Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Đề xuất nhiều giải pháp để du lịch Thủ đô phát triển bứt phá

Thứ Hai 24/10/2022 | 23:23 GMT+7

VHO- Tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19” vừa được Báo Hànộimới phối hợp với Hiệp hội Du lịch Hà Nội tổ chức ngày 24.10 tại Khu du lịch Ao Vua (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới Nguyễn Thành Lợi đánh giá các ý kiến tại tọa đàm thể hiện rõ trách nhiệm, tâm huyết cũng như sự trăn trở trước những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển du lịch Thủ đô

Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Báo Hànộimới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24.10.1957 – 24.10.2022); đồng thời, thực hiện chương trình hợp tác giữa Báo Hànộimới và Hiệp hội Du lịch Hà Nội.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua Nguyễn Mạnh Thản; Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới Nguyễn Thành Lợi, đại diện các sở, ngành, địa phương, cơ quan quản lý du lịch của Hà Nội, chuyên gia kinh tế, các đơn vị lữ hành, lưu trú, điểm đến... Tọa đàm nhằm đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến du lịch Hà Nội và chia sẻ một số mô hình hoạt động hiệu quả sau đại dịch.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Hànộimới Nguyễn Thành Lợi cho biết, năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu đón và phục vụ từ 9 đến 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2 đến 2 triệu lượt khách quốc tế. Chỉ 7 tháng của năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đã đạt 10,6 triệu lượt, tăng gấp 3,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu đề ra.

Thị trường khách du lịch nội địa đang tăng trưởng mạnh mẽ và đã phục hồi hoàn toàn. Tuy nhiên, lượng khách du lịch quốc tế đến Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra. Đến nay, cả nước mới có khoảng 1,8 triệu lượt khách quốc tế (thấp hơn 85,4% so với cùng kỳ năm 2019 và mới đạt được 1/3 so với mục tiêu). Riêng Thủ đô Hà Nội, tính đến tháng 9, mới đón được khoảng 990 nghìn lượt khách quốc tế, còn cách xa mục tiêu đề ra. Ngành Du lịch nói chung và Hà Nội nói riêng đang nỗ lực nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển du lịch nội địa, thu hút khách quốc tế.

Lãnh đạo Báo Hànộimới và Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội trao đổi Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền giai đoạn 2022-2025

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết: “Qua chương trình tọa đàm, chúng tôi mong muốn nhận được nhiều tham vấn, thúc đẩy quảng bá trên các phương tiện truyền thông về các sản phẩm du lịch đã có của Hà Nội. Bên cạnh đó, góp ý cho doanh nghiệp du lịch xây dựng các sản phẩm trong tương lai; đề xuất những kiến nghị sát thực tiễn để hỗ trợ, tạo môi trường tốt nhất cho du lịch Thủ đô phát triển. Tìm giải pháp hiệu quả nâng cao giá trị điểm đến của du lịch Hà Nội thời gian tới”.

Theo ông Thản, việc Báo Hànộimới và Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội ký kết Chương trình phối hợp công tác tuyên truyền trong giai đoạn 2022-2025 sẽ mở ra rất nhiều cơ hội góp phần hỗ trợ sự phát triển của du lịch Thủ đô. Thời gian tới, ông Nguyễn Mạnh Thản hy vọng Hiệp hội sẽ tiếp tục ký hợp tác với nhiều đơn vị khác, qua đó, du lịch Thủ đô sẽ được truyền thông rộng rãi, được hỗ trợ phát triển toàn diện cả về hạ tầng, giao thông, viễn thông, văn hóa cộng đồng, văn hoá doanh nghiệp, chất lượng sản phẩm, đào tạo nhân lực…

Trao đổi tại Tọa đàm, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái cho biết: Lượng khách du lịch nội địa thời gian gần đây vượt xa dự báo. Giai đoạn này nhu cầu du lịch giống như lò xo kìm nén lâu ngày được bung ra, đặc biệt là từ dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5, lượng khách du lịch nội địa tăng mạnh. Hầu hết các điểm du lịch đều quá tải, không chỉ vào thời điểm cuối tuần hay ngày lễ, mà vào ngày thường cũng đông. Điều này đặt ra vấn đề lớn đối với các đơn vị, doanh nghiệp du lịch nếu chưa chuẩn bị sẵn sàng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ phục vụ du khách.

Từ đó, ông Thái đề xuất, để bảo đảm phục vụ khách du lịch tốt hơn, tiếp tục duy trì lượng khách nội địa, từ nay đến hết năm 2022 và sang năm 2023, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú cần có sự chuẩn bị chu đáo, khắc phục tốt tình trạng quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách và giữ uy tín, thương hiệu cho du lịch Thủ đô.

Tọa đàm “Phục hồi và phát triển du lịch Thủ đô sau đại dịch Covid-19” thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp để du lịch Thủ đô phát triển bứt phá thời gian tới

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, trong bối cảnh du lịch quốc tế tiếp tục bị ảnh hưởng mạnh do Covid-19, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung đang cho thấy là điểm đến an toàn, ứng phó tốt với những biến chuyển của dịch bệnh. Tuy nhiên, thời gian tới, du lịch nội địa vẫn là khâu đột phá để phát triển. Ngành Du lịch Hà Nội cần tiếp tục kết nối các dịch vụ du lịch, ứng phó linh hoạt với dịch bệnh...

Bên cạnh đó, Hà Nội phải phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng về hạ tầng, về văn hóa, hệ thống di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực…; đồng thời, sẵn sàng các phương án thay đổi trong hoạt động du lịch hậu Covid-19 về cả xây dựng sản phẩm, quảng bá xúc tiến, quy trình quản lý, đào tạo nguồn nhân lực... Trong đó, chú trọng tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo về văn hóa, tâm linh, lịch sử, khám phá; hay các sản phẩm du lịch gắn kết với nông nghiệp, hệ thống làng nghề, phố nghề, mua sắm; hoặc sản phẩm du lịch ban đêm.... Tăng cường liên kết với các địa phương trong vùng Thủ đô, tạo ra các chuỗi sản phẩm đặc sắc.

Ông Phong cũng cho rằng cần thay đổi tư duy trong việc phát triển du lịch kết hợp bảo vệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Cùng với đó, không thể không kể đến vai trò của các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ công tác quảng bá du lịch, điểm đến.

Làng cổ Đường Lâm đưa vào khai thác nhiều sản phẩm du lịch mới sau dịch Covid-19

Phó Trưởng phòng Quy hoạch, phát triển tài nguyên du lịch (Sở Du lịch Hà Nội) Phạm Diễm Hảo cho biết: 9 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đến Hà Nội ước đạt trên 15 triệu lượt, nhưng lượng khách quốc tế chỉ khoảng 990 nghìn lượt. Ngành Du lịch Thủ đô phải đối mặt với nhiều thách thức do Hà Nội còn chưa khai thác được sản phẩm du lịch một cách có trọng tâm, trọng điểm; chưa xây dựng được những sản phẩm độc đáo mang thương hiệu Thủ đô; một số điểm du lịch đang xuống cấp; công tác xúc tiến quảng bá chưa xứng tầm… Đặc biệt, chất lượng nguồn nhân lực của du lịch Thủ đô đang bị sụt giảm, nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt trầm trọng…

Với mục tiêu đón 1,2 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2022 và tăng thêm nữa trong thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đồng hành với các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương để khắc phục những khó khăn, tổ chức tốt nhất cho việc đón khách du lịch. Trong đó, Sở Du lịch Hà Nội sẽ cùng các đơn vị, doanh nghiệp phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, di sản, ẩm thực, làng nghề.... Sở cũng sẽ mở lớp tập huấn cho nhân lực du lịch địa phương để nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế. Rà soát các cơ sở lưu trú hiện tại bị xuống cấp để hỗ trợ các đơn vị có động lực tiếp tục nâng cao chất lượng và xây dựng sản phẩm mới. Bên cạnh đó, Sở tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá du lịch trên các nền tảng báo chí, mạng xã hội trong nước và quốc tế…

Hà Nội nên chú trọng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với nông thôn mới trong thời gian tới

Chia sẻ kinh nghiệm thu hút khách du lịch sau Covid-19, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Nguyễn Đăng Thạo cho biết, với đặc thù của Làng cổ Đường Lâm, qua khảo sát cho thấy, phần lớn du khách đến với làng là đi du lịch theo gia đình hay nhóm nhỏ bằng phương tiện cá nhân, rất phù hợp với công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Bởi vậy, sau 2 năm bị đóng cửa bởi Covid-19, khi thị trường du lịch hoạt động trở lại, địa phương đã định hướng xây dựng một số sản phẩm phù hợp với mô hình du lịch cộng đồng.

“Chúng tôi chú trọng việc kết nối điểm đến với các khu nghỉ dưỡng ở Ba Vì để tạo điều kiện cho khách lưu trú. Ngoài ra, địa phương cũng tập trung xây dựng một số sản phẩm du lịch mới như: Du lịch trải nghiệm, du lịch làng nghề, “photo tour” (du lịch chụp ảnh), tổ chức tuyến phố đi bộ... Cùng với đó là thực hiện công tác xúc tiến, quảng bá du lịch qua các kênh thông tin báo chí, mạng xã hội. Bước đầu, những giải pháp này đã cho kết quả khả quan, khi 6 tháng qua, địa phương đã đón 25.000 lượt khách, lượng đặt phòng tăng 30%, lượng khách đang dần đi vào ổn định”, ông Nguyễn Đăng Thạo nói.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Sỹ Tiến cho rằng Hà Nội có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nhưng hiện nay lại chưa chú trọng phát triển. Hiện thành phố có 806 làng nghề, trong đó có 318 làng đã được công nhận là làng nghề và làng nghề truyền thống. Để khai thác tiềm năng này cho phát triển du lịch, các cơ quan chức năng đã phối hợp thí điểm mô hình làng nghề kết hợp với du lịch tại 2 làng nghề là Bát Tràng (huyện Gia Lâm) và Vạn Phúc (quận Hà Đông); đồng thời, đang tiếp tục khảo sát 18 làng nghề khác để nhân rộng mô hình này. Thông qua chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Hà Nội đã công nhận được hơn 1.000 sản phẩm, trong đó có nhiều sản phẩm được đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao, 5 sao.

Phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm cần được phát huy để khai thác các thế mạnh, tiềm năng và vai trò đầu tàu của du lịch Thủ đô

Trong các loại hình có thế mạnh phát triển, theo ông, có thể tập trung cho du lịch trải nghiệm, phục vụ thị trường du lịch dành cho học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố và các địa phương khác có nhu cầu học tập, trải nghiệm.

Trước rất nhiều ý kiến góp ý tại Tọa đàm, ông Nguyễn Thành Lợi đánh giá các ý kiến tại tọa đàm thể hiện rõ trách nhiệm, tâm huyết cũng như sự trăn trở trước những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển du lịch Thủ đô.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Thản cũng nhấn mạnh vấn đề cốt lõi để du lịch Thủ đô phát triển là yếu tố con người, vì thế, các bên cần chú trọng đào tạo nhân lực phục vụ du lịch. Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch không thể thiếu vai trò của quảng bá nên trong quá trình phối hợp, Hiệp hội Du lịch Hà Nội cùng Báo Hànộimới sẽ tiếp tục trao đổi để đề xuất cơ chế, cách làm, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả quảng bá du lịch Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

THÚY HÀ; ảnh: VIẾT THÀNH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top