Hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu

VHO - Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng nay 17.8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu - Anh 1

Phiên họp thứ 25 sáng 17.8 của UBTVQH

Cho ý kiến về dự án luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đặc biệt là việc cân nhắc giảm thời gian người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để được hưởng lương hưu. Trước đây, thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài nên nhiều người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Những lúc khó khăn như trong dịch Covid-19, giữa việc phải đóng 20 năm sau mới được hưởng lương hưu với cái trước mắt, đôi khi người lao động bắt buộc phải chọn cái trước mắt vì thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Nghị quyết số 28 của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (Nghị quyết số 28)

hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu, nhưng cũng có đoạn trung gian là 10, 15 năm. Vì thế, dự án Luật lựa chọn giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là cần thiết để hướng tới mục tiêu sau này là 10 năm. Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã đưa ra hai phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần và cơ quan thẩm tra đã đưa ra năm quan điểm. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mỗi phương án theo Tờ trình của Chính phủ phân tích có ưu điểm và các mặt khác nhau, trong đó, phương án hai mềm dẻo, hài hòa hơn.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề xuất một phương án để nghiên cứu có thể tích hợp, sử dụng mặt tốt nhất của hai phương án để ra một phương án. Theo đó, đối với những người tham gia sau khi Luật có hiệu lực không được rút bảo hiểm xã hội một lần khi đang trong độ tuổi lao động. Với người tham gia trước khi Luật sửa đổi có hiệu lực được rút nhưng chỉ rút phần đã đóng, còn một phần vẫn là tích lũy, lưu trong hệ thống bảo hiểm. Việc làm này vừa để giúp người lao động giải quyết khó khăn trước mắt nhưng vẫn lưu lại trong hệ thống và có thể quay trở lại đóng và đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội.

Đặc biệt, Quỹ Bảo hiểm xã hội là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhưng thông với ngân sách, là quỹ tập trung lớn nhất chỉ sau ngân sách. Tính chất của Quỹ do Nhà nước bảo trợ nên trước đây cứ nói khái niệm vỡ quỹ hay không. Nhưng khẳng định không có khái niệm vỡ Quỹ Bảo hiểm xã hội, vì chúng ta có các chính sách thiết kế cân đối để đảm bảo.

Về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hiện nay có nhiều đối tượng lao động mới tham gia như mô hình 4.0 về kinh tế chia sẻ, quan hệ lao động rất khác. Trước đây chỉ là giữa người lao động và người sử dụng lao động, nhưng hiện nay là ba bên vì thêm công ty nền tảng như Grab. Ngoài ra, có các đối tượng lao động tự do, lao động từ xa, nên phải tính lương tối thiểu theo giờ.

Hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu - Anh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nhiều điểm mới trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Thay mặt cơ quan thẩm tra dự án Luật Bảo Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh: Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với mục tiêu và các quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ lưu ý Luật Bảo hiểm xã hội phải phản ánh được tính lịch sử, tâm lý xã hội, dân số, sức khỏe nhân dân, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Các chính sách và tác động hướng đến các mục tiêu của Nghị quyết số 28 đã đặt ra, phù hợp với thực tiễn phát triển của quan hệ lao động, thị trường lao động ở nước ta, khả năng bảo đảm của ngân sách nhà nước, khả năng cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn. Cần có những đổi mới căn bản để xử lý những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn; phân tích rõ tính ưu việt của các chính sách sửa đổi, bổ sung và tính đến những tình huống phản ứng chính sách của người lao động, người sử dụng lao động và các đối tượng chịu sự điều chỉnh của dự án Luật, các tác động đến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội, dư luận xã hội.

Dự án Luật cơ bản phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, phù hợp với quy định và tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ: Đánh giá cụ thể, đầy đủ về mối quan hệ giữa Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có điều chỉnh về các chính sách vể bảo hiểm xã hội (Luật Việc làm, Luật An toàn, vệ sinh lao động, Luật Người cao tuổi…) và cập nhật tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020. Ngoài ra, Chính phủ cần tiải trình rõ hơn sự tương thích với Công ước 102 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về an sinh xã hội dự kiến sẽ trình Quốc hội phê chuẩn trong thời gian tới, tương thích với các quy định có liên quan trong các hiệp định song phương, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh, cơ quan soạn thảo đã tuân thủ thủ tục, quy trình xây dựng pháp luật, đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật, đồng thời bổ sung giải trình về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật và quy định các nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách bảo hiểm xã hội đặc thù.

Trong khuôn khổ Phiên họp, các thành viên UBTVQH, đại diện các Bộ ngành, các doanh nghiệp đã tập trung đóng góp ý kiến vào một số nội dung như: giảm số năm bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm; giải quyết việc lao động rút bảo hiểm xã hội; vấn đề nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội..

Hướng tới lộ trình đóng bảo hiểm xã hội 10 năm sẽ được hưởng lương hưu - Anh 3

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên họp

Phát biểu kết luận Phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: UBTVQH ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ trong việc chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật; đánh giá cao sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của cơ quan chủ trì thẩm tra và sự tham gia thẩm tra, góp ý có trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đây là dự án Luật khó, có tác động lớn, nên đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến dự án Luật có chất lượng, trong đó lưu ý đến các vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuộc Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách.

Ý kiến của Ủy viên UBTVQH nhất trí về sự cần thiết xây dựng dự án Luật nhưng đề nghị Chính cần tiếp tục đánh giá đầy đủ, đưa ra căn cứ khoa học, thực tiễn, đánh giá tác động đối với từng nội dung sửa đổi để tăng tính thuyết phục và đồng thuận. Đồng thời, bổ sung những nội dung các báo cáo thành phần như ý kiến phát biểu tại Phiên họp.

Về các nội dung cụ thể, đây là lần đầu báo cáo Ủy ban Thường vụ, vì vậy đề nghị các cơ quan tiếp tục họp bàn, thảo luận, từng bước hoàn thiện và lưu ý những nội dung quan trọng mà Chủ tịch Quốc hội đã đánh giá: Hồ sơ dự án Luật đã được xây dựng khá tốt với sự cầu thị, lắng nghe, cách tiếp cận đã bám sát Nghị quyết 28 của Trung ương.

Cơ sở chính trị đã tương đối rõ, tinh thần là phải quyết tâm, phải sớm trong xây dự dự án luật này, đồng thời tiếp tục nghiên cứu thay đổi kết cấu dự án Luật ở chương 2 cho mạch lạc hơn. Ngoài ra là việc đánh giá tác động, cân nhắc kỹ lưỡng việc thay đổi Hội đồng quản lý quỹ; rà soát để đầy đủ hơn trong việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc; về quản lý thu Quỹ Bảo hiểm xã hội; quyền của cơ quan bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí; về xác định hành vi chốn đóng, chậm đóng bảo hiểm và mức xử phạt; quy định về bảo hiểm thất nghiệp và nhiều vấn đề khác.

UBTVQH giao Ủy ban Xã hội tiếp tục thẩm tra dự án Luật này, Thường trực Ủy ban Xã hội chủ động tiếp tục tổ chức tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến rộng rãi để nắm bắt dự luận đối với dự án Luật…. bảo đảm trình Quốc hội dự án Luật có chất lượng. Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan của UBTVQH tiếp tục tham gia thẩm tra...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của UBTVQH, các cơ quan có liên quan; hoàn thiện Hồ sơ, bảo đảm các chính sách được giải trình thấu đáo, có cơ sở vững chắc, có tính thuyết phục cao.

TÙNG QUANG; ảnh: QUỐC HỘI

Ý kiến bạn đọc