Thầy thuốc “quân hàm xanh” hết lòng với bà con vùng cao

VHO - Trạm quân dân y kết hợp Đồn biên phòng là nơi “đầu chiến tuyến” cho bà con vùng biên đến cấp cứu, khám chữa bệnh. Và ở đây, những người thầy thuốc mang quân hàm xanh đã trở nên thân thiết, gần gũi với bà con dân bản.

“Đi dân nhớ, ở dân thương” 
Vượt qua con đường đất nằm vắt ngang lưng núi đến Trạm quân dân y kết hợp kết hợp của Đồn Biên phòng đóng tại xã Tri Lễ, huyện biên giới Quế Phong, Nghệ An. Sau cái bắt tay, Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức vừa lúi húi ngoài vườn thuốc vừa nói: “Dịp này đang là mùa khô, thời tiết giá lạnh, đêm và sáng sớm sương mù nhiều, ngày lại nắng, các cây thuốc nam trong vườn rất dễ chết, nên mình phải thường xuyên ra kiểm tra”.
Đã nhiều năm nay, Trạm quân dân y Đồn Biên phòng Tri Lễ là địa điểm quen thuộc của người dân bản Mường Lống và các bản lân cận của xã Tri Lễ (huyện Quế Phong). Mỗi lúc ốm đau bà con nơi đây lại đến để được các y, bác sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ khám, chữa bệnh miễn phí. Vừa được khám bệnh xong, bà Lầu Y Mái (49 tuổi) người dân tộc Mông, bản Mường Lống, xã Tri Lễ cho biết: “Ta đến đây suốt, khi nào thấy đau trong người là đến nhờ cán bộ Đức khám, rồi phát thuốc cho. Bà con biết ơn bộ đội lắm”. Theo bà Lầu Y Mái, bản Mường Lống có 135 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông, thu nhập của bà con chủ yếu dựa vào nương rẫy. Do bản cách trung tâm xã Tri Lễ khoảng 30km đường rừng nên cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, mỗi khi có người ốm đau cần thăm khám thì việc đi lại rất vất vả. Thấu hiểu những khó khăn của bà con, Đồn Biên phòng Tri Lễ đã thành lập Trạm xá quân dân y kết hợp ngay tại đầu bản nhằm CSSK ban đầu cho đồng bào ở bản Mường Lống và các vùng lân cận. Với những trường hợp đau yếu, không thể đi lại, quân y sẽ đến tận nhà khám và cấp thuốc.

Thầy thuốc “quân hàm xanh” hết lòng với bà con vùng cao - Anh 1

Vườn thuốc nam Trạm quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Na Ngoi

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo ở xã Thanh Long (Thanh Chương) nhưng bác sĩ quân y Lê Anh Đức lại theo nghiệp Biên phòng rồi gắn bó với nghề thầy thuốc ở các bản làng vùng cao. Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức Anh Trung chia sẻ: Đời sống của bà con dân bản khu vực biên giới khó khăn, thiếu thốn vô cùng. Là một chiến sĩ bộ đội, làm sao để “đi dân nhớ, ở dân thương”, là một bác sĩ thì “lương y như từ mẫu”. Để có thể cứu chữa được cho nhiều bà con dân bản hơn nữa, tôi thường xuyên đọc thêm sách vở, gọi điện cho các đồng nghiệp để chia sẻ thêm kinh nghiệm chuyên môn. Liên hệ với bệnh viện tuyến huyện, tỉnh để được giúp đỡ về phương tiện chở bệnh nhân khi gặp những ca cấp cứu hiểm nghèo. Chúng tôi còn mày mò tự học tiếng Thái, tiếng Mông để có thể giao tiếp cơ bản và khám chữa bệnh cho bà con. Chúng tôi xem mình như những người con dân bản hết lòng chăm lo sức khỏe cho bà con vùng biên”.
Nhiều năm qua, tại Trạm quân dân y kết hợp của Đồn Biên phòng Na Ngoi  đóng tại xã Na Ngoi, huyện biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An được dựng bằng gỗ, gồm 4 phòng nằm trên lưng đồi là điểm đến quen thuộc của bà con nơi đây. Thượng úy Chế Đình Trung là người phụ trách khám chữa bệnh chính tại trạm. Thượng úy Trung sinh tại xã Nghi Trung, Nghi Lộc, Nghệ An. Lớn lên, anh nhập ngũ vào vào bộ đội biên phòng với ước mơ làm "Bộ đội Cụ Hồ", phục vụ tại đồn Biên phòng Nậm Càn, Kỳ Sơn rồi được luân chuyển đến đồn biên phòng Na Loi, phụ trách trạm quân dân y.

Thầy thuốc “quân hàm xanh” hết lòng với bà con vùng cao - Anh 2

Ở các trạm quân dân y của Bộ đội Biên phòng Nghệ An, người dân được thăm khám miễn phí, cấp phát thuốc miễn phí

Trải qua nhiều năm làm thầy thuốc mang quân hàm xanh ở các vùng biên, nhưng các xã miền núi biên giới, nơi sinh sống chủ yếu là các bà con dân tộc thiểu số, những vất vả, khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu khiến anh Trung trăn trở hơn cả. Đặc biệt là từ khi về phục vụ tại Trạm quân dân y kết hợp, Đồn biên phòng Na Loi, trực tiếp khám chữa bệnh cho nhiều bà con dân bản, anh càng thấy công việc của mình có ý nghĩa hơn. Có nhiều trường hợp nguy kịch đã may mắn được cứu thoát nhờ bàn tay người thầy thuốc, và cũng để lại cho chính anh kỷ niệm khó quên. Anh Trung kể: Nơi đây có trường hợp cháu gái học lớp 8, người Mông, ở xã Đoọc Mạy, ăn là ngón tự tử vì bị gia đình ngăn cấm chuyện tình yêu. Khi gia đình đưa đến thì đã mê man, nhưng vẫn nói được nguyên nhân do “ăn là ngón”. Người bệnh cần phải cấp cứu ngay, nếu độc phát tán sẽ hoại tử đường ruột. Trong khi phương tiện máy móc của trạm quân dân y thô sơ, không súc ruột được. Anh Trung đã tìm mọi cách cho bệnh nhân uống thuốc gây nôn, đồng thời cắm dịch truyền thải độc ở “cả 2 tay lẫn 2 chân”. Truyền liên tục từ 3h chiều đến 8h tối, đo huyết áp thấy đã ổn định, cháu gái cũng đã tỉnh lại, lúc đó cả bác sĩ, cả người nhà cùng thở phào nhẹ nhõm. 
Không chỉ khám chứa bệnh tại trạm, cứ ở đâu ở người gọi, là y, bác sĩ trạm quân y Na Ngoi lại xách túi thuốc lặn lội đến tận nhà. Có hôm mới 4h sáng, trời mùa đông, có người gọi cửa, trưởng bản Na Loi bị tai biến mạch máu não. Anh Trung vội đến nhà, đồng thời gọi điện cho xe cấp cứu từ thị trấn Mường Xén đi vào. “Lúc ấy đo huyết áp bệnh nhân đã về 0, mình phải giữ người bệnh nằm yên, tiêm trợ sức, theo dõi cầm cự đến sáng, xe cấp cứu vào đến nơi thì hộ tống đi bệnh viện. Bệnh nhân kịp được cứu sống, và bây giờ đã “đi rẫy được rồi”, Thượng úy Trung cho biết thêm.
Điểm đặc biệt của trạm quân dân y Na Loi là có đông tây y kết hợp. Hiện nay, vườn thuốc đông y của trạm có khoảng 10 nhóm thuốc: cảm cúm, tiêu hóa, thần kinh, xương khớp, rắn cắn, thuốc bổ. Không chỉ khám và điều trị bệnh cho bà con dân bản, bộ đội mang quân hàm xanh còn kết hợp tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phổ biến cho người dân biết các chương trình y tế quốc gia như: HIV/AIDS; Dân số gia đình và trẻ em; phòng, chống sốt rét, tiêm chủng mở rộng; giúp bà con xóa bỏ những tập tục lạc hậu.
Nghĩa tình trạm quân dân y kết hợp 
Từ sự quan tâm, chăm sóc ân cần ấy nhiệt tình mà những y bác sĩ mang quân hàm xanh đã tạo được niềm tin và tình cảm sâu sắc của người dân nghèo nơi biên giới xa xôi này. Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức cho biết: “Về đây, tôi còn được người dân truyền cho bài thuốc trị rắn độc cắn, chỉ cho loại cây chữa rắn độc cắn, tiếng thái gọi là cây “mặc păng”. Khi bị rắn độc cắn, người bị thương nằm yên, không được di chuyển, sau đó lấy lá cây này cho nhai, nuốt lấy nước, rồi lấy bã đắp lên vết thương, sau mấy ngày là khỏi. Đây là bài thuốc “bí truyền” của gia đình, họ quý lắm mới cho mình biết, chứ họ không nói cho ai biết đâu”.

Thầy thuốc “quân hàm xanh” hết lòng với bà con vùng cao - Anh 3

Bác sĩ Lê Anh Đức (áo blouse bên phải) cấp cứu nạn nhân bị ngộ độc do ăn lá ngón tự tử. Ảnh Lê Thạch

Ngoài ra, Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức, Đồn biên phòng Tri Lễ (Quế Phong, Nghệ An) cũng đã sáng chế ra bài thuốc dân gian giải độc lá ngón hữu hiệu, cấp cứu kịp thời giúp nhiều nạn nhân hồi sinh làm lại cuộc đời. Nhờ bài thuốc quý này, nhiều cuộc đời đã thay đổi, nhiều cuộc sống hồi sinh với hy vọng mới. Cô bé Thò Y.D (11 tuổi) ở bản Pà Khốm là một trong những bệnh nhân may mắn được bác sĩ Đức cứu sống sau khi ăn lá ngón do buồn chuyện nhà. May mắn ngay sau đó, em được bạn cùng phòng phát hiện rồi gọi giáo viên đưa đến Trạm Y tế xã trong tình trạng khá nguy kịch. Ngay lập tức, Thiếu tá Lê Anh Đức đang tăng cường tại Trạm Y tế xã Tri Lễ đã cùng với các đồng nghiệp thực hiện các biện pháp cứu chữa theo bài thuốc dân gian do chính anh nghiên cứu. Nhờ vậy, em Thò Y. D được cứu sống kịp thời.

Thầy thuốc “quân hàm xanh” hết lòng với bà con vùng cao - Anh 4

Thiếu tá, bác sĩ Lê Anh Đức cùng Bộ đội Biên phòng Tri Lễ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương nhổ bỏ cây lá ngón

Lực lượng thầy thuốc “quân hàm xanh" Nghệ An hiện có gần 90 người, vừa làm nhiệm vụ của chiến sĩ Biên phòng, vừa chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào vùng cao. Hiện nay trên các tuyến biên giới, các đồn biên phòng ngoài xây dựng, duy trì 6 trạm quân dân y với 86 cán bộ chiến sỹ là các y, bác sĩ công tác còn có 8 “Tủ thuốc biên cương” ở các bản vùng sâu vùng xa gồm: Bản Vều xã Phúc Sơn (Anh Sơn), bản Huồi Pốc xã Nậm Cắn (Kỳ Sơn), bản Huồi Bắc xã Bắc Lý (Kỳ Sơn); bản Mường Lống xã Tri Lễ (Quế Phong), bản Búng và bản Cò Phạt xã Môn Sơn (Con Cuông); bản Huồi Sơn và Phá Lõm xã Tam Hợp (Tương Dương). Các tủ thuốc biên cương được thành lập, hoạt động dựa trên sự đóng góp của lực lượng Bộ đội Biên phòng, các chi hội phụ nữ địa phương và sự tài trợ của các mạnh thường quân. 
Cùng với khám, chữa bệnh, các y, bác sĩ còn là những tuyên truyền viên tích cực, hướng dẫn người dân thực hiện nếp sống mới, cách CSSK, kế hoạch hóa gia đình và đặc biệt là phòng, chống các loại dịch bệnh. Điều mà Thiếu tá, bác sĩ quân y Lê Anh Đức, Đồn biên phòng Tri Lễ (Quế Phong) và thượng úy Chế Đình Trung (Đồn biên phòng Na Ngoi (Nghệ An), cũng như những quân y khác băn khoăn nhất là đời sống người dân còn nghèo, vất vả, số trẻ em suy dinh dưỡng còn nhiều. Trạm quân dân y kết hợp còn thô sơ, không đủ điều kiện phương tiện, thuốc men cho bà con. Mong muốn của các trạm quân y là cơ sở vật chất được bổ sung để phục vụ được bà con vùng biên tốt hơn nữa.

                                                                                                                            PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc