Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Lượn Cọi của người Tày

VHO - Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Lượn Cọi là thể loại dân ca được hình thành từ rất lâu đời, bắt nguồn từ cuộc sống lao động, được người Tày gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ tạo nên nét riêng biệt độc đáo trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày ở huyện Bảo Lâm(Cao Bằng).

[EasyDNNGallery|172427|Width|700|Height|500|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Các nghệ nhân xã Quảng Lâm tham gia trình diễn nghệ thuật  hát Lượn Cọi. Ảnh: Bảo Chung

Ở huyện Bảo Lâm, nghệ thuật trình diễn dân gian hát Lượn Cọi của đồng bào dân tộc Tày được lưu giữ, phổ biến nhiều và rộng rãi ở các xã  Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm...

Lượn Cọi là thể loại dân ca được hình thành từ rất lâu đời, bắt nguồn từ trong đời sống lao động, được người Tày huyện Bảo Lâm gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, mang đậm dấu ấn và bản sắc văn hóa tộc người.

Lời ca, tiếng hát Lượn Cọi đã ngấm sâu và tạo nên nét văn hóa đặc sắc của người Tày, thường được thực hành trong các dịp hội Xuân, dịp Tết và trong sinh hoạt đời sống hàng ngày như nghi lễ mừng nhà mới, đầy tháng, rước dâu…

Không chỉ là phong tục, tập quán mang đậm bản sắc dân tộc, các làn điệu hát Lượn Cọn ngọt ngào, thắm đượm tình quê hương, nguồn cội và mang tính giáo dục cao, là những bài học, lời răn dạy được truyền từ đời này qua đời khác, nuôi dưỡng tâm hồn các thế hệ người Tày. 

[EasyDNNGallery|172425|Width|700|Height|500|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày huyện Bảo Lâm đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 

Lượn Cọi có thể là một bài dài, hoặc chỉ là một đoạn vài ba câu ngắn, có thể hát đối, cũng có khi tự hát, giai điệu thánh thót, uyển chuyển, trầm bổng, luyến láy, ngôn ngữ giàu hình ảnh và ví von sâu sắc, thể hiện khát vọng, niềm tin vào cuộc sống. Người hát Lượn Cọi phải có chất giọng khỏe, sáng để chuyển tải được hết những ý nghĩa trong mỗi câu hát bày tỏ tình cảm của bản thân với người nghe. Lượn Cọi có nhiều cách hát, có thể hát nhiều người hoặc hát đơn và có sáo đệm, mỗi khi vào cuộc hát thường diễn ra theo trình tự, từ người này tiếp lời người kia...

Trong mỗi câu từ, làn điệu Lượn Cọi là lịch sử, là tín ngưỡng, là bản sắc văn hóa của đồng bào Tày ở Bảo Lâm, người hát, người nghe say sưa với những làn điệu trữ tình, sâu lắng.

Với không gian hùng vĩ của núi rừng Bảo Lâm, làn điệu Lượn Cọi của đồng bào dân tộc Tày ngân lên thể hiện nét đẹp văn hoá của dân tộc mình với khao khát đưa di sản của quê hương tới đông đảo du khách trên mọi miền Tổ quốc.

Năm 2023, với những giá trị văn hóa đặc sắc riêng có, nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi của người Tày các xã Yên Thổ, Nam Quang, Quảng Lâm  thuộc huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là niềm vinh dự, tự hào khẳng định những giá trị và đóng góp của văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày nói riêng, các dân tộc anh em trên địa bàn Bảo Lâm trong nền văn hóa chung của dân tộc.

[EasyDNNGallery|172426|Width|700|Height|500|position||resizecrop|False|lightbox|False|title|False|description|False|redirection|False|LinkText||]

Các CLB nghệ thuật trình diễn dân gian Lượn Cọi ở huyện Bảo Lâm thường xuyên duy trì luyện tập

Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, trong thời gian tới các cấp, ngành và người dân địa phương cần tập trung thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể đúng với ý nghĩa, bản sắc tốt đẹp, đặc sắc vốn có trên địa bàn Bảo Lâm.

Tiếp tục cổ vũ, động viên đồng bào các dân tộc, các nghệ nhân phát huy vai trò chủ thể văn hóa tích cực gìn giữ và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể Lượn Cọi trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa tinh thần của người dân.

Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá, phát huy giá trị di sản Lượn Cọi nói riêng và những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số trên địa bàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, góp phần làm giàu đẹp thêm cho mảnh đất, con người Cao Bằng, nơi được coi là cái nôi của cách mạng và những di sản văn hóa độc đáo. 

 VY OANH

Ý kiến bạn đọc