Về Điện Biên vui Tết cổ truyền Khù Sự Chà với người Hà Nhì

VHO - Tết cổ truyền Khù Sự Chà dân tộc Hà Nhì ở Điện Biên là lễ hội đặc trưng, tiêu biểu mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Hà Nhì. Tết thường diễn ra trong ba ngày, đây là dịp mọi người về đoàn tụ với gia đình, cùng uống rượu và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa, đây là dịp trai gái vui xuân, tìm kiếm bạn đời.

Ve Dien Bien vui Tet co truyen Khu Su Cha voi nguoi Ha Nhi - Anh 1

Các gia đình trong bản chuẩn bị đồ lễ dâng cúng tổ tiên

Tết cổ truyền Khù Sự Chà của người Hà Nhì được lưu truyền qua bao đời nay góp phần tô đậm thêm tình đoàn kết trong cộng đồng, đồng thời đây là dịp để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà tổ tiên, đất trời đã phù hộ cho mùa màng bội thu, con cháu có sức khỏe dồi dào, cuộc sống bình yên qua đó tạo khí thế và hy vọng vào năm tới cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn.

Ve Dien Bien vui Tet co truyen Khu Su Cha voi nguoi Ha Nhi - Anh 2

Mâm cúng được đặt trước bàn thờ tổ tiên của người Hà Nhì trên đầu giường trong gian ngủ của chủ nhà

Ve Dien Bien vui Tet co truyen Khu Su Cha voi nguoi Ha Nhi - Anh 3

Theo truyền thống, người Hà Nhì tổ chức ăn Tết cổ truyền Khù Sự Chà giữa tháng 11 âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán 2 tháng. Để đón Tết cổ truyền, theo truyền thống của dân tộc Hà Nhì các gia đình trong bản thường chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ lễ dâng cúng tổ tiên. Bánh trôi là lễ vật được dâng cúng đầu tiên trong lễ Tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, rượu có thể được nấu từ ngô, sắn, gạo là đồ cúng không thể thiếu trong các nghi lễ của người Hà Nhì. Bát nước chè được dùng trong lễ cúng với ý nghĩa mời khách, mời các vị thần linh. Bát nước trắng, là nước lã lấy ở mó hoặc khe suối với ý nghĩa rửa trôi những thứ xấu của năm cũ. Lợn là con vật nuôi chủ yếu được làm thực phẩm và vật hiến tế.

Ve Dien Bien vui Tet co truyen Khu Su Cha voi nguoi Ha Nhi - Anh 4

Trong ngày Tết, thịt lợn dâng cúng tổ tiên là lễ vật bắt buộc các gia đình phải có

Trong ngày Tết đầu tiên, từ sáng sớm, các gia đình làm bánh trôi để cúng mời tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu. Người Hà Nhì quan niệm rằng, tổ tiên là các đấng bề trên đáng kính, bánh làm lễ vật dâng cúng phải to hơn bánh thường thì mới thể hiện tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên.

Mâm cúng được đặt trước bàn thờ tổ tiên, chủ nhà là nam giới là người chịu trách nhiệm thực hiện các nghi lễ cúng. Sau lễ cúng bánh trôi, các thành viên trong gia đình mới được ăn bánh, tiếp đó gia đình sẽ tiến hành mổ lợn, thịt lợn này vừa để làm lễ vật cúng mời tổ tiên vừa làm thực phẩm ăn trong những ngày Tết và đãi khách.

Ve Dien Bien vui Tet co truyen Khu Su Cha voi nguoi Ha Nhi - Anh 5

Trang phục truyền thống luôn rực rỡ sắc mầu, tạo không khí vui tươi trong ngày Tết 

Trước khi mổ lợn phải lấy ra một bát nước trắng thả vào bát một ít gạo, chủ nhà cầm bát nước nói: “Năm nay gia đình mổ lợn nhỏ, sang năm sẽ mổ lợn to hơn, giết một con sang năm sẽ phát triển hơn nhiều nữa, năm nay mổ lợn nhỏ, không mổ lợn giống nuôi.”

Sau lời cúng, chủ nhà tay cầm bát nước đổ lên phần cổ của con lợn để thể hiện sự sạch sẽ khi làm đồ lễ dâng cúng tổ tiên, bát nước đó khi đổ đi cũng là mong muốn những điều không may mắn của năm cũ sẽ qua đi và một năm mới bắt đầu sẽ tốt đẹp hơn.

Ve Dien Bien vui Tet co truyen Khu Su Cha voi nguoi Ha Nhi - Anh 6

Các cô gái Hà Nhì chuẩn bị những món ẩm thực truyền thống trong ngày Tết

Khi mổ lợn đón Tết, người Hà Nhì thường bói gan lợn nếu gan lợn lành lặn, màu sắc tươi thì tốt, mật lợn phải căng đầy thì năm đó chăn nuôi mới phát triển, anh em con cháu sẽ vui vẻ thuận hòa. Người Hà Nhì sống cởi mở hòa đồng và rất coi trọng tình cảm, vì vậy, vào những ngàytết ngoài người thân, anh em trong họ, trong bản thì có rất nhiều người ở vùng khác cũng được các gia đình mời đến ăn Tết.

Chủ nhà mặc trang phục truyền thống, đầu đội khăn đen đứng trước mâm cúng đặt trước bàn thờ tổ tiên bắt đầu cúng: Hôm nay là năm mới mời tổ tiên ăn Tết, năm mới đã đến, đồ lễ vật con các cháu chưa ăn trước, cúng mời tổ tiên ăn trước, ông bà tổ tiên hôm nay đi đâu hôm nay cũng mời về tập trung ăn năm mới, năm mới từ hôm nay trở đi, cầu mong tổ tiên phù hộ cho con người, gia súc, gia cầm mạnh khỏe, mùa màng tươi tốt hơn nhiều so với năm cũ.

Ve Dien Bien vui Tet co truyen Khu Su Cha voi nguoi Ha Nhi - Anh 7

Những điệu múa truyền thống luôn được bảo tồn và trình diễn

Tiếp đó, chủ nhà lấy tay bốc một ít đồ lễ trên mâm cúng bỏ xuống đầu giường, họ quan niệm rằng đó là gắp thức ăn mời tổ tiên ăn, thể hiện sự sự tôn trọng của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Phần cúng kết thúc tất cả mọi người trong gia đình sẽ tập trung trước bàn thờ tổ tiên để lậy chào tổ tiên, chủ nhà sẽ là người lậy tổ tiên trước 3 lần, sau đó lần lượt vợ chủ nhà và các con cháu cùng quỳ lậy 3 lần. Đây là nghi lễ cúng tổ tiên cuối cùng trong ngày Tết truyền thống của người Hà Nhì.

Ve Dien Bien vui Tet co truyen Khu Su Cha voi nguoi Ha Nhi - Anh 8

Nam nữ thanh niên thì hòa mình trong các điệu múa truyền thống

Đến ngày Tết thứ hai, sáng sớm các gia đình tổ chức giã bánh dày, để ăn trong những ngày tết, ngoài ra đây còn là những phần quà để biếu những người khách ở xa đến chơi khi về, qua đó thấy được sự hiếu khách, nhiệt tình của đồng bào Hà Nhì, tất cả tạo nên bức tranh nhộn nhịp vui tươi đầy màu sắc.

Ve Dien Bien vui Tet co truyen Khu Su Cha voi nguoi Ha Nhi - Anh 9

Những canh hát trao duyên, điệu múa truyền thống làm đắm lòng du khách

Bước sang ngày Tết thứ ba, các gia đình vẫn còn nhộn nhịp khách ra vào chúc Tết, không khí vui không hề giảm, những canh hát trao duyên, những điệu múa còn chưa đến hồi kết. Khi đêm về khuya, các hoạt động vui chơi mới thưa dần, mọi người trở về nhà nghỉ ngơi sau những ngày đón Tết, họ không quên hẹn hò nhau đến tết sau lại cùng vui hát múa.

Tết cổ truyền Khù Sự Chà của người Hà Nhì ở Điện Biên là nghi lễ văn hóa tín ngưỡng truyền thống độc đáo cần được bảo tồn, phát huy trong đời sống gắn với phát triển du lịch. Cùng với các hoạt động văn nghệ thể thao, trò chơi dân gian Tết cổ truyền Khù Sự Chà tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi, tăng cường sự giao lưu, kết nối văn hóa giữa dân tộc Hà Nhì với cộng đồng các dân tộc và du khách gần xa.

VY OANH; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc