Nữ cán bộ “đầu tàu” xây dựng chợ Đông Ba văn minh, thân thiện

VHO - Hơn 2 năm đến nhận nhiệm vụ tại Ban quản lý chợ Đông Ba (TP.Huế), chị Hoàng Thị Như Thanh đã làm nhiều người “ngỡ ngàng” bởi những đổi thay tích cực của ngôi chợ hơn trăm tuổi này. Đó là nữ cán bộ gương mẫu, dám nghĩ dám làm, nhiệt tình, luôn quan tâm đến cộng đồng và được bà con tiểu thương tín nhiệm, yêu quý.

Nữ cán bộ “đầu tàu” xây dựng chợ Đông Ba văn minh, thân thiện - Anh 1

Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba trong cuộc họp với các tiểu thương về các hoạt động chỉnh trang chợ

"Đầu tàu" của chợ Đông Ba

Mới sáng sớm, chị Hoàng Thị Như Thanh đã có mặt tại chợ và cho đến khi trời tối mịt, các quầy hàng đóng hết cửa, chị mới an tâm trở về nhà. Đặc biệt trong thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nữ Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba đã cùng cán bộ, nhân viên và hàng nghìn tiểu thương triển khai thực hiện nhiều giải pháp phòng chống dịch, đảm bảo an toàn cho bà con và cộng đồng.

Thời gian gần đây, đến chợ Đông Ba, chúng tôi đã nhận thấy sự thay đổi rõ nét, từ môi trường vệ sinh, không gian bố trí các quầy hàng, thái độ kinh doanh của tiểu thương… Là ngôi chợ truyền thống lớn nhất của Huế, điểm dừng chân của hàng nghìn du khách mỗi ngày, chợ Đông Ba từng bị nhiều người “chê” vì tệ nạn trộm cắp, môi trường nhếch nhác, đặc biệt là hành vi chèo kéo, nói thách giá, “cò du lịch” lộng hành. Từ khi có chị Hoàng Thị Như Thanh đến nhận nhiệm vụ, những mặt tiêu cực đã thay đổi hẳn.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiếu, 56 tuổi, kinh doanh quầy hàng mỹ phẩm tại chợ Đông Ba cho biết: Tôi đã bán hàng ở chợ hơn 30 năm, trải qua 5 đời Trưởng ban nhưng từ khi Hoàng Thị Như Thanh về chợ thì đã có nhiều đổi mới. Chợ được sửa sang khang trang hơn, nhiều bà con đã chủ động đóng cửa quán cả chục ngày để sửa chữa, hàng nghìn ki-ốt đã được sắp xếp phù hợp, thuận lợi và an toàn cho tiểu thương và người mua. Gần 3.000 tiểu thương là con số không nhỏ, có nhiều việc tưởng chừng không thể triển khai được nhưng cô Thanh đã dám nghĩ dám làm, quyết đoán, nhiệt tình nên mọi người đều rất đồng lòng, ủng hộ.

“Dù còn nhỏ tuổi nhưng Hoàng Thị Như Thanh rất năng động, dám nghĩ dám làm. Nhiều phong trào, hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn nghệ đã được cô Thanh khởi xướng, tạo sân chơi và thúc đẩy sự đoàn kết giữa các tiểu thương trong chợ. Đặc biệt, em ấy rất quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức “tủ bánh mì 0 đồng”, “nồi cơm yêu thương” để hỗ trợ anh chị em bốc vác, xích lô xe thồ, bán vé số…”- bà Minh Hiếu thông tin.

Nữ cán bộ “đầu tàu” xây dựng chợ Đông Ba văn minh, thân thiện - Anh 2

Chị Hoàng Thị Như Thanh hỏi thăm, động viên tiểu thương Châu Thị Thuận

Khi nghe hỏi về chị Hoàng Thị Như Thanh, bà Châu Thị Thuận, 58 tuổi, xúc động kể rằng: do điều kiện gia đình khó khăn nên tôi chỉ kinh doanh nhỏ lẻ; thiếu vốn, việc buôn bán nhiều lúc bị ảnh hưởng. Khi biết được hoàn cảnh, cô Thanh đã chủ động thăm hỏi, động viên và hỗ trợ cho tôi. Có lúc còn lấy chính tiền lương của mình để tặng lại tôi.

“Cô Thanh rất tích cực, nhiệt tình trong công việc; đối xử với chị em tiểu thương rất chan hòa và tình cảm. Đó là một người xứng đáng, có đạo đức và có tinh thần trách nhiệm cao, có tài và có đức. Cô Thanh làm việc gì cũng không có người chê; cô có phát động, kêu gọi gì là mọi người đều hưởng ứng…”- bà Châu Thị Thuận nói.

Những ngày lễ, ngày cuối tuần, người dân và du khách khi đến chợ Đông Ba sẽ thấy hình ảnh các chị tiểu thương mặc áo dài truyền thống và nụ cười thân thiện bán hàng. Ban quản lý chợ Đông Ba đã phát động các cuộc vận động và nhận được sự tham gia tích cực của các tiểu thương, như: “Văn minh, thân thiện là người Đông Ba”; phong trào “3 không 2 có” (không mì xưa, không nói thách, không chèo kéo; có uy tín, có chất lượng); “Nụ cười Đông Ba”…

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn chợ được quan tâm, trong 2 năm qua không có trường hợp móc túi, trộm cắp. Các thành viên của Đội trật tự bảo vệ được tham gia, huấn luyện ở câu lạc bộ võ thuật; tổ chức diễn tập định kỳ cho Ban chỉ huy PCCC của chợ và thường xuyên kiểm tra các trang thiết bị PCCC theo đúng quy định, cũng như vận động bà con tiểu thương tham gia phong trào lo quầy có bình chữa cháy.

Ưu tiên lợi ích của bà con lên hàng đầu

Chia sẻ về những đổi thay của chợ Đông Ba thời gian qua, chị Hoàng Thị Như Thanh cho rằng đó là nhờ tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của cả tập thể Ban quản lý chợ và bà con tiểu thương. Đoàn kết thì mới thành công trong tất cả các hoạt động, nhất là nhận thức và thái độ của bà con. Chúng tôi thường xuyên gần gũi, trao đổi, lắng nghe ý kiến của các tiểu thương để hiểu và thực hiện những tâm tư nguyện vọng của họ, với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Đồng thời, nêu cao ý thức và tinh thần tự nguyện của bà con tiểu thương trong thực hiện các chủ trương của Ban Quản lý. Lấy lợi ích của bà con lên hàng đầu, mọi việc phải công bằng, rõ ràng, minh bạch.

Nữ cán bộ “đầu tàu” xây dựng chợ Đông Ba văn minh, thân thiện - Anh 3

Du khách quốc tế tham quan, mua sắm tại chợ Đông Ba, TP.Huế

Thời gian qua, nguồn xã hội hóa của các tiểu thương đã đóng góp cho việc chỉnh trang lại ki-ốt, quầy hàng, mái bạt kéo và các hạng mục khác đã lên đến hơn 2,5 tỉ đồng; hỗ trợ 100 camera để lắp đặt phòng chống tội phạm; lắp đặt 100 đèn năng lượng mặt trời và các hoạt động góp phần xây dựng môi trường chợ xanh - sạch - đẹp - an toàn.

Xây dựng chợ Đông Ba văn minh, thân thiện, hiện đại, chị Hoàng Thị Như Thanh đã vận động bà con tiểu thương bán hàng đúng giá với hơn 400 gian hàng tham gia, công tác niêm yết giá đạt 92%. Tổng lượt khách đến chợ tham quan, mua sắm ngày càng tăng; riêng trong 9 tháng đầu năm tăng 2023 ước đạt 400.000 lượt khách, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế thông tin: Chợ Đông Ba với hơn 123 tuổi, là một trong 3 chợ truyền thống lớn nhất nước (cùng với chợ Đồng Xuân ở Hà Nội và chợ Bến Thành – TP.Hồ Chí Minh), có vai trò đặc biệt quan trọng đối với TP.Huế không chỉ ở mặt kinh tế mà còn cả ở mặt văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, chợ ngày càng xuống cấp về mặt hạ tầng lẫn văn minh thương mại, làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả kinh tế lẫn hình ảnh văn hóa, con người Huế. Khôi phục lại vị thế của chợ Đông Ba là một nhiệm vụ quan trọng được Thành ủy Huế đặt ra trong nhiệm kỳ này. Đồng chí Hoàng Thị Như Thanh là một cán bộ chịu thương, chịu khó; phẩm chất, đạo đức tốt; gần gũi với Nhân dân, người lao động; dám nghĩ, dám làm; có kỹ năng vận đông quần chúng và tổ chức thực hiện công việc tốt..., đã được Thành ủy tin tưởng giao nhiệm vụ này từ năm 2021.

Nữ cán bộ “đầu tàu” xây dựng chợ Đông Ba văn minh, thân thiện - Anh 4

Chị Hoàng Thị Như Thanh quan tâm, nắm bắt tâm tư của những tiểu thương và người lao động tại chợ Đông Ba

“Thời gian qua, đồng chí Hoàng Thị Như Thanh đã phát huy tất cả năng lực, sở trường với tâm huyết đặt trọn cho chợ Đông Ba. Điều đó đã làm thay đổi một cách toàn diện diện mạo, hạ tầng, văn minh thương mại của chợ. Qua đó, đã tạo ra được niềm tin của bà con tiểu thương đối với Ban quản lý chợ, để họ chung tay vượt qua tất cả những khó khăn, cùng nhau xây dựng chợ trở thành một điểm sáng về thương mại, văn hóa của địa phương. Nhiều bà con tiểu thương cũng đã nhận thức rõ về vai trò tiên phong, gương mẫu của đồng chí Trưởng ban cũng như sức mạnh của sự lãnh đạo của Đảng nên đã tự nguyện phấn đấu để đứng vào hàng ngũ của Đảng, hình thành nên Chi bộ tiểu thương của chợ Đông Ba”- ông Phan Thiên Định cho biết.

Chị Hoàng Thị Như Thanh (SN 1980), Bí thư Chi bộ- Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, TP.Huế vinh dự là một trong 6 điển hình của toàn quốc sẽ báo cáo thành tích tại buổi gặp mặt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội vào ngày 2.11 tới. 

 Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc