Nỗ lực không ngừng để đạt mục tiêu

VHO - Thể thao Việt Nam có nhiều mục tiêu trong năm 2024, trong đó quan trọng nhất là Olympic Paris vào mùa hè này. Đây là giai đoạn rất cao điểm để các HLV, VĐV thể thao Việt Nam tập luyện, thi đấu để hướng đến việc giành thêm cho thể thao Việt Nam những suất dự Thế vận hội.

Nỗ lực không ngừng để đạt mục tiêu - Anh 1

 Thùy Linh sắp bước vào chuyến du đấu tại châu Âu để tích lũy điểm cho mục tiêu trở thành hạt giống tại Olympic Paris Ảnh: LINH ĐÔNG

Với khát khao, quyết tâm cao nhất, hy vọng họ sẽ mang lại vinh quang cho thể thao nước nhà.

Khát vọng của thế hệ Gen Z

Thể thao Việt Nam đang sở hữu thế hệ VĐV trẻ và tài năng ở nhiều bộ môn, trong đó những VĐV thuộc thế hệ Gen Z (sinh từ năm 1997 đến 2012). Với mục tiêu trọng điểm là Ol­ympic Paris, cơ hội để họ đang và sẽ giúp thể thao nước nhà giành thêm những suất tham dự. Tất nhiên họ phải dành hết năng lượng, sức mạnh và khát vọng của tuổi trẻ để thi đấu, cống hiến hết mình vì màu cờ sắc áo.

Một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ VĐV Gen Z là Nguyễn Thùy Linh. Việc tay vợt sinh năm 1997 có vé đến Paris chỉ là vấn đề thời gian nhưng cô vẫn cố gắng tham dự các giải quốc tế trong thời điểm đầu năm 2024 để chắc chắn lấy suất và hướng đến mục tiêu trở thành tay vợt Việt Nam đầu tiên được xếp hạt giống tại Olympic. Trước Tết Nguyên đán, Thùy Linh đã tham dự 2 giải đấu đẳng cấp của BWF tại Ấn Độ và Indonesia. Dù không đạt được kết quả như ý nhưng cũng cho thấy cô đang rất nỗ lực cho mục tiêu mà mình đã đặt ra trong năm nay. Sau những ngày cùng gia đình đón năm mới, Thùy Linh lại hối hả bước vào những ngày tập luyện quen thuộc để chuẩn bị thật tốt cho chuyến du đấu dài ngày sắp tới ở châu Âu. Tay vợt 26 tuổi này sẽ góp mặt ở các giải trong hệ thống BWF World Tour Super tại Đức, Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ với hy vọng sẽ tích lũy được nhiều điểm số để cải thiện thứ hạng và trở thành hạt giống ở Olympic Paris.

Giống như Thùy Linh, Nguyễn Văn Khánh Phong cũng là niềm hy vọng số 1 trong hành trình “săn vé” dự Thế vận hội của Thể dục dụng cụ. So với các đồng đội cùng thế hệ Gen Z như Vỹ Lương, Hải Khang hay Xuân Thiện, Khánh Phong nổi trội hơn nhờ trải qua năm 2023 rất thành công với 2 HCV SEA Games 32, 1 HCB châu Á, đặc biệt là tấm HCB lịch sử tại Asian Games 19, VĐV sinh năm 2002 được kỳ vọng sẽ tiếp bước các đàn anh Đinh Phương Thanh và Lê Thanh Tùng (những người từng thi đấu Olympic Tokyo 2020) góp mặt tại Thế vận hội mùa hè năm nay. Không ngại khó khăn, ngay mùng 3 Tết, Khánh Phong cùng các đồng đội đã sang Ai Cập thi đấu Cúp thế giới (ngày 15 đến 18.2), tiếp đến là vòng loại Olympic tại Đức (ngày 22 đến 25.2). Mặc dù kết quả không thật sự ấn tượng nhưng họ đã tích lũy thêm những điểm số cũng như kinh nghiệm cần thiết cho hành trình tiếp theo.

Tương tự như TDDC, vì nhiệm vụ quốc gia và vinh quang của thể thao nước nhà mà 6 tuyển thủ bơi là Huy Hoàng, Đình Chuyền, Thanh Bảo, Hưng Nguyên, Quang Thuấn và Hoàng Khang đã phải ăn Tết xa nhà khi tham dự giải VĐTG diễn ra tại Doha (Qatar) từ ngày 2 đến 18.2. Huy Hoàng đương nhiên là gương mặt được chú ý nhất, kình ngư sinh năm 2000 đã có một giải đấu bổ ích để đánh giá phong độ và thành tích, qua đó tạo sự chuẩn bị cho việc tranh tài tại Paris nội dung 800m tự do vào mùa hè này.

Nỗ lực không ngừng để đạt mục tiêu - Anh 2

 Văn Vinh được kỳ vọng sẽ giúp cử tạ Việt Nam giành được vé dự Thế vận hội Ảnh: HẢI VÂN

Tiếp tục cố gắng

Hiện tại, thể thao Việt Nam mới có 4 suất chính thức dự Olympic Paris 2024, trong khi chỉ tiêu của chúng ta giành từ 12 đến 15 suất. Hành trình “săn vé” đến Paris mùa hè năm nay của thể thao Việt Nam được dự báo sẽ còn lắm gian nan, đòi hỏi sự cố gắng và nỗ lực rất nhiều của các VĐV, HLV tại các đội tuyển.

Cử tạ là một trong số ít các bộ môn được kỳ vọng sẽ mang về thêm cho thể thao nước nhà suất dự Thế vận hội. Thực tế trong một năm qua, các đô cử Việt Nam không ngừng nỗ lực tập luyện, thi đấu tại các sân chơi quốc tế, đặc biệt là các giải vòng loại có tính điểm Olympic. Vậy nên ngay ngày 30 Tết, các đô cử của chúng ta đã lên đường sang Italia thi đấu Cúp thế giới, vòng loại Olympic. Việc giành 2 HCĐ đã giúp Trịnh Văn Vinh tiếp tục nằm trong top các VĐV đủ điều kiện tham dự Olympic khi đang xếp thứ 9 ở hạng cân 61kg nam. Dù vậy, Văn Vinh cùng các đồng đội là Phạm Đình Thi (49kg nữ), Quàng Thị Tâm (59kg nữ) hay Phạm Thị Hồng Thanh (71kg nữ) sẽ phải còn cố gắng rất nhiều khi phía trước là vòng loại Olympic cuối cùng vào tháng 4 này tại Thái Lan.

Hiện tuyển Taekwondo cũng đang nỗ lực tìm suất dự Olympic. Những niềm hy vọng như Kim Tuyền, Ánh Tuyết, Bạc Thị Khiêm, Hồng Phúc vừa kết thúc chuyến tập huấn tại Hàn Quốc cũng như thi đấu 2 giải tại Mỹ và Canada đã trở về nước, tiếp tục chuẩn bị cho vòng loại khu vực châu Á vào tháng 3 tại Trung Quốc để tranh suất đến Paris. Ở môn Boxing, Nguyễn Thị Tâm cùng các đồng đội đang tập trung cao độ để hướng đến vòng loại Olympic tại Italia từ ngày 29.2 đến 12.3. Cùng với đó, tuyển điền kinh cũng đang cố gắng phấn đấu có được suất dự Olympic, trong đó đặt mục tiêu trọng tâm với tổ tiếp sức 4x400m nữ. Tuyển bắn súng đã có 2 suất đến Paris nhưng sẽ cố gắng giành thêm suất khi tham dự vòng loại Olympic cuối cùng tại Brazil vào tháng 4 này. Tương tự là các đội tuyển như bóng bàn, đua thuyền, Judo hay bắn cung cũng đang bước vào quá trình tập luyện và thi đấu cao điểm cho mục tiêu Olympic.

Cùng với sự tập luyện, chuẩn bị và thi đấu của các bộ môn chưa có suất dự Olympic thì các đội tuyển có suất rồi cũng sẽ phải cố gắng rất nhiều để hướng đến việc tranh tài tại Paris. Giai đoạn sau Tết Nguyên đán sẽ rất quan trọng với bộ đôi là Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền trong việc chuẩn bị tâm lý, trau dồi chuyên môn để hướng đến Thế vận hội. Trong khi đó, Nguyễn Huy Hoàng sau khi dự giải VĐTG sẽ tiếp tục cho có chuyến tập huấn dài hạn tại Hungary để tích lũy chuyên môn thật tốt hướng đến Olympic. Tương tự, việc trở lại đội đua của Thụy Sĩ - Roland Israel Premier Tech thi đấu các giải quốc tế trong giai đoạn đầu năm 2024 là hành trang quý giá để tay đua nữ số 1 Việt Nam Nguyễn Thị Thật tranh tài tại Paris. 

VĨNH HY

 

Ý kiến bạn đọc