Dấu ấn nổi bật sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX

VHO - Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Dấu ấn nổi bật sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX - Anh 1

Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước; tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỉ  đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và các tỉnh duyên hải miền Trung. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP chuyển dịch theo hướng tích cực; tỉ  trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,3% năm 2020 xuống còn 13,8% năm 2023; ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 41,8% lên 48,4%; ngành dịch vụ chiếm 31,8% và thuế sản phẩm chiếm 6,0%.

Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản có tốc độ tăng trưởng cao và khá toàn diện, giữ vai trò nền tảng cho sự ổn định kinh tế xã hội. Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 3,85%, cao hơn mục tiêu 3% mà Nghị quyết đã đề ra; sản lượng lương thực bình quân hằng năm đạt 1,59 triệu tấn, đạt mục tiêu Nghị quyết.  Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 802 hợp tác xã, 891 trang trại và 1.192 tổ hợp tác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Mối liên kết giữa doanh nghiệp và hộ sản xuất theo chuỗi giá trị tiếp tục phát triển; việc ứng dụng, chuyển giao, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp được quan tâm thực hiện; cơ giới hóa, thủy lợi hóa nông nghiệp được đẩy mạnh. 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đạt kết quả tích cực. Ước đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (đạt tỉ  lệ 48,15%), có 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 78,1%), 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có 407 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, 1 sản phẩm OCOP 5 sao.

Tăng trưởng ngành xây dựng bình quân hằng năm ước đạt 10,11%. Công tác quy hoạch được đặc biệt quan tâm. Thanh Hóa là tỉnh thứ tư trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở ra tầm nhìn, không gian, động lực mới cho sự phát triển của tỉnh nói chung và thành phố Thanh Hóa nói riêng. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2023 ước đạt 38%, tăng 3% so với đầu nhiệm kỳ.

Các ngành dịch vụ mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, song đã phục hồi nhanh, trong đó một số ngành phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 7,95%/năm. Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ bình quân giai đoạn 2021 - 2023 tăng 13,5%/năm. Hoạt động xuất khẩu hàng hóa tuy gặp khó khăn do sức tiêu thụ ở một số thị trường truyền thống giảm; song các doanh nghiệp đã khai thác tốt lợi thế của tỉnh và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu, nên tăng trưởng giá trị xuất khẩu vẫn ở mức khá, bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 đạt 11,6%; giá trị xuất khẩu năm 2023 ước đạt 5,1 tỉ  USD, gấp 1,39 lần năm 2020. Toàn tỉnh hiện có 189 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với 55 chủng loại hàng hóa, sang 53 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hoạt động du lịch giảm mạnh trong năm 2021, song đã có sự phục hồi nhanh và tăng trưởng mạnh trở lại trong năm 2022 và 2023; nhiều chương trình kích cầu, các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch được triển khai thực hiện; hạ tầng các khu, điểm du lịch được quan tâm đầu tư, nâng cấp, chất lượng dịch vụ được nâng lên, các sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng. Tổng lượng khách du lịch giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 26,5 triệu lượt khách, tăng bình quân 17,8%/năm; tổng thu du lịch ước đạt 49.266 tỉ  đồng, tăng bình quân 32,5%/năm.

Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng mạnh, tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm, từ 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỉ  đồng, vượt dự toán Trung ương giao hằng năm; trong đó năm 2022 đạt 51.173 tỉ  đồng, cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 9 cả nước. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt trên 409.000 tỉ  đồng, bằng 54,6% mục tiêu của cả giai đoạn, gấp 1,25 lần giai đoạn 2016 - 2018. Đáng chú ý là cơ cấu vốn đầu tư chuyển dịch theo hướng giảm tỉ  trọng vốn đầu tư Nhà nước, tăng tỉ  trọng vốn đầu tư ngoài Nhà nước. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh thu hút được 170 dự án đầu tư trực tiếp, trong đó có 22 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 33.676 tỉ  đồng và 214 triệu USD. Lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 143 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 14,7 tỉ  USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Các chỉ số về cải cách hành chính của tỉnh có bước cải thiện rõ rệt; chỉ số PAPI năm 2022 xếp thứ 3 cả nước, chỉ số PAR INDEX xếp thứ 10 cả nước, chỉ số SIPAS xếp thứ 5 cả nước, tăng 19 bậc so với năm 2021. Công tác phát triển doanh nghiệp được quan tâm. Giai đoạn 2021 - 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 10.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đạt 71,3% mục tiêu Nghị quyết, đứng thứ 7 cả nước, với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 112.000 tỉ  đồng. Ước hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh có khoảng 21.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt 5,6 doanh nghiệp/1.000 dân.

Cùng với những dấu ấn nổi bật trong bức tranh tăng trưởng kinh tế; các hoạt động văn hóa - xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Tỉnh đã chủ động dự báo, phân tích, đánh giá sát, đúng tình hình, thực hiện quyết liệt các phương án, kịch bản, biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 phù hợp với từng thời điểm, từng địa bàn, lĩnh vực, vì vậy tỉ  lệ số ca mắc và tử vong do Covid-19 thuộc nhóm thấp nhất cả nước. Hoạt động văn hóa, thông tin được đẩy mạnh; giáo dục mũi nhọn, thể thao thành tích cao luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước. Công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được tăng cường, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai thực hiện chủ trương hỗ trợ đồng bào sinh sống ở vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất và lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn; cấp đất, hỗ trợ làm nhà và tạo sinh kế cho đồng bào sinh sống trên sông lên bờ để ổn định cuộc sống. Công tác giảm nghèo đạt kết quả quan trọng, tỉ  lệ hộ nghèo ước đến hết năm 2023 chỉ còn 3,97%. Chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế và liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố bạn được tăng cường.

Những kết quả đó, tiếp tục nhân lên niềm tin và khát vọng, tạo ra khí thế mới, động lực mới để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa thực hiện thành công các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020 - 2025, đưa Thanh Hóa phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong giai đoạn tới. Để sớm hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025 đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc, trong thời gian tới, Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, các nghị quyết, kết luận, cơ chế, chính sách mới ban hành. Triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội, tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế phía Bắc Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.

NGUYỄN LINH

Ý kiến bạn đọc