch quốc tế 8 tháng đầu năm đạt 7,8 triệu lượt, gần đạt mục tiêu đề ra năm 2023 là 8 triệu lượt.

Phải chăng, ngành VHTTDL và các cán bộ của ngành đang ngày ngày tận tâm cống hiến, như Bác Hồ nói: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông. Biết bao giọt nước nhỏ hợp lại mới thành biển cả”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ví, những hoạt động ở các cấp cơ sở, ở các Cục, Vụ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL giống như những dòng sông chở nặng phù sa, bồi đắp các bến bờ. Thầm lặng nhưng chứa chan ân tình, khát vọng dựng xây đất nước, như lời bài hát “Chảy đi sông ơi” của nhạc sĩ Phó Đức Phương: “Sông hiến mình tất cả/ Đời sông không hề tiếc vơi đầy”.

NGUYỄN ANH - NGỌC NHIÊN; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc