Tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong thời kỳ mới

VHO- Các giáo sư, chuyên gia giáo dục đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết tại Toạ đàm “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 làm sao để các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, thể hiện những hành động thiết thực để tri ân thầy cô giáo, sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để không phụ công những người lái đò thầm lặng.

Tọa đàm diễn ra ngày 15.11 là hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” 2022 do TƯ Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức tại Hà Nội.  Tham dự tọa đàm có GS.TS Nhà giáo nhân dân Vũ Minh Giang - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; T.S Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam; PGS.TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa các khoa học giáo dục – Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội…

Tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong thời kỳ mới - Anh 1

Các thầy cô tại Tọa đàm "Chia sẻ cùng thầy cô"

Phát biểu tại tọa đàm, anh Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho rằng, Tọa đàm “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 là diễn đàn để các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục cùng 68 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đại diện cho đội ngũ giáo viên cả nước cùng chia sẻ câu chuyện về những khó khăn, những bài học kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy, sự tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của các thế hệ thầy và trò, những yêu thương, ân tình của thầy và trò ở mọi miền Tổ quốc trong hành trình “trồng người”. Anh mong muốn thông qua Tọa đàm lan tỏa nhiều hơn nữa về sự yêu thương, chân thành, nỗ lực dìu dắt, cảm hóa những học trò của mình trên con đường chinh phục tri thức và hoàn thiện nhân cách. “Đó sẽ là sự khơi gợi mạnh mẽ để các bạn thanh niên, sinh viên, học sinh tiếp tục phát huy truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, thể hiện những hành động thiết thực để tri ân thầy cô giáo, sẽ không ngừng phấn đấu, rèn luyện để không phụ công những người lái đò thầm lặng”, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam chia sẻ.

Theo GS.TS Vũ Minh Giang, “Tiên học lễ, hậu học văn”, dạy làm người và dạy chữ chính là hai chức năng lớn. Văn hoá là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần cho sự phát triển mà tinh hoa của nền văn hoá quốc gia chính là giáo dục, đào tạo. Do đó chúng ta có thể đi học khắp thế giới nhưng cuối cùng cái quan trọng nhất vẫn là đứng trên đôi chân của mình. Tôi mong muốn, thầy cô phải giúp học trò nhận thức chính mình, đánh giá đúng mình, tự tin biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh, thì Việt Nam mới có thể hùng cường”. GS Vũ Minh Giang khẳng định, quyền uy của người thầy nằm ở nhân cách, tình yêu thương học trò và trình độ học vấn. Chính điều đó là sợi dây bền chặt nhất kết nối tình nghĩa thầy trò.

Tiếp nối truyền thống “Tôn sư trọng đạo” trong thời kỳ mới - Anh 2

GS.TS Vũ Minh Giang phát biểu tại Tọa đàm

NGƯT, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam nhấn mạnh, nghề giáo là nghề cao quý tạo ra năng lực, nhân cách và cả tương lai cho học trò. TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra một số quan điểm, phương pháp giáo dục hiệu quả. Theo thầy, xây dựng văn hoá ứng xử của lực lượng giáo dục khi tiến hành giáo dục học sinh thì các lực lượng giáo dục phải kiên trì chấp nhận những mặt mạnh và cả những yếu kém của học sinh. Thầy cô phải khách quan việc nhìn nhận đánh giá thiếu sót của học sinh, giúp học sinh thấy rõ những cái lợi cái hại để học sinh tự lựa chọn cách ứng xử sao cho hợp chuẩn mực chung xã hội.

Trong thời đại mới, làm thế nào để gìn giữ truyền thống "tôn sư trọng đạo"?. PGS.TS Trần Thành Nam –cho rằng, cần phải hiểu rõ được vai trò của người thầy và những đáp ứng trong thời đại mới. Mặc dù, trong xã hội nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế, tinh thần doanh nhân, tinh thần khởi nghiệp... nhưng hạt mầm quan trọng nhất vẫn là nghề làm thầy. Bởi bản thân nghề giáo viên là nghề duy nhất có thể tạo ra ảnh hưởng sâu sắc ở người học. "Có nhiều người đã nói, một cuốn sách, một cây bút, một đứa trẻ và một người thầy có thể tạo nên sự thay đổi của bất cứ một nền kinh tế hay quốc gia nào. Chúng ta đang cần rất nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao, người thầy lại là người gieo hạt mầm hứng thú, đào tạo con người để phục vụ nền kinh tế yêu cầu nhiều về năng lực, phẩm chất đạo đức. Vì vậy nghề giáo không có gì quan trọng hơn thế"  PGS.TS Trần Thành Nam nói.

Tại tọa đàm, đại diện Bộ GD&ĐT, TƯ Hội LHTN Việt Nam đã lắng nghe những tâm tư, mong muốn của các giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để cùng chia sẻ, tạo môi trường thuận lợi cho họ tiếp tục cống hiến và đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục.

N.KHANG

Ý kiến bạn đọc