Rất cần sự "hào hứng" từ các chủ thể liên quan

VHO - Trên thế giới, các ngành công nghiệp văn hóa ra đời muộn hơn so với các ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh, triển vọng phát triển lớn, mang lại hiệu quả cao cả về doanh thu lẫn hiệu ứng xã hội.

Rất cần sự

Xiếc tre À ố show không còn xa lạ với người yêu nghệ thuật Việt Nam và cũng đã trở nên quen thuộc với khán giả nước ngoài

So với các nước, công nghiệp văn hóa của Việt Nam còn “sinh sau, đẻ muộn”, mãi đến năm 2016, Chính phủ mới ban hành “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Mặc dù chịu ảnh hưởng của hai năm đại dịch Covid-19, đến nay, các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khả  quan, có đóng góp thiết thực vào GDP của đất nước, tạo nhiều việc làm cho người dân, góp phần phát triển bền vững quốc gia. 
Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta  cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, sự  phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta mới đang ở giai đoạn  đầu, còn nhiều lúng túng, hạn chế,  yếu kém so với các nước. Việc nhận  diện, làm rõ những mặt đã làm được và chưa được, những điểm mạnh và  điểm yếu của các chủ thể liên quan,  từ đó có những quyết sách phù hợp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực đang đặt ra  vô cùng cấp thiết. 
Từ góc nhìn của quản lý nhà nước và dựa trên chu trình khép kín của thị  trường (sáng tạo - sản xuất - phân phối  - tiêu dùng) có thể xác định “các bên  liên quan” chính trong phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam hiện nay  gồm có: Nhà nước - người sáng tạo -  nhà sản xuất - người tiêu dùng.  

Từ phía Nhà nước 

Dù là kinh tế thị trường thuần túy hay kinh tế thị trường định hướng xã  hội chủ nghĩa cũng đều cần có sự quản lý, kiến tạo, tạo điều kiện của Nhà nước. Nếu thể chế không phù hợp, cơ chế không thông thoáng, chính sách không khuyến khích thì rất khó phát  triển các ngành công nghiệp văn hóa. Hiện nay Nhà nước ta đã bắt đầu quan tâm hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi thông qua một số Luật, Nghị định, Thông tư, Chiến lược,  quy hoạch, đề án, dự án liên quan. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm gấp trong thời gian tới, nếu không muốn bỏ lỡ thời gian và cơ hội. Đơn  cử, một số lĩnh vực chủ chốt của công nghiệp văn hóa như nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm; thủ công mỹ nghệ; phần mềm và trò  chơi giải trí... đến nay vẫn chưa được quản lý và tạo điều kiện phát triển bằng Luật, chủ yếu mới dừng ở mức Nghị định. Trong khi đó, Đài Loan (Trung Quốc) từ năm 2010 đã ban hành riêng Luật Phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Trung Quốc không chỉ có Luật Điện ảnh mà còn có những Luật chuyên biệt như Luật Xúc tiến điện ảnh (ban hành năm 2017) với các  chính sách hỗ trợ, giảm thuế và cải  cách sâu rộng thị trường phim. Về bộ máy tổ chức, Trung Quốc và Hàn Quốc đều có Cục Công nghiệp văn hóa, Việt  Nam mới có một bộ phận nhỏ nằm trong một phòng của Cục Bản quyền tác giả, sẽ rất khó đảm đương vai trò  đầu mối kết nối, thúc đẩy phát triển 12 ngành công nghiệp văn hóa nằm trong 4 Bộ khác nhau.  
Bên cạnh đó, Nhà nước cần có hệ  thống chính sách mạnh mẽ đủ sức  khuyến khích các chủ thể liên quan  tham gia phát triển công nghiệp văn hóa, từ ưu đãi thuế, vốn, phí, lệ phí đến  đất đai, mặt bằng nhà xưởng, xúc tiến  xuất khẩu, đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút nguồn nhân lực sáng tạo cho các  ngành công nghiệp văn hóa.  
Do vậy, trong thời gian tới chúng ta cần gấp rút hoàn thiện thể chế quản  lý, ưu tiên ban hành Luật Nghệ thuật biểu diễn, Luật Mỹ thuật và Nhiếp  ảnh, Luật Làng nghề, đồng thời sửa  đổi, bổ sung các Luật có liên quan  như: Luật Di sản văn hóa, Luật Đầu  tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và  vừa... cũng như kịp thời có hệ thống  văn bản dưới luật phù hợp, thuận lợi,  mang tính “kiến tạo” thực sự. 

Đội ngũ sáng tạo 

Đội ngũ sáng tạo trong các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay rất đa  dạng, bao gồm các văn nghệ sĩ, trí  thức, nghệ nhân, người làm nghề liên  quan đến sáng tạo. Trong những năm  gần đây, các văn nghệ sĩ Việt Nam đã có nhiều tìm tòi, trăn trở, đổi mới từ  khâu kịch bản, lựa chọn đề tài phản ánh đến khâu biểu diễn, thể hiện tác  phẩm. Thế hệ làm phim trẻ, nhất là  các đạo diễn có sự bứt phá nhanh  chóng về nghề nghiệp đã tạo nên nhiều bộ phim có chất lượng (Trấn Thành, Lý Hải, Vũ Ngọc Đãng, Võ Thanh Hòa, Thu Trang, Thái Hòa...).  Một số ban nhạc Việt đã khẳng định tên tuổi trên thị trường nội địa: Ngũ Cung, Microwave, Ngọt, Cá hồi  hoang, SpaceSpeakers, Da LAB…  Một số ca sĩ đã vươn ra thị trường thế giới, chinh phục khán giả ngoại cả  trên sân khấu lẫn trên không gian mạng: Sơn Tùng M-TP, Mỹ Tâm, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh, Pháo  - Masew... Xuất hiện nhiều chương trình nghệ thuật có giá trị cao cả  về nội dung và hình thức thể hiện  như: Ký ức Hội An, Tinh hoa Bắc  Bộ, À ố show, Ionah show, xiếc tre Làng tôi... Các làng nghề truyền thống được tiếp thêm hơi thở mới nhờ đội ngũ con em tốt nghiệp đại học quay về phục vụ quê hương: Gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng, gỗ  mỹ nghệ Đồng Kỵ, tạc tượng Sơn Đồng,... Lực lượng thiết kế, họa sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư công nghệ đang mang tới những phong cách mới, sức sống mới cho các sản phẩm mỹ thuật công nghiệp, kiến trúc, thời  trang, quảng cáo, phần mềm và trò chơi giải trí của Việt Nam. Số lượng các không gian sáng tạo trong nước đang tăng lên không ngừng. Cũng phải thẳng thắn nhìn  nhận, một phần lớn đội ngũ sáng  tạo ở Việt Nam đang phải loay  hoay, vất vả tìm cách tồn tại, kiếm  sống để trụ vững với nghề. Các ngành văn hóa và nghệ thuật chưa  được coi trọng, rất khó tìm việc làm, chế độ đãi ngộ thấp, không thu hút được nhân tài. Những sinh viên giỏi nhất không vào học các  trường văn hóa nghệ thuật, do vậy,  ngày càng ảnh hưởng đến chất  lượng nguồn nhân lực. Rất cần có  các cơ chế, chính sách phù hợp, khuyến khích các tài năng nghệ thuật, nuôi dưỡng cảm hứng sáng tạo, phát huy tối đa năng lực và phẩm chất của họ, để có thể phát lộ nhiều ý tưởng sáng tạo, cho ra nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa có chất lượng cao cho xã hội.

Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh công nghiệp văn hóa ở Việt Nam  

Cả nước có hơn 400 hãng phim tư nhân, hàng trăm ban nhạc tự do, các galery mỹ thuật, các công ty tổ chức sự kiện,... Một loạt phim Việt Nam đã có sự bứt phá về doanh thu, thậm chí vượt xa các phim “bom tấn” ngoại như: Cua lại vợ bầu (192 tỉ),  Hai Phượng (200 tỉ), Bố già (hơn  400 tỉ), Nhà bà Nữ (hơn 500 tỉ), loạt  phim Lật mặt (hơn 700 tỉ)... Hàng ngàn doanh nghiệp, hộ gia đình tại các làng nghề truyền thống đang đưa sản phẩm thủ công mỹ nghệ của  Việt Nam chiếm lĩnh 163 quốc gia  và vùng lãnh thổ, đóng góp gần 10% nhu cầu của thị trường toàn cầu. Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch  cũng có tốc độ tăng trưởng ngoạn mục, gia tăng đóng góp vào nền kinh  tế của đất nước, bên cạnh các doanh  nghiệp sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực kiến trúc, thời trang, xuất bản, quảng cáo... 
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng phải nhận thấy, so với các nước có công nghiệp văn hóa phát triển, thị trường văn hóa của Việt Nam vẫn còn khá nhỏ hẹp, manh mún, phát triển chưa bền vững. Môi  trường kinh doanh còn nhiều rào  cản, vướng mắc, chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư. Điều  đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục tạo dựng những điều kiện thuận lợi cả về pháp lý, cơ chế ưu đãi cũng như công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan giúp giải phóng sức sản xuất, phát triển “lực  lượng sản xuất” trong văn hóa nghệ  thuật. Bên cạnh đó cũng cần kết nối tốt hơn giữa cung và cầu, giữa doanh nghiệp sản xuất kinh doanh với đội ngũ sáng tạo là các văn nghệ  sĩ, nghệ nhân, nhà khoa học, nhà văn hóa cũng như với các tầng lớp công chúng. 

Người tiêu dùng văn hóa  

Việt Nam sở hữu một thị trường nội địa rộng lớn với gần 100 triệu  dân, trong đó hơn 60% là dân số trẻ, có nhu cầu tiêu dùng văn hóa cao. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ngày càng cải thiện,  giúp mức chi tiêu cho văn hóa được  nâng cao. Hiện nay, công chúng Việt Nam cũng bắt đầu “mạnh tay” chi tiêu cho tiêu dùng văn hóa. Đơn cử, chỉ qua hai đêm diễn của nhóm nhạc BlackPink, không kể tiền bán vé, thành phố Hà Nội đã thu được hơn 600 tỉ đồng nhờ các dịch vụ liên đới. Các chương trình nghệ thuật có  chất lượng cao của các nghệ sĩ tên  tuổi ở Việt Nam, mặc dù giá thành cao cũng luôn cháy vé. Điều đó cho thấy, công chúng Việt Nam cũng là  những khách hàng có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp văn hóa.  
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận là do một  thời gian dài sống trong cơ chế bao cấp, một bộ phận không nhỏ công chúng, nhất là lớp người lớn tuổi, đã quen với việc thưởng thức “miễn phí” các loại dịch vụ văn hóa  công, thích thụ hưởng kiểu “tiền  chùa” các sản phẩm, hoạt động văn  hóa. Các ngành công nghiệp văn hóa không thể phát triển nếu thiếu  công chúng, thiếu người tiêu dùng, thiếu thị trường văn hóa sôi động. Do vậy, rất cần có những biện pháp  “kích cầu” tiêu dùng văn hóa phù  hợp, hiệu quả, vừa góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người  dân, vừa góp phần chấn hưng văn  hóa, chống lại sự “xâm lăng văn  hóa” từ bên ngoài.  
Muốn vậy, chúng ta phải tăng  cường giáo dục nghệ thuật từ nhỏ  cho thế hệ trẻ, nâng cao năng lực  thẩm mỹ cho đông đảo người dân. Bên cạnh đó, phải có các phương thức phát triển khán giả hiệu quả, tăng cường marketing thị trường, quảng bá, PR, truyền thông... Tuy nhiên, điều cốt yếu vẫn phải là có các sản phẩm, dịch vụ, “hàng hóa”  văn hóa chất lượng cao, đủ sức hấp dẫn, mời gọi khán giả, buộc họ phải “rút hầu bao” để được thụ hưởng.  
Tóm lại, để công nghiệp văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển cần có sự tham gia, phối hợp, chung tay, góp sức của tất cả các bên liên quan, chứ không thể chỉ là ý chí chính trị từ phía Nhà nước, các biện pháp hô hào, kêu gọi duy ý chí. Rất cần có  sự tham gia nhiệt tình, “hào hứng”  từ tất cả các chủ thể liên quan. Sự hào hứng đó không chỉ là vì thu nhập, lợi nhuận, danh tiếng, mà  còn vì sự thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của người nghệ sĩ, sự thăng hoa của những cảm xúc và trải nghiệm, sự tôn vinh những giá trị cao cả, tốt  đẹp, hướng thiện của con người.

“Để công nghiệp văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển cần có sự tham gia, phối hợp, chung tay, góp sức của tất cả các bên liên quan,
chứ không thể chỉ là ý chí chính trị từ phía Nhà nước, các biện pháp hô hào, kêu gọi duy ý chí. Rất cần có sự tham gia nhiệt tình, “hào hứng” từ tất cả các chủ thể liên quan”.

GS.TS TỪ THỊ LOAN 

Ý kiến bạn đọc