Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm thiết chế văn hóa khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

VHO - Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 6, sáng 3.10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm thiết chế văn hóa khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia - Anh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Trước khi tiến hành thảo luận tại hội trường, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm trình bày Báo cáo và xem videoclip của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng, nhất quán, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công cuộc Đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Những năm qua, Cấp ủy chính quyền các cấp đã luôn quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, cùng với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của toàn dân để thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia ở giai đoạn trước đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, góp phần hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đồng thời, đây cũng là một điểm sáng trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước ta. Kế thừa và phát huy kết quả thực hiện các chương trình này, Quốc hội đã tiếp tục ban hành 3 Nghị quyết về Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện, các Chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, thiếu vững chắc, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các mục tiêu của Chương trình cũng như các mục tiêu kinh tế - xã hội, làm giảm đi giá trị, thành công của các giai đoạn trước.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm thiết chế văn hóa khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia - Anh 2

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu đề nghị cần quan tâm tới các thiết chế văn hoá

Nghị quyết số 47 năm 2022 của Quốc hội đã xác định chương trình giám sát năm 2023 quyết định lựa chọn giám sát tối cao chuyên đề này. Đây là chuyên đề cần thiết, nhằm nhận diện đầy đủ những vướng mắc, khó khăn, nguyên nhân và tháo gỡ kịp thời, giúp việc triển khai ba Chương trình mục tiêu quốc gia có hiệu quả hơn.

Đây là lần đầu tiên, Quốc hội tiến hành giám sát tổng hợp ba Chương trình mục tiêu quốc gia, được thực hiện vào giữa nhiệm kỳ, thể hiện rõ phương châm từ sớm, từ xa của Quốc hội để đồng hành cùng Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về các nội dung trọng tâm trong báo cáo giám sát, đặt biệt là về vai trò, ý nghĩa, mối quan hệ của ba Chương trình mục tiêu quốc gia của giai đoạn trước với giai đoạn này, và giữa ba Chương trình của giai đoạn này; tính phù hợp, khoa học trong việc xác định đối tượng, địa bàn, nội dung chính sách, tiêu chí, các chỉ tiêu đạt được thực chất về phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về tính phù hợp và những bất cập hạn chế của những bộ máy, tổ chức quản lý các chương trình mục tiêu; kết quả, hạn chế và nguyên nhân trong công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về ba Chương trình này; tính kịp thời, đầy đủ, rõ ràng của các văn bản hướng dẫn… cùng các vấn đề khác các đại biểu quan tâm.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, Chương trình mục tiêu quốc gia là một chủ trương đúng đắn, quan trọng được cử tri, nhân dân hưởng ứng, tán đồng. Việc kiện toàn Ban chỉ đạo chung  là cột mốc quan trọng trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện thống nhất từ trung ương tới địa phương, đạt được nhiều kết quả thiết thực, có nhiều cách làm phù hợp với từng địa phương.

Đại biểu Quốc hội đề nghị cần quan tâm thiết chế văn hóa khi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia - Anh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa theo chiều sâu

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành các tiêu chí phù hợp; giải ngân chậm, chưa thực sự bền vững và còn nặng tính thành tích. Bên cạnh đó cần quan tâm tới các thiết chế văn hóa vì hầu như các xã đều có trung tâm văn hóa cộng đồng những khai thác kém hiệu quả, thiếu trang thiết bị hoặc không biết cách sử dụng; khắc phục tình trạng tự mãn khi đã hoàn thành nông thôn mới không duy trì các tiêu chí, nâng cao đời sống người dân.

Về chương trình giảm nghèo bền vững, đại biểu cho rằng sự phối hợp giữa trung ương với các địa phương chưa chặt chẽ; thực trạng giải ngân vốn đạt thấp, dưới 50% làm ảnh hưởng tới vấn đề an ninh xã hội. Đại biểu đề nghị khắc phục các tình trạng này để góp phần giảm nghèo bền vững, tránh tái nghèo.

Tương tự, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương nhấn mạnh: Cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa theo chiều sâu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có hai tiêu chí vượt mục tiêu là tiêu chí số 14 về giáo dục đào tạo, và tiêu chí số 16 về văn hóa. Đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, mục tiêu văn hóa mới chỉ được quan tâm nhiều đến vỏ vật chất bên ngoài như xây dựng thiết chế văn hóa hoặc tính chất phong trào như số lượng các làng, khu dân cư văn hóa, chưa có sự chuyển biến rõ rệt về chất. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tích cực, hiệu quả về phát triển văn hóa theo chiều sâu, trong khi chúng ta đã xây dựng được tương đối đầy đủ các thiết chế văn hóa cần thiết từ cấp Trung ương cho đến cấp cơ sở.

TÙNG QUANG; ảnh: TRẦN HUẤN

Ý kiến bạn đọc