Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống: Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực

VHO - Mùa lễ hội năm nay, một nội dung mới đang được các địa phương tập trung triển khai là xây dựng, nhân rộng mô hình tổ chức theo Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống vừa được lãnh đạo Bộ VHTTDL ký ban hành.

Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống: Đẩy lùi hủ tục, hành vi phản cảm, bạo lực - Anh 1

 Bộ tiêu chí sẽ góp phần ngăn chặn hành vi phản cảm, bạo lực trong lễ hội. Ảnh: TR.HUẤN

Trao đổi với Văn Hóa, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bài trừ hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn.

 Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống là nội dung quan trọng trong công tác quản lý, tổ chức mùa lễ hội năm nay. Ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng môi trường văn hóa tích cực, lành mạnh trong các lễ hội hiện nay như thế nào, thưa Cục trưởng?

- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương: Việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội giúp bảo tồn, duy trì những giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, lễ hội truyền thống thường thu hút sự tham gia của đông đảo người dân từ nhiều vùng miền, tạo ra cơ hội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi và chia sẻ những trải nghiệm về văn hóa truyền thống, cũng như những phong tục tập quán. Môi trường văn hóa thích hợp sẽ tạo nên một không gian thân thiện, khuyến khích sự tương tác và giao tiếp giữa các cá nhân và cộng đồng.

Vì vậy, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống góp phần tạo ra sự nhất quán, thấu hiểu sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh và mang đến cảm xúc tự hào, tạo nên tinh thần đoàn kết và ý thức cùng nhau gìn giữ, phát huy những điểm mạnh, tích cực trong văn hóa truyền thống của dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, càng ngày lễ hội truyền thống càng thu hút đông đảo du khách thập phương, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, du lịch địa phương. Môi trường văn hóa tốt sẽ đảm bảo để du khách có trải nghiệm tích cực và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển bền vững của địa phương…

Tuy nhiên, trong nhiều năm vừa qua, dù ngành văn hóa đã có những nỗ lực, nhưng môi trường văn hóa trong lễ hội vẫn còn nhiều vấn đề phải quan tâm. Bộ VHTTDL mới ban hành quyết định về việc xây dựng “Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống”. Đây được xem là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, nâng cao chất lượng tổ chức các lễ hội truyền thống ở các địa phương.

Mục đích của Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống là gì, thưa bà?

-Bộ tiêu chí nhằm khuyến khích, định hướng và thúc đẩy các địa phương, BTC các lễ hội tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân. Bộ tiêu chí góp phần cụ thể hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở cơ sở. Thông qua đó, các địa phương xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu. Đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, du khách về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh khi tham gia lễ hội.

 Nhằm thực hiện những mục tiêu quan trọng này, Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống gồm những nội dung gì?

- Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống gồm 9 tiêu chí chung và các tiêu chí cụ thể. Một số tiêu chí chung là: công tác quản lý nhà nước về lễ hội chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư đáp ứng yêu cầu tổ chức lễ hội; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí vui tươi, lành mạnh đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của nhân dân; bố trí các khu dịch vụ đảm bảo mỹ quan di tích, lễ hội; tổ chức các hoạt động dịch vụ an toàn, thuận tiện cho người dân, du khách khi tham gia hoạt động lễ hội...

Các hoạt động kinh doanh dịch vụ tại di tích, lễ hội cam kết tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ công cộng; quy định của BTC lễ hội về thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử văn hóa. Quan hệ giao tiếp, ứng xử của các chủ thể quản lý và người tham gia trong hoạt động lễ hội bảo đảm văn minh, văn hóa. Tăng cường, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về di tích, lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh; nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trên cơ sở bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan thiên nhiên; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Bài trừ hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực, các hành vi phản cảm trái thuần phong, mỹ tục dân tộc trong hoạt động lễ hội.

Có 44 tiêu chí cụ thể được chia thành 9 nhóm tiêu chí cụ thể gồm tiêu chí quản lý, tổ chức; Tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị; Tiêu chí về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội; Tiêu chí về vệ sinh ATTP, vệ sinh môi trường; Tiêu chí về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí; Tiêu chí về tổ chức các hoạt động dịch vụ; Tiêu chí về ứng xử văn hóa khi tham gia hoạt động lễ hội; Tiêu chí về công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội; Tiêu chí về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội.

Mùa lễ hội 2024 đang đến rất gần. Nhằm đảm bảo các yếu tố văn minh, lành mạnh, an toàn các địa phương cần chú trọng những nội dung gì trong xây dựng các tiêu chí về môi trường văn hóa trong hoạt động quản lý và tổ chức lễ hội?

-Việc cụ thể hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa tại di tích, lễ hội là giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong tổ chức hoạt động lễ hội theo hướng văn minh, lành mạnh, tiết kiệm; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bài trừ hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực và các hành vi phản cảm, lệch chuẩn trong lễ hội.

Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống chính là cơ sở để BTC lễ hội tại các địa phương áp dụng thống nhất các giải pháp trong tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm xây dựng môi trường văn hóa lễ hội. Đồng thời, Bộ tiêu chí cũng là định hướng để BTC chuẩn hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, là thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương. Đối với một số lễ hội “điểm nóng”, cần xây dựng và triển khai các phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho người tham gia lễ hội, có phương án xử lý kịp thời tình huống phát sinh. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh.

Đặc biệt, cần chú trọng nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong việc xây dựng kế hoạch kịch bản, phương án tổ chức lễ hội. Cục Văn hóa cơ sở đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức áp dụng các tiêu chí về môi trường văn hóa vào công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Cục sẽ tiếp tục tổng hợp, theo dõi công tác tổ chức triển khai Bộ tiêu chí của các địa phương ngay trong mùa lễ hội năm nay. 

 Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống chính là cơ sở để BTC lễ hội tại các địa phương áp dụng thống nhất các giải pháp trong tổ chức, thực hiện các hoạt động nhằm xây dựng môi trường văn hóa lễ hội. Đồng thời, Bộ tiêu chí cũng là định hướng để BTC chuẩn hóa các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, là thước đo để đánh giá năng lực quản lý cũng như tính hiệu quả của công tác tổ chức hoạt động lễ hội tại địa phương.

 

 PHƯƠNG ANH (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc