Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Đại biểu Quốc hội đề nghị ưu tiên nguồn lực thực hiện Chương trình tổng thể phát triển văn hóa, nới rộng cấp visa cho du khách

Thứ Năm 01/06/2023 | 10:00 GMT+7

VHO - Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 ban hành kèm thao Quyết định số 515 ngày 15.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Đồng thời xem xét tăng thời hạn cấp visa du lịch, tăng thời hạn lưu trú và cho phép nhập cảnh nhiều lần khi visa còn hiệu lực, mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử... Đó là ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở hội trường sáng nay 1.6.

Quốc hội thảo luận ở hội trường sáng 1.6

Sáng 1.6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - vănhoá, xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Theo đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023. Trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. 

Đồng thời, sáng cùng ngày, Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. 

Phát biểu thảo luận, đại biểu Âu Thị Mai (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ và các báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Theo đại biểu Âu Thị Mai, sau hơn một năm cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lĩnh vực Văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng ghi nhận

Liên quan đến phát triển văn hóa, đại biểu Âu Thị Mai cho biết, sau hơn một năm cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 có thể thấy lĩnh vực văn hóa đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 

Để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển bền vững, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Quốc hội, Chính phủ khẩn trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan trực tiếp đến lĩnh vực văn hóa, nhằm tạo hành lang pháp lý để điều chỉnh các quan hệ xã hội về văn hóa, tạo nguồn lực phát triển; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, hợp tác công tư cho phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa.

“Đồng thời kiên trì quan điểm coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Tăng mức chi ngân sách nhà nước cho văn hóa bao gồm cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp; đồng thời tôi cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cần có quy định cụ thể về mức đầu tư tối thiểu cho văn hóa từ ngân sách nhà nước bằng Nghị quyết để Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương làm cơ sở phân bổ ngân sách nhà nước từng năm và giai đoạn”, đại biểu Âu Thị Mai nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Mai cũng kiến nghị Chính phủ cần ưu tiên bố trí nguồn lực để triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt, trong đó ưu tiên nguồn lực triển khai thực hiện Chương trình tổng thể phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023-2025 ban hành kèm thao Quyết định số 515 ngày 15.5.2023 của Thủ tướng Chính phủ; quan tâm hỗ trợ kinh phí cho các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị cần xem xét tăng thời hạn cấp visa du lịch, tăng thời hạn lưu trú và cho phép nhập cảnh nhiều lần khi visa còn hiệu lực, mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử

Quan tâm đến lĩnh vực phát triển du lịch, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình) khẳng định, mặc dù trước tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng Chính phủ đã có nhiều giải pháp để phát triển Du lịch nên du khách đã quay trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ cần sớm rà soát Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, nới rộng việc cấp visa cho du khách du lịch, xác định rõ cơ chế để thúc đẩy mối quan hệ, sự đóng góp giữa khu vực công và tư cho phát triển du lịch... 

Trước hết có việc quan trọng cần phải thực hiện ngay, đó là tiếp tục mở cửa du lịch quốc tế an toàn cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi về nhập cảnh, xuất cảnh đi lại cho khách quốc tế, trong đó cần xem xét tăng thời hạn cấp visa du lịch, tăng thời hạn lưu trú và cho phép nhập cảnh nhiều lần khi visa còn hiệu lực, mở rộng diện du khách được cấp thị thực điện tử. 

Để tháo gỡ những rào cản này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị Quốc hội quan tâm cho ý kiến và thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ngay tại kỳ họp này và quy định hiệu lực có thi hành càng sớm càng tốt.

Về lâu dài, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp khá toàn diện trong Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 và Nghị quyết số 82 ngày 15.5.2003 của Chính phủ.

Theo chương trình, chiều cùng ngày, Quốc hội thảo luận ở hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022; Việc giao danh mục và mức vốn cho các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; giao, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 của chương trình mục tiêu quốc gia. Thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

TÙNG QUANG; ảnh: TRẦN HUẤN, QUỐC HỘI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top