Kịp thời cứu sống một học sinh tiểu học ăn lá ngón tự tử

VHO -Do mâu thuẫn gia đình bố mẹ cãi nhau, một học sinh trên địa bàn xã biên giới Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) đã ăn lá ngón tự tử.

Ngày 8.11, Bộ đội Biên phòng Tri Lễ (huyện Quế Phong, Nghệ An) cho biết đã kết hợp với trung tâm y tế đã kịp thời cấp cứu, cứu sống một học sinh 11 tuổi đã ăn lá ngón để tự tử do mâu thuẫn với gia đình. Hiện sức khỏe của em R. đang có chiều hướng tiến triển tốt, dần hồi phục.
Trước đó, ngày 7.11, em Thò Y R đang là học sinh tiểu học, cư trú tại bản Pà Khốm, xã Tri Lễ, huyện Quế Phong đi học ở nội trú tại trường. Nhân dịp em R về thăm nhà gặp bố mẹ xảy ra mâu thuẫn cãi nhau nên ăn cơm xong thì ăn một ít lá ngón, sau đó lấy một nắm lá ngón bỏ vào cặp đưa đến trường để ăn tiếp. Sau khi ăn, R. được bạn cùng phòng phát hiện rồi gọi giáo viên đưa đến trạm y tế xã trong tình trạng đau bụng, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, sợ hãi. Nhận được thông tin, các y, bác  sĩ Đồn Biên phòng Tri Lễ và trạm y tế xã đã khẩn trương thực hiện các biện pháp cứu chữa cho nạn nhân. Các y bác sĩ bệnh xá đã cấp cứu rửa ruột, dùng các biện pháp trợ tim, trợ sức và truyền dịch giải độc. Sau gần 2 giờ tích cực cấp cứu bệnh nhân đã dần ổn định.

Kịp thời cứu sống một học sinh tiểu học ăn lá ngón tự tử - Anh 1

Các y, bác sĩ đã kịp thời cứu sống em Thò.Y. R.

Tại một số xã biên giới vùng cao của Nghệ An, hằng năm đều xảy ra nhiều vụ việc tử vong liên quan đến cây lá ngón. Loại cây này mọc và phát tán hoang dã trong rừng rất nhiều, nên không khó để phát hiện ra, nhất là các huyện biên giới như Kỳ Sơn, Quế Phong.  Độc tính của lá ngón là do các ancaloit chứa trong toàn bộ cây, mức độ độc giảm từ rễ, lá, hoa, quả và thân cây. Người bị ngộ độc lá ngón có các triệu chứng khát nước, đau họng, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn… sau đó bị mỏi cơ, thân nhiệt hạ, huyết áp hạ, răng cắn chặt, sùi bọt mép, đau bụng dữ dội, tim đập yếu, khó thở, đồng tử giãn và tử vong rất nhanh do ngừng hô hấp.
Nguyên nhân dẫn đến sự việc thường do bột phát và tỉ lệ tìm đến cây lá ngón của đồng bào dân tộc Mông là nhiều nhất. Ngoài những nguyên nhân khách quan như ăn nhầm, ngâm rượu nhầm rễ cây lá ngón thì cũng có muôn vàn nguyên nhân như mâu thuẫn vợ chồng không hòa giải được, buồn chuyện tình cảm, con cái xin tiền bố mẹ nhưng không cho, hoặc bị bắt về làm vợ, thậm chí là bạn bè xích mích, mâu thuẫn nhau… cũng tìm đến lá ngón để giải quyết. Sâu xa là trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, nhận thức cuộc sống chưa đầy đủ, thiếu kỹ năng sống và đời sống kinh tế gặp nhiều khó khăn. Vậy nên, khi gặp trắc trở, một số người đã tìm lá ngón như một phương thức giải quyết.
Để ngăn ngừa tình trạng ngộ độc do lá ngón, thời gian vừa qua các cấp chính quyền, đoàn thể trên địa bàn Nghệ An đã tăng cường hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân cũng như thực hiện nhổ bỏ, bài trừ cây lá ngón. Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, còn tổ chức thực hiện ký cam kết giữa các dòng họ, bản về việc không để xảy ra ngộ độc lá ngón, thường xuyên phát động việc xóa nhổ cây lá ngón. Tại xã Tri Lễ của huyện Quế Phong, chính quyền còn xem lá ngón là vấn nạn kìm hãm phát triển của địa phương nên cần phải thường xuyên họp rút kinh nghiệm, đưa vào nội dung thi đua.

                                                                                                                               PHẠM NGÂN

Ý kiến bạn đọc