Toạ đàm Giới trẻ làm thiện nguyện: Từ tâm hay “làm màu”?

VHO- Gần 200 sinh viên đang học tập trên địa bàn TP. Hà Nội đã tham dự Tọa đàm Giới trẻ làm thiện nguyện: Từ tâm hay “làm màu” do Quỹ Vì tầm vóc Việt (VFS) tổ chức nhằm chia sẻ và truyền cảm hứng cho sinh viên về văn hóa thiện nguyện, văn hóa chia sẻ, từ đó xây dựng một thế hệ thanh niên trách nhiệm với cộng đồng.

Toạ đàm Giới trẻ làm thiện nguyện: Từ tâm hay “làm màu”? - Anh 1

Các diễn giả tại Toạ đàm

Trong bối cảnh hiện nay giới trẻ thường xuyên cập nhật đời sống cá nhân trên các trang mạng xã hội như một cách bày tỏ quan điểm sống, trong đó có nhiều hoạt động thiện nguyện. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng làm thiện nguyện mà còn đăng lên mạng xã hội là “làm màu”. Trước vấn đề này, tại tọa đàm, biên tập viên, MC Hạnh Phúc chia sẻ quan điểm về hoạt động thiện nguyện từ tâm và hoạt động thiện nguyện để “làm màu”, cách truyền thông trong quá trình làm thiện nguyện để lan tỏa những hành động đẹp trong cộng đồng mà không bị coi là câu “like”. Theo anh, việc đăng những hình ảnh thiện nguyện lên mạng xã hội không chỉ giới hạn ở nhiều “like” mà nhiều like đó đem lại điều gì? “Nó có thể giúp tôi nổi tiếng, được nhiều người biết hơn… Nhưng quan trọng hơn cả là việc thiện nguyện đã lan toả tới nhiều người, và từ đó tiếp tục truyền cảm hứng, nhân lên những tấm lòng thiện nguyện”, MC Hạnh Phúc nói.

Là người tham gia vào nhiều chương trình thiện nguyện sau khi đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2020, Đỗ Thị Hà chia sẻ: Việc đăng hình ảnh thiện nguyện lên mạng xã hội như thế nào là không phải dễ, dễ bị dèm pha, gây ý kiến trái chiều. Trong khi mục đích đăng tải chỉ muốn để mọi người biết nhiều hơn về cuộc sống ở nơi đó, để có thêm những tấm lòng nhân ái với những hoàn cảnh, cuộc sống của ai đó. Nhưng bên cạnh những lời động viên thì sẽ có những bình luận “Đến đó chỉ quay phim chụp ảnh, làm màu… nên tôi đã từng suy nghĩ có tiếp tục đi làm và đăng tải nữa không? Nhưng tôi quyết định vẫn tiếp tục vì nếu “làm màu” mà truyền cảm hứng cho Mạnh Thường Quân khác, hay mang lại cho người khác cuộc sống tốt đẹp hơn thì tôi sẽ làm”, Hoa hậu Đỗ Thị Hà cho hay.

Hoa hậu Việt Nam năm 2020 cũng chia sẻ về vai trò của người nổi tiếng (KOL) trong việc lan tỏa các giá trị của hoạt động thiện nguyện cho giới trẻ. Cô cũng truyền cảm hứng cho các bạn trẻ trong việc tích cực tham gia thực hiện các hoạt động thiện, đặc biệt khi các tổ chức hiện nay đang có nhiều chương trình khuyến khích sự tham gia của giới trẻ trong các hoạt động xã hội. Bản thân cô cũng đã từng là sáng lập viên quỹ học bổng trao tặng các suất học bổng cho học sinh nghèo, thực hiện dự án nhân ái “Những ngôi nhà bình yên” và nhiều chương trình ý nghĩa khác.

Toạ đàm Giới trẻ làm thiện nguyện: Từ tâm hay “làm màu”? - Anh 2

Toạ đàm với sự tham gia của đông đảo sinh viên tại Hà Nội

Trong khi đó, dưới góc nhìn của đơn vị tiếp nhận, Ths.Bs Trương Tố Quyên (Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Châm cứu Trung ương) đã chia sẻ các câu chuyện khi đón tiếp các đoàn từ thiện ghé thăm, góc nhìn về điểm tích cực và cần cải thiện của các bạn trẻ khi làm thiện nguyện, đồng thời gợi ý những hành động đúng mực khi tiếp xúc với các đối tượng yếu thế như các bệnh nhi.

Liên quan đến chuyện làm màu, chị Quyên cho biết mình vốn là một bác sĩ khám bệnh, và được Ban lãnh đạo giao thêm việc tổ chức các hoạt động của bệnh viện cũng như tiếp nhận từ thiện. Khi đó chị phải xây dựng hình ảnh cá nhân, “làm màu” để lan toả các hoạt động thiện nguyện của các nhà hảo tâm và cộng đồng. Và điều đó đã mang lại những kết quả rõ ràng, nhiều đoàn thiện nguyện đến với Bệnh viện nhằm giúp đỡ những bệnh nhân nghèo, hay hoàn cảnh khó khăn…

Còn chị Nguyễn Bảo Ngọc - Viện iSEE cũng mang đến góc nhìn của người đồng hành với cộng đồng dân tộc thiểu số, những tác động tích cực và tiêu cực của hoạt độngthiện nguyện tới cộng đồng này. Ngoài ra, các khách mời và gần 200 sinh viên cũng thảo luận về động lực và nỗ lực của thanh niên trong hoạt động thiện nguyện và tạo tác động xã hội hiện nay, về cách làm thiện nguyện để không bị coi là “làm màu”. Thanh niên cũng có cơ hội được trao đổi trực tiếp và đặt câu hỏi cho cả 4 diễn giả để giải đáp những thắc mắc trong quá trình thực hiện các hoạt động cộng đồng, làm sao để cân bằng giữa việc học tập và đi làm thiện nguyện…

 Qua Tọa đàm, VSF mong muốn gợi mở cho các bạn thanh niên quan điểm đa chiều về “cho và nhận”, cũng như truyền cảm hứng để xây dựng một thế hệ trẻ tâm huyết và sẵn sàng cống hiến cho xã hội. Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi huấn luyện dành cho các bạn trẻ trong Chương trình phát triển sinh viên (DynaGen - Initiative) khóa 4 của VSF. Được thực hiện trong vòng một năm, chương trình hiện thực hóa mục tiêu kết nối, huy động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ thanh niên phát triển và phát huy tối đa tiềm năng trong quá trình học tập, tạo dựng sự nghiệp và tham gia hoạt động xã hội. Thông qua các hoạt động tập huấn, hội thảo, tọa đàm, cố vấn nghề nghiệp, kết nối mạng lưới v.v. các bạn trẻ sẽ được nâng cao các kiến thức và kỹ năng còn thiếu để trở nên năng động, nhanh nhạy và thích nghi tốt hơn trong mọi môi trường.

THẢO LAM

Ý kiến bạn đọc