Ra mắt sách "Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc" của nhạc sĩ Trọng Loan

VHO – Ngày 16.12, tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Trọng Loan (16.12.1923 - 16.12.2023), gia đình và bạn bè thân thiết của nhạc sĩ đã biên soạn và giới thiệu đến công chúng cuốn sách Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc để tưởng nhớ và tri ân những cống hiến, đóng góp của nhạc sĩ đối với nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Ra mắt sách

Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc là những bài viết, những câu chuyện nghề của nhạc sĩ Trọng Loan

Trong số những nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam, nhạc sĩ Trọng Loan (1923 - 2010) là một tên tuổi rất gần gũi với công chúng, đặc biệt là bộ đội. Suốt cuộc đời cầm bút, ông mặc áo lính đã đành. Điều quan trọng hơn là nhiều ca khúc của ông nổi rõ hình tượng người lính Cụ Hồ được các chiến sĩ rất yêu thích.

Công chúng yêu nhạc đã rất quen với những bài hát của ông như: Lời ca dâng Bác, Người Châu Yên em bắn máy bay, Quân reo quê mẹ Quảng Trị anh hùng, Trăng sáng trên rừng quế, Gửi Cồn Cỏ anh hùng, Nếu em tới thăm đảo... Giai điệu những ca khúc của ông luôn thắm đượm âm hưởng dân gian, lại được bố cục trong những khúc thức rất khúc chiết, gọn gàng, mạch lạc.

Cuốn sách Hồi ức sáng tác và các tác phẩm âm nhạc là những bài viết, những câu chuyện nghề, những hồi ức tâm tình dung dị của nhạc sĩ Trọng Loan về những tác phẩm âm nhạc tâm huyết của mình trong suốt cả một chặng đường dài lịch sử đi theo cách mạng từ khi còn là một chàng Vệ quốc quân trẻ trung ngày đầu khởi nghĩa (1945) cho đến khi đã “mỏi gối chồn chân" bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, khi đất nước đã yên bình, thịnh vượng và nhạc sĩ cũng đã được vui hưởng tuổi già bên gia đình, con cháu.

Cuốn sách gồm 5 phần: Phần I là những câu chuyện về những bài ca đã gắn liền với tên tuổi của nhạc sĩ Trọng Loan trong suốt cuộc hành trình âm nhạc trải dài qua ba thời kỳ lịch sử của đất nước: chống Pháp, chống Mỹ, hòa bình dựng xây và bảo vệ Tổ quốc.

Phần II là những công trình nghiên cứu, những suy nghĩ, trăn trở tìm tòi và ghi chép của nhạc sĩ Trọng Loan về các sự kiện, các hoạt động âm nhạc của đất nước, của quân đội ngõ hầu để làm cho các hoạt động âm nhạc ngày càng được thấm sâu và phổ biến rộng rãi hơn nữa trong mọi tầng lớp nhân dân và công chúng yêu âm nhạc.

Phần III là những góc nhìn đa chiều, khác nhau của những nhà báo, những người bạn thân thiết cùng công chúng và khán giả yêu quý nhạc sĩ Trọng Loan. Qua đó, góp phần khắc họa thêm chân dung của một người nhạc sĩ tài hoa, giản dị và khiêm nhường.

Phần IV: Nhạc phẩm với 251 bài hát của nhạc sĩ Trọng Loan, bắt đầu từ năm 1945 và sau cùng là năm 2000. Và phần V là một số bài thơ, bài hát của bạn bè yêu mến gửi tặng nhạc sĩ Trọng Loan...

Ra mắt sách

Toàn cảnh lễ ra mắt sách

Cuốn sách là tâm huyết cuối đời của nhạc sĩ Trọng Loan với mong muốn để lại cho đời những câu chuyện hay, những nốt nhạc đẹp, những lời ca bay bổng kể về quê hương, đất nước, kể về cuộc đời người lính Bộ đội Cụ Hồ giản dị mà kiêu hãnh, thanh cao, hào hùng, luôn biết vượt qua mọi khó khăn gian khổ để vươn tới những đỉnh cao ước vọng của cuộc đời. Bạn đọc hẳn sẽ có những cảm xúc thú vị khi cùng hòa mình vào những câu chuyện mà nhạc sĩ Trọng Loan đang kể về những thăng hoa của mình trong từng nốt nhạc, lời ca từ lâu đã đi vào lòng người, đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Tại lễ ra mắt sách, nhạc sĩ Doãn Nho chia sẻ, may mắn được sinh ra trong một gia đình gắn bó với nhiều làn điệu dân ca trong sinh hoạt thường nhật nên nhạc sĩ Trọng Loan đã rất hồn nhiên để ngấm vào mình những cung bậc tình cảm dân gian của quê hương, từ đó này nở cảm hứng sáng tạo khi đã trưởng thành.

Ca khúc đầu tay của nhạc sĩ Trọng Loan là một hành khúc Bài ca Thanh niên xung phong Phan Đình Phùng đã nhanh chóng trở thành bài ca chính thức của Đội tự vệ chiến đấu và thanh niên xung phong thành phố Vinh - Bến Thủy vào cuối năm 1945, sau đó phổ biến rộng ra ba tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

“Có lẽ không thể nhớ hết những sáng tác thời kỳ đầu của nhạc sĩ Trọng Loan, nhưng cái quan trọng cần ghi nhận là những sáng tác ấy đều xuất phát từ những cảm xúc chân thực và rất hồn nhiên. Chất nhạc sĩ và chất lính trong nhạc sĩ Trọng Loan gắn liền với sự trưởng thành cùng những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân anh hùng của chúng ta. Không thể không nhắc tới ca khúc Lời ca dâng Bác. Có lẽ thế hệ chúng tôi, trong Nam cũng như ngoài Bắc, không ai có thể quên tiếng hát của Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Huyền cùng tốp nữ trong bài này. Chắc chắn mọi người đều nhận ra tấm lòng sâu nặng nghĩa tình của anh Bộ đội Cụ Hồ - nhạc sĩ Trọng Loan đối với Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu mà vô cùng gần gũi của chúng ta! Đúng là “Có mối tình nào thủy chung son sắt, như tấm lòng của Bác đối với đồng bào miền Nam!” và “Bao núi bao sông, bấy nghĩa bấy tình!"... Lời ca giản dị, ngắn gọn mà bao quát tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam khi nghĩ và nhớ tới Bác!”, nhạc sĩ Doãn Nho cho biết.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết:“Với tư cách là một nhạc sĩ sáng tác thế hệ con cháu đi sau, tôi thấy thấm đượm một tinh thần âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Loan, đó là các tác phẩm âm nhạc của ông luôn gắn với tình yêu thương, xuất phát từ trái tim và luôn luôn gửi gắm đến nhân dân. Âm nhạc của nhạc sĩ Trọng Loan luôn tươi mát, hồn nhiên và không hề có dấu ấn nghĩ về mình mà tất cả đều hiến dâng cho nhân dân, cho dân tộc. Nhạc sĩ Trọng Loan trong suốt cuộc đời mình đã không ngừng rèn luyện để thực sự là người lính Cụ Hồ, là đảng viên mẫu mực và là một nhạc sĩ tài năng có cá tính sáng tạo độc nhất vô nhị”.

MẠNH TRUNG

Ý kiến bạn đọc