Lễ đuổi ma hoả “Nhé khố sinh” phong tục tốt đẹp của người Bố Y

QUANG MƯỜI- VY OANH; ảnh: T.TRỌNG

VHO - Lễ đuổi ma hoả “Nhé khố sinh” dân tộc Bố Y ở Mường Khương (Lào Cai) mang ý nghĩa phòng chống cháy, chống khô hạn, quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sự sống của con người.

Le duoi ma hoa “Nhe kho sinh” phong tuc tot dep cua nguoi Bo Y - Anh 1

Lễ đuổi ma hoả “Nhé khố sinh” là phong tục truyền thống tốt đẹp của người Bố Y

Người Bố Y ở Lào Cai có dân số dưới 2 nghìn người, cư trú chủ yếu ở một số xã Thanh Bình, Mường Khương, Tung Chung Phố, Nậm Chảy của huyện Mường Khương. Tuy dân số không đông và sống đan xen với các dân tộc khác, nhưng người Bố Y vẫn giữ được những giá trị văn hoá truyền thống độc đáo.

Lễ đuổi ma hoả “Nhé khố sinh” là nghi thức sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng lâu đời của người Bố Y ở Mường Khương gắn liền với tập quán tín ngưỡng, lễ tết và canh tác nông nghiệp tại các bản làng người Bố Y sinh sống. 

Le duoi ma hoa “Nhe kho sinh” phong tuc tot dep cua nguoi Bo Y - Anh 2

Người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh làng bản chuẩn bị lễ vật để tiến hành nghi thức Lễ đuổi ma hoả “Nhé khố sinh”

Theo truyền thống, vào ngày 2.2 và 1.8 âm lịch hàng năm, người Bố Y làm lễ đuổi ma hoả “Nhé khố sinh” với ý nghĩa đoàn kết cộng đồng, đuổi cái hanh khô, cái xấu xa ra khỏi bản làng, bảo vệ sự bình yên cho con người. Ngày trâu thần dẫn con người tìm đến nơi ở mới chính là ngày 8.4 âm lịch, mà ngày nay người Bố Y tổ chức tạ ơn trâu “Sử giề pà” được coi là tết lớn nhất trong năm. Lễ mang yếu tố tâm linh huyền bí được chuyển tải thông qua hoạt động trình diễn hàng loạt các mảng trò hấp dẫn, hàm chứa những yếu tố nghệ thuật dân gian.

Người Bố Y quan niệm mỗi năm vào dịp này các vị thần tốt như thần rừng, thần suối, thành hoàng, thổ công sẽ về trợ giúp cho dân bản lĩnh vực mình cai quản trước sự chứng kiến và công nhận của Ngọc Hoàng. Thầy cúng sẽ đại diện dân làng sẽ chuyển tải thông điệp đến Ngọc Hoàng và các vị thần. Các lễ vật dân bản chuẩn bị để thầy cúng hành lễ dâng lên thánh thần đều hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, cầu an cho người sống, cầu siêu cho những người đã khuất và cầu được sự che chở, ban phát bình yên từ các vị thần.

Le duoi ma hoa “Nhe kho sinh” phong tuc tot dep cua nguoi Bo Y - Anh 3

Le duoi ma hoa “Nhe kho sinh” phong tuc tot dep cua nguoi Bo Y - Anh 4

Le duoi ma hoa “Nhe kho sinh” phong tuc tot dep cua nguoi Bo Y - Anh 5

Thầy cúng làm lễ mời Ngọc Hoàng ban cho sức mạnh để tiến hành nghi thức Lễ đuổi ma hoả “Nhé khố sinh”

Từ sáng sớm già làng, trưởng bản cùng đại diện mỗi hộ gia đình một người tham gia dọn dẹp vệ sinh làng bản, khơi trong nguồn nước, chuẩn bị lễ vật để tiến hành các nghi thức cúng đuổi ma làng “Nhé khố sinh”. Lễ vật chính là đôi gà trống màu đỏ, trắng và con chó lông đen cùng với tiền vàng, hương rượu, thuyền rồng với hình nhân nộm rơm. 

Nơi đầu bản, đầu nguồn nước được coi là vị trí cao nhất, sạch nhất và linh thiêng nhất, người Bố Y chọn để đặt miếu thờ thần từ khi lập bản. Dọn dẹp làng bản, khơi trong mạch nước đầu nguồn xong; thầy cúng, phụ cúng, dân bản chuẩn đem lễ vật đến miếu và hành lễ vào đầu giờ thìn, với người Bố Y giờ thìn được coi là giờ thiêng, giờ mà thầy cúng có thể thông ngôn được với các vị thần tốt, chuyển tải mong muốn của dân bản và dễ được các thần tiếp nhận, hỗ trợ.

Le duoi ma hoa “Nhe kho sinh” phong tuc tot dep cua nguoi Bo Y - Anh 6

Sau phần khai quang mũ áo, tiếng tù và nổi lên như một biểu tượng thông ngôn đầu tiên với các vị thần, thầy cúng hành lễ mời Ngọc Hoàng trên trời cao về ban cho sức mạnh để hành sự. Từng động tác của thầy cúng như là sự mô tả chặng đường thầy cúng đi qua để ngênh đón các vị thần tốt về ngôi miếu tận hưởng lễ vật, tiền vàng dân làng dâng lên, đồng thời cầu các thần ban phép quyền để phù trợ cho thầy làm việc; mỗi lời trong bài cúng là sự thỉnh cầu, trình bày, diễn giải với thần thánh lý do dân làng thực hành nghi lễ.

Le duoi ma hoa “Nhe kho sinh” phong tuc tot dep cua nguoi Bo Y - Anh 7

Thầy cúng dẫn đoàn tùy tùng đi đến tất cả các đường làng, ngõ xóm, từng gia đình để đuổi cái xấu

Sau phần cúng tại miếu báo với Thổ công bản, Thành Hoàng làng thầy cúng cầm kiếm pháp dẫn đoàn tuỳ tùng đi đến tất cả các đường làng, ngõ xóm, từng gia đình để bắt ma, quét ma thu lượm vào chiếc thuyền do hai hình nhân trấn giữ. Người Bố Y quan niệm những thứ không tốt đều được coi là ma xấu cần phải thu hồi, bắt giữ, đưa ra khỏi bản.

Khi trống chiêng nổi lên, đôi gà vung tròn như quét ma xấu, thầy cúng chỉ kiếm hướng về phía trước như mệnh lệnh ra quân quét kẻ thù, tiếng hô hào như đoàn quân rượt đuổi cái xấu. Đến mỗi ngã ba thầy cúng lại làm động tác múa kiếm chém ma thu hồi nhốt vào thuyền giấy, rồi tiếp tục đi đến mỗi gia đình trong làng.

Sau khi tìm hết các ngõ ngách để bắt ma thu vào thuyền, đoàn tuỳ tùng đi ra, thầy cùng đổ bát nước phép và úp chiếc bát để ngăn cửa không cho ma xấu quay lại. Tiếp đó, tất cả các nhà trong bản sẽ tiến thẳng ra phía hạ nguồn con suối cuối bản, thầy cúng sẽ đốt thuyền bắt ma để đưa ma xấu nhốt vào 18 tầng địa ngục nhằm bảo vệ sự bình yên cho dân làng.

Le duoi ma hoa “Nhe kho sinh” phong tuc tot dep cua nguoi Bo Y - Anh 8

Kết thúc, lễ vật sẽ được nấu nướng tại điểm cuối làng, mọi người ăn uống và chơi các trò chơi, chúc tụng nhau một năm được bình an. Lúc này già làng sẽ nhắc lại những quy ước bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ sự sống của con người. 

Le duoi ma hoa “Nhe kho sinh” phong tuc tot dep cua nguoi Bo Y - Anh 9

Từng tốp nam nữ hát đối đáp mừng vui bản làng đã sạch sẽ, ca ngợi cảnh đẹp quê hương, ca ngợi dòng suối, cánh rừng… Những lời ca, điệu múa, tiếng nhạc tạo nên sắc màu văn hoá đa dạng góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc, là động lực để bà con ý thức, trách nhiệm giữ gìn môi trường sinh thái, đặc biệt là môi trường văn hoá tâm linh lành mạnh giúp cho mỗi người dân Bố Y tự tin hơn trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, từng bước xây dựng thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách gần xa.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc