Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên

VHO- Trong khuôn khổ Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, Đoàn nghệ nhân tỉnh Điện Biên đã thực hiện trình diễn trích đoạn Lễ hội, giới thiệu nghi thức văn hoá dân gian “Mền loóng phạt ái” -Tết hoa Mào gà dân tộc Cống bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.

Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên - Anh 1

Đoàn nghệ nhân dân tộc Cống ở Điện Biên trình diễn trích đoạn Lễ hội, giới thiệu nghi thức văn hoá dân gian tại Ngày hội

Theo truyền thống, vào dịp tháng 9,10 âm lịch hàng năm, khi vụ mùa đã xong đồng bào dân tộc Cống ở bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên lại rộn rã tổ chức lễ hội truyền thống “Mền loóng phạt ái”- Tết hoa Mào gà.

Đây là tết cổ truyền, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, tín ngưỡng đa thần của đồng bào dân tộc Cống với ý nghĩa rất đặc biệt mỗi dịp tết đến xuân về. 

Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên - Anh 2

Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên - Anh 3

Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên - Anh 4

Theo quan niệm của đồng bào dân tộc Cống, hoa mào gà còn là cầu nối tâm linh giữa các thành viên trong gia đình và những người đã khuất. Chính vì vậy, khi công việc thu hoạch mùa màng đã xong, đồng bào dân tộc Cống lại háo hức, tất bật chuẩn bị lễ vật cần thiết cho Tết hoa Mào gà. Bà con dân tộc Cống quan niệm, nếu Tết hoa Mào gà chưa được tổ chức thì chưa ai được phép đi phát nương, rẫy, đào củ mài và vui chơi ca hát.

Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên - Anh 5

Lễ hội là dịp để đồng bào thực hành nhiều tín ngưỡng quan trọng, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong gia đình, cố kết cộng đồng xã hội. Đồng thời cũng là dịp gửi gắm những ước nguyện về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc thông qua những lời cầu khẩn của thầy mot hay mặt cho các gia đình trong bản, mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, tổ tiên trong văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Cống. Với những giá trị truyền thống độc đáo, Tết hoa Mào gà đã được Bộ VHTTDL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2019.

Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên - Anh 6

Đến với Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu, Đoàn nghệ nhân dân tộc Cống tỉnh Điện Biên đem đến phần trình diễn nhiều cảm xúc sâu sắc, được chuẩn bị chu đáo, công phu với những trang phục, đạo cụ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Qua đó, không chỉ giới thiệu nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc Cống nói riêng và đồng bào các dân tộc tỉnh Điện Biên nói chung tới người dân, du khách, mà còn giáo dục các thế hệ sau biết gìn giữ, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc mình, đóng góp thêm vào kho tàng di sản văn hóa truyền thống.

Tết hoa Mào gà được tiến hành phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, các gia đình sẽ tự tổ chức cúng tại nhà, nhà thầy mo sẽ là gia đình cúng cuối cùng trong bản. Kết thúc lễ cúng của gia đình, thầy mo sẽ đại diện dân bản cúng chung cho cả bản, cầu mong một năm mới thuận lợi, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, người dân trong bản làm ăn tốt, không ốm đau, bệnh tật.

Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên - Anh 7

Khi cúng lễ chung cho cả bản gần xong, đội văn nghệ của bản sẽ nhảy múa, hát ca trong tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng. Vừa hát múa, họ vừa ném những hạt thóc, hạt ngô giống ra không gian xung quanh với mong ước bản làng sang một năm mới vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt nảy nở như trận mưa hạt giống.

Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên - Anh 8

Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống ở Điện Biên - Anh 9

 Không gian giới thiệu văn hóa dân tộc Cống tỉnh Điện Biên tại Ngày hội

Sau khi kết thúc phần lễ, phần hội sẽ diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ cùng các trò chơi truyền thống như: đánh cù, kéo co, đi cà kheo, bắn nỏ, sau đó là vòng xòe truyền thống thúc đẩy sự đoàn kết, gắn bó của các thành viên trong cộng đồng dân tộc Cống.

H.MẠNH; ảnh: H.THU

Ý kiến bạn đọc