Công tác quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường: Phân cấp, phân quyền gắn liền với trách nhiệm

VHO - Sau 5 năm triển khai Nghị định 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, bên cạnh những mặt tích cực, hoạt động này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, đòi hỏi sớm sửa đổi, bổ sung.

Công tác quản lý kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường: Phân cấp, phân quyền gắn liền với trách nhiệm - Anh 1

 Thanh tra Sở VHTTDL tỉnh Bình Dương kiểm tra một cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tại thành phố Thuận An

“Nút thắt” cần sớm được tháo gỡ

Hiện cả nước có 12.482 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (12.453 cơ sở karaoke, 29 cơ sở vũ trường). Sau đại dịch Covid-19, hầu hết các địa phương đã xây dựng kế hoạch, phương án cho phép dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường được hoạt động trở lại. Tuy nhiên, việc xảy ra hàng loạt vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke gây hậu quả nghiêm trọng buộc các địa phương và cơ quan chức năng phối hợp tiến hành tổng rà soát, kiểm tra. Qua kiểm tra, rà soát, phần lớn các cơ sở kinh doanh karaoke trên nhiều tỉnh, thành phải tạm dừng hoạt động do không đảm bảo an toàn về công tác phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể, đã có 10.482 cơ sở kinh doanh karaoke trên toàn quốc đã bị đình chỉ hoạt động và ngừng hoạt động, do đó phát sinh những kiến nghị của các cơ sở kinh doanh những vấn đề về công tác phòng cháy, chữa cháy.

Điều đáng nói là, được biết, theo quy định, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường phải thực hiện và duy trì đầy đủ các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy tương ứng với thời điểm cơ sở được thẩm duyệt. Trường hợp cơ sở có cải tạo trong quá trình hoạt động, khu vực này phải tuân thủ theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với thời điểm cải tạo. Bởi lẽ có rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke đều hình thành trước khi Nghị định 136/2020/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 147/2020/TT-BCA của Bộ Công an có hiệu lực. Các cơ sở này đã được cấp đầy đủ Giấy phép đảm bảo điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật, trong đó có cả các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Tuy nhiên, khi thực hiện tổng rà soát, nhiều địa phương đã hiểu chưa thực sựđầy đủnên nhiều cơ sở được cấp phép theo quy định cũ không đáp ứng được các tiêu chuẩn theo quy định mới đã bị dừng hoạt động.

Karaoke, vũ trường là lĩnh vực kinh doanh dịch vụ nhạy cảm. Hơn nữa, những vụ cháy tại các cơ sở này gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian vừa qua là bài học nhãn tiền. Bởi vậy, việc siết chặt, đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự tại các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường là cần thiết. Tuy nhiên, cũng cần tạo điều kiện để các cơ sở hoạt động chính đáng, vừa mang lại nguồn thu cho địa phương, vừa đáp ứng yêu cầu của người dân. Sau gần hai năm đóng cửa vì ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, hàng loạt cơ sở karaoke lại tiếp tục phải đóng cửa do không đảm bảo quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy, trong đó nhiều cơ sở karaoke đầu tư cả chục tỉ đồng đứng trước nguy cơ phá sản.

Nỗ lực của ngành Văn hóa

Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lí nhà nước, đồng thời đáp ứng kịp thời hoạt động thanh tra, kiểm tra, ngày 2.12.2019, Thanh tra Bộ VHTTDL đã tham mưu lãnh đạo Bộ ban hành Công văn số 4802/BVHTTDL-TTr hướng dẫn cụ thể về tổ chức và hoạt động thanh tra chuyên ngành; tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm tra liên ngành các cấp đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường. Thanh tra Bộ VHTTDL đã ban hành các văn bản chỉ đạo Thanh tra Sở VHTTDL về việc tăng cường công tác thanh tra đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, xử lí nghiêm các hành vi vi phạm. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra đã tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Cùng với đó, Bộ VHTTDL đã tham mưu và tổ chức thực hiện nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường như xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, hoạt động tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các trang thông tin điện tử của ngành, tại các hội nghị triển khai nhiệm vụ, các lớp tập huấn nghiệp vụ ở các cấp, tập trung cho đội ngũ cán bộ ở cơ sở tổ chức Hội nghị toàn quốc hướng dẫn thực hiện Nghị định. Tại Công văn mới đây về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và lễ hội mừng Xuân Giáp Thìn 2024, Bộ VHTTDL cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường thực hiện biện pháp quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường trên địa bàn.

Ngoài ra, Bộ cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra, khảo sát công tác quản lý nhà nước, lắng nghe những kiến nghị hợp lý từ cơ sở; phối hợp với Bộ, ngành, các cơ quan liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 38 năm 2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 01 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh karaoke, vũ trường; Bộ Công an ban hành Thông tư số 147 quy định biện pháp bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường và các văn bản khác liên quan. Tại các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố đã ban hành văn bản và chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện. Việc cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke được thực hiện và quản lý rõ ràng, cải cách đơn giản, thuận tiện, đúng quy trình, đúng thời hạn, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh. Các địa phương đã chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các quyết định thực hiện phân cấp, ủy quyền việc cấp, điều chỉnh Giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke trên địa bàn.

Tuy nhiên, trước những bất cập nảy sinh sau 5 năm triển khai Nghị định 54/2019/NĐ-CP, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Quyền gắn liền với trách nhiệm

Tại cuộc họp nghe báo cáo rà soát dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường vào ngày 8.3 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hoạt động dịch vụ karaoke, vũ trường có tính chất nhạy cảm, tập trung đông người, hầu hết là người trẻ, có sử dụng đồ uống, tiềm ẩn nguy cơ sử dụng ma túy, chất gây nghiện, phát sinh tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn… cũng như các nội dung về văn hóa, thuần phong, mỹ tục. Do đó, hoạt động này cần được quản lý chặt chẽ. “Về lâu dài, việc cấp phép hoạt động kinh doanh karaoke, vũ trường phải theo quy hoạch, bảo đảm an toàn, an ninh trật tự; phòng, chống cháy nổ, ô nhiễm môi trường, tiếng ồn; không gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu dân cư, hoạt động của các trụ sở cơ quan hành chính, cơ sở giáo dục, y tế, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử văn hóa…”, Phó Thủ tướng khẳng định. Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý, những cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường đã được cấp phép phải khắc phục triệt để, tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn, kỹ thuật phòng, chống cháy nổ.

Tại cuộc họp, ý kiến của các Bộ, ngành đánh giá cao dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54, đặc biệt là quy định UBND cấp tỉnh là cơ quan cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy phép; phân công rõ trách nhiệm sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trong công tác cấp giấy phép, kiểm tra, thu hồi giấy phép kinh doanh. Đồng thời, các ý kiến phân tích, làm rõ thêm các điều kiện cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường liên quan đến an toàn phòng, chống cháy nổ, bảo đảm an ninh trật tự; thời gian thẩm định điều kiện cấp phép; hồ sơ, thủ tục xây mới, cải tạo, sửa chữa cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường; bổ sung loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống kèm theo hoạt động ca hát hoặc biểu diễn nghệ thuật; quy định cụ thể trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh đối với cơ sở vi phạm an toàn phòng, chống cháy nổ; đánh giá tác động của quy định diện tích tối thiểu của phòng hát karaoke, vũ trường…

Liên quan đến nội dung này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đồng thuận và đề nghị tiếp tục hoàn thiện quy định phân cấp thẩm quyền cho địa phương, cùng với phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; hoạt động thẩm định hồ sơ, thiết kế phòng cháy, chữa cháy cần phân cấp đến cấp quận/huyện, thực hiện theo hướng tiền kiểm; quy định hồ sơ, thủ tục, tiêu chí đối với những trường hợp tạm đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh; nghiên cứu phương thức quản lý phù hợp đối với loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống kết hợp hoạt động ca hát, biểu diễn nghệ thuật… “Bộ Công an, Bộ Xây dựng rà soát lại hồ sơ để thẩm duyệt và cho phép về mặt phòng cháy chữa cháy phải thực hiện nguyên tắc hồ sơ, thiết kế đi trước thẩm duyệt rồi thì mới được thực hiện. Tôi cũng đồng tình với việc hiện nay giấy phép kinh doanh không quy định thời hạn, nhưng kèm theo đó phải quy định cho được các điều kiện kinh doanh và phải quy định cho được trường hợp nào tạm đình chỉ, cấp nào quyết định tạm đình chỉ, về thủ tục, nội dung phải được quy định trong Nghị định”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ.

 THANH THẢO

Ý kiến bạn đọc