Hát Quan làng- nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Tày

VHO - Những làn điệu hát Quan làng của người Tày ở Quang Bình (Hà Giang) chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng, nghi lễ cưới hỏi, tình yêu đôi lứa, đề cao giá trị đạo đức lối sống, thể hịên tính nhân văn cao cả, là sức mạnh tinh thần giúp cho từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc Tày vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Hát Quan làng- nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Tày - Anh 1

Đoàn nhà trai đưa lễ sang nhà gái để đón dâu

Hát Quan làng là điệu hát được dùng trong đám cưới của dân tộc Tày đã có từ xa xưa. Đó là những bài hát tồn tại trong dân gian một cách dân dã, được nhiều người biết và thuộc các bài hát quan làng, nhưng không thể diễn xướng một cách tự do, tùy tiện mà phải theo trình tự thủ tục, nghi lễ nhất định.

Hát Quan làng là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian đã đồng hành xuyên suốt chặng đường phát triển của cộng đồng Tày, ở đó có từng cá thể người đã chủ động sáng tạo khi tiếp nhận sự trao truyền từ thế hệ trước. Thể loại dân ca này đã hướng con người tới cái chân - thiện - mỹ và dần từ bỏ tính ác trong bản ngã của mình. Vì vậy, các làn điệu hát Quan làng có tác dụng khích lệ, động viên tích cực đến đời sống văn hóa tinh thần và sinh hoạt cộng đồng của người dân trong vùng. 

Hát Quan làng- nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Tày - Anh 2

Ông Quan làng hát để xin vào cửa nhà gái

Trong đám cưới của người Tày, người được cử làm quan làng, ông đón, bà đón, ông đưa, bà đưa, phù dâu, phù rể đều thuộc các bài hát quan làng. Hầu hết các đám cưới của người Tày họ chỉ dùng lời hát của mình để đối đáp, giao tiếp giữa hai bên gia đình, hát để họ nhà gái phải bỏ tất cả những thử thách, chướng ngại vật mà nhà gái đưa ra chắn lối vào nhà. Khi lên khỏi cầu thang lại gặp phải vô vàn thử thách cho đoàn nhà trai, sau đó vào nhà lại hát để người trải chiếu, mời nước, mời trầu.... Gặp hoàn cảnh nào thì ông quan làng phải đối đáp kịp thời trong lời hát của mình. Nội dung chính của lời hát quan làng là cách chỉ bảo, dăn dạy hướng dẫn con người có lối ứng xử tinh tế và tao nhã, lời hát trong đám cưới thay cho lời chào xã giao và thể hiện tình cảm chân trọng nhau.

Ông Hoàng Văn Chùa, một trong những người có uy tín ở thôn Trung Thành, xã Bằng Lang, huyện Quang Bình chia sẻ “Những người được chọn để làm Quan làng phải là người khéo giao tiếp, hát hay để thay mặt họ nhà trai mang trầu cau đến nhà gái từ việc dạm hỏi, xin lộc mệnh, chuẩn bị đồ sính lễ cho ngày cưới đến khi đón dâu về mới xong công việc.Quan làng là bên nhà gái có thể là đàn ông hoặc là một người phụ nữ đứng tuổi, cũng là người khéo ăn, khéo nói…thay mặt họ nhà gái đưa dâu đến nhà trai. Nhiệm vụ là đưa dâu đến và trao dâu cho nhà trai được suôn xẻ và sau mọi việc xong suôi trước khi ra về phải hát bài Slắng lùa (Dặn dâu), đó là lời nhắn nhủ lúc chia tay.”

Hát Quan làng- nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Tày - Anh 3

Đoàn đón dâu trở về nhà sau khi đã thực hiện các thủ tục bên nhà gái và được nhà gái chấp nhận

Trong mỗi lời hát quan làng đều mang tính giáo dục truyền thống cao, răn dạy việc ứng xử giữa nàng dâu với chồng và bên nhà chồng, chàng rể ứng xử với vợ và bên nhà vợ. Xét về mặt văn hóa, ngôn ngữ và tri thức ứng xử thì quan làng phải là người thông minh, khéo ứng xử, giàu tri thức và am hiểu phong tục tập quán của dân tộc mình. Vì vậy, trước khi thực hiện đám cưới, nhà trai - nhà gái hết sức cẩn trọng trong việc tìm quan làng để đón dâu, đưa dâu cũng hết sức cẩn trọng trong việc lựa chọn người để đón, đưa cô dâu về nhà chồng.

Trong một đám cưới truyền thống của người dân tộc Tày, hát quan làng thường được chia làm 3 cung đoạn: Đón (nhà trai đến xin dâu), nộp (trong lúc nhà gái nộp dâu), đưa (nhà trai đưa dâu về). Mỗi bài hát đều mang ý tứ, ứng xử của cả hai bên gia đình trai gái.

Những làn điệu hát Quan làng chứa đựng nhiều nội dung tư tưởng, nghi lễ cưới hỏi, tình yêu đôi lứa, đề cao giá trị đạo đức lối sống, thể hịên tính nhân văn cao cả. Đây chính là nguồn động viên sâu sắc, là sức mạnh tinh thần giúp cho từng cá nhân trong cộng đồng dân tộc Tày vươn tới những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống. 

Lời hát Quan làng được truyền miệng từ đời này sang đời khác nhưng cũng có những câu hát phải ứng tác kịp thời, do đó những người được gọi để hát quan làng trong đám cưới phải là những người thông minh, khéo léo trong ứng xử, giàu tri thức và thực sự am hiểu sâu sắc về phong tục tập quán của dân tộc Tày. Người dẫn đầu đoàn nhà trai và giao tiếp với nhà gái bằng lời hát của mình trước khi vào đón dâu. Tiếng hát cất lên cũng là lúc mọi người tham dự đám cưới bị cuốn hút vào cuộc, những điệu hát trầm bổng có ý nghĩa dăn dạy con cháu, nhớ đến công ơn sinh thành của cha mẹ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, đã tạo nên một không khí vui vẻ cho gia đình, dòng họ và cả bản làng.

Hát Quan làng- nét đẹp văn hóa trong lễ cưới của người Tày - Anh 4

Cô dâu bước chân lên cầu thang nhà chồng

Bà Nguyễn Thị Túc, Trưởng phòng VH&TT huyện Quang Bình cho biết, "Ngày 10.11.2023, Bộ VHTTDL đã có Quyết định công nhận hát Quan làng (hát văn) của người Tày huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để tiếp tục duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản hát Quan làng, trong thời gian tới cần tuyên truyền, vận động để cộng đồng các dân tộc nói chung và cộng đồng người Tày nói riêng có nhận thức mới về giá trị di sản mà họ đang nắm giữ và thực hành.

Niềm tự hào, nhận thức này có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hóa, bởi nó là chất xúc tác để cộng đồng chủ động, tự nguyện bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong đời sống. Trên tinh thần ấy, cộng đồng và các nghệ nhân chủ thể văn hóa đang nắm giữ và thực hành di sản sẽ tích cực bảo vệ di sản bằng sự tâm huyết, khao khát truyền dạy di sản cho thế hệ sau".

MAI THỊ YẾN

Ý kiến bạn đọc