Đầu tư xanh để du lịch Phú Yên phát triển

VHO - Trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực đẩy nhanh phục hồi sau đại dịch Covid-19, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) lựa chọn chủ đề Ngày Du lịch Thế giới 2023 là “Du lịch và Đầu tư xanh” nhằm kêu gọi tăng cường đầu tư cho du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong tình hình mới.

Phát triển du lịch Phú Yên theo hướng hội nhập, chất lượng, bền vững; xây dựng thương hiệu “Du lịch Phú Yên” là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện, là một trong những mắt xích quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ… của địa phương này.

Du lịch xanh miền núi hút khách

Thời gian qua, một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách đến Phú Yên chính là cao nguyên Vân Hòa, gồm các xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân (huyện Sơn Hòa) và một phần huyện Tuy An. Vùng đất đỏ bazan này được hình thành do quá trình phun trào núi lửa có độ cao trung bình 400m so với mực nước biển, tạo nên tiểu vùng khí hậu ôn hòa.

Với lợi thế khí hậu mát mẻ quanh năm và hệ thống di tích lịch sử phong phú, nơi đây đang hình thành các nhà vườn, khu du lịch nghỉ dưỡng, trang trại trồng rau màu, cây công nghiệp phục vụ sản xuất kết hợp du lịch.

Đầu tư xanh để du lịch Phú Yên phát triển - Anh 1

Vườn cây đỏ, cao nguyên Vân Hòa hút khách đến tham quan, trải nghiệm

Tuyến du lịch cao nguyên Vân Hòa đang được tỉnh Phú Yên đầu tư, hình thành và phát triển nhiều điểm đến như: các vườn đỏ ở xã Sơn Xuân; quần thể căn cứ địa cách mạng của tỉnh Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trong đó, Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định) và địa đạo Gò Thì Thùng (xã An Xuân, huyện Tuy An), là hai di tích cấp quốc gia cũng là điểm nhấn của tuyến du lịch. Bên cạnh đó, huyện miền núi Sông Hinh là điểm du lịch thác Jrai Tang (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) cũng thu hút khá nhiều khách. 

Tại “tâm điểm” là xã Sơn Xuân, có những vườn đỏ trái sai chi chít, lạ mắt. Vẻ đẹp của những chùm trái đỏ dày đặc từ thân cây, cành nhánh khiến du khách thích thú. Kết hợp với tham quan, check-in, các nhà vườn giới thiệu đến du khách rượu ngâm trái đỏ, những bữa cơm quê dân dã, đặc trưng của vùng miền núi: cơm lúa rẫy, gà kho mắm thơm, muối ớt, rau rừng, canh bông giề cá suối…

“Từ xa đến, chúng tôi ngạc nhiên trước vẻ đẹp của vườn đỏ lẫn không khí nơi đây thật mát mẻ, trong lành. Đó là chưa kể, vẻ trò chuyện thân thiện, mến khách của người dân nơi đây”, chị Trần Thị Hồng, du khách đến từ TP.Hồ Chí Minh chia sẻ.

Theo khảo sát thị trường về nhu cầu du lịch của du khách do Q&Me - dịch vụ nghiên cứu thị trường Việt Nam công bố, xu hướng của khách du lịch phần lớn tìm đến thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa bản địa.

Xây dựng thương hiệu điểm đến xanh

Đối với Việt Nam, phát triển bền vững, phát triển xanh luôn là một định hướng quan trọng trong các chiến lược, đề án của ngành Du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 định hướng: “Phát triển du lịch xanh, gắn hoạt động du lịch với gìn giữ, phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường”.

Đối với vấn đề xây dựng thương hiệu điểm đến xanh, bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTTDL Phú Yên cho biết: Đối với Phú Yên, chủ trương, định hướng phát triển du lịch xanh cũng được thể hiện trong nghị quyết phát triển du lịch của tỉnh. Minh chứng, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động 09-CTr/TU về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030.

Trong đó, khẳng định mục tiêu: Phát triển du lịch Phú Yên theo hướng hội nhập, chất lượng, bền vững; xây dựng thương hiệu Du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện, là một trong những mắt xích quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng duyên hải Nam Trung Bộ…

Đầu tư xanh để du lịch Phú Yên phát triển - Anh 2

Di tích quốc gia đặc biệt Gành Đá Đĩa, là địa danh nổi tiếng của Phú Yên

Theo bà Thái, Tỉnh ủy còn xây dựng và ban hành Chương trình hành động 08-CTr/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện với môi trường. Điều này cho thấy, quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ, toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường, cho mục tiêu phát triển bền vững.

Cũng theo bài Thái, để đạt mục tiêu là xây dựng thương hiệu Du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện, thời gian tới ngành Du lịch Phú Yên sẽ tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác quản lý nhà nước về du lịch; bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, tập trung xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Phú Yên giai đoạn 2024-2030, tầm nhìn đến năm 2045; ưu tiên thu hút dự án đầu tư du lịch lớn, nhà đầu tư có tiềm lực mạnh về vốn, kinh nghiệm, thị trường, hướng tới phát triển du lịch theo chiều sâu, nâng cao giá trị gia tăng và khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế tài nguyên thiên nhiên nhằm phát triển bền vững…

PHAN HIẾU

Ý kiến bạn đọc