Khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo ngành VHTTDL: Cần sớm Chung tay tháo gỡ

VHO- “Trước những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, gây khó khăn cho các trường nghệ thuật, cần kịp thời có giải pháp tháo gỡ, bởi luật phải đi vào đời sống để giải quyết những điểm nghẽn mà thực tiễn đang đặt ra. Các trường văn hóa, nghệ thuật rất đặc thù thì cũng cần có chính sách đặc thù…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã nhấn mạnh tại Hội thảo khoa học tuyển sinh và đào tạo lĩnh vực Văn hóa nghệ thuật, Thể dục thể thao và Du lịch năm học 2022-2023 do Bộ VHTTDL vừa tổ chức.

Khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo ngành VHTTDL: Cần sớm Chung tay tháo gỡ - Anh 1

 Đào tạo năng khiếu nghệ thuật đòi hỏi lòng yêu nghề, quyết tâm từ học sinh và sự bền bỉ, tâm huyết của giảng viên (Học sinh Học viện Múa Việt Nam trong giờ tập luyện)

 Báo cáo của cơ quan quản lý nhà nước và đại diện các cơ sở đào tạo, đại diện các Bộ, ngành liên quan tại Hội thảo đã khẳng định, công tác đào tạo của ngành VHTTDL đã vượt qua nhiều thách thức để hướng hiệu quả cao nhất đó là tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Kịp thời giải quyết vướng mắc, bất cập

Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định: “Nguồn nhân lực đóng vai trò quyết định trong quá trình tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội. Chất lượng giáo dục và đào tạo có tầm quan trọng hàng đầu đối với sự nghiệp phát triển đất nước, vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta đang nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều tồn tại, bất cập, liên quan đến nhiều mặt hoạt động của các cơ sở đào tạo, cần có đánh giá để đề xuất các giải pháp cho năm học mới”.

Theo Báo cáo tổng kết công tác đào tạo VHTTDL trong năm học 2021-2022, đánh giá sơ bộ công tác tuyển sinh năm 2022-2023 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Vụ Đào tạo, trong năm học vừa qua, Bộ VHTTDL đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai, phối hợp xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đào tạo; đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án Chính phủ, đề án cấp Bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đào tạo, góp phần tạo tiền đề cho việc tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn trong đào tạo văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch. Đồng thời cũng tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược quy hoạch liên quan với một số Bộ, ngành…

Việc các cơ sở giáo dục đại học có giấy đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng đến năm 2025 đã tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật thuộc Bộ tiếp tục triển khai thực hiện. Bộ đã kịp thời báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT tại các cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật; phối hợp với Bộ GD&ĐT giải quyết những bất cập trong đào tạo văn hóa phổ thông cũng như đào tạo một số ngành đặc thù, giải quyết các vướng mắc trong đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng…

Điều đáng ghi nhận là trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, các cơ sở đào tạo đã chủ động sáng tạo trong việc kết hợp giữa phòng, chống dịch và triển khai công tác đào tạo, sử dụng linh hoạt nền tảng mạng xã hội phục vụ cho công tác tuyển sinh để thí sinh có thể tiếp cận nhanh nhất, dễ hiểu nhất các thông tin tuyển sinh, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý hồ sơ xét tuyển, thi tuyển của thí sinh nhanh chóng, hiệu quả... Năm học 2022- 2023, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các cơ sở là 14.232, quy mô đào tạo là 35.934 học sinh, sinh viên theo các trình độ: Tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.

Cần những chính sách đặc thù mang tính pháp lý

Đại diện các cơ sở đào tạo như Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ VN, Học viện Âm nhạc Quốc gia VN, Đại học Văn hóa TP.HCM, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, ĐH Thể dục Thể thao Bắc Ninh, ĐH Văn hóa TP.HCM... cùng đại diện các các Cục, vụ chức năng của Bộ đã tập trung thảo luận, đánh giá, phân tích những ưu điểm, hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về đào tạo và tổ chức đào tạo của các trường trong năm học vừa qua. Nhiều ý kiến cho rằng, ngay khi Luật Giáo dục năm 2019 ban hành và có hiệu lực thi hành, mô hình đào tạo văn hóa phổ thông kết hợp đào tạo nghệ thuật đã gặp vướng mắc, khiến đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và phụ huynh của các trường bất an, lo lắng. Năm học 2022-2023, mặc dù Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Hà Nội đã tạo điều kiện cho các trường tuyển sinh và đào tạo nhưng về mặt tổng thể vẫn chưa có một chủ trương, chính sách thống nhất, lâu dài để tháo gỡ.

Ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các cơ sở đào tạo và các cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhận định, trong năm học vừa qua, Bộ VHTTDL đã chủ động triển khai tốt công tác đào tạo, nỗ lực phấn đấu đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý và xây dựng các văn bản, đề án... Các sơ sở đã chủ động khắc phục những ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học theo kế hoạch. Công tác chỉ đạo nhất quán, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành liên quan, đảm bảo cho việc thực hiện nhiệm vụ năm học đạt kết quả tốt. Một số cơ sở đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong dạy và học với nhiều học sinh, sinh viên đoạt giải quốc gia, quốc tế về văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.

Thứ trưởng cho rằng, do đặc thù đào tạo nghệ thuật nên nhiều cơ sở giáo dục đã gặp phải khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những quy định bất cập về việc tổ chức dạy văn hóa, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhất trí với Bộ GD&ĐT không thực hiện những nội dung trái với Luật Giáo dục 2019 và các quy định khác của pháp luật. Tuy nhiên, trước những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống, gây khó khăn cho các trường nghệ thuật thì cần kịp thời có giải pháp tháo gỡ, bởi luật phải đi vào đời sống, khơi thông những điểm nghẽn của thực tiễn đang đặt ra. Các trường văn hóa, nghệ thuật rất đặc thù thì cũng cần có chính sách đặc thù. Điều này cũng đúng với tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là yêu cầu Bộ GD&ĐT “khẩn trương có văn bản hướng dẫn các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học tham gia tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để bảo đảm quyền lợi học tập liên thông, suốt đời của người học”. 

 Cần tiếp tục Đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực VHNT

Khó khăn trong công tác tuyển sinh và đào tạo ngành VHTTDL: Cần sớm Chung tay tháo gỡ - Anh 2

Tại Hội thảo sơ kết triển khai thực hiện Đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực VHNT giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Tạ Quang Đông chủ trì, nhiều ý kiến đã đề xuất Bộ cần kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục cho phép thực hiện Đề án Đào tạo tài năng 1341 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035.

Sau đánh giá sơ kết kết quả 5 năm thực hiện Đề án, Vụ Đào tạo và các cơ sở đào tạo VHNT cũng đề xuất Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với các Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ,TB&XH xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Bộ GD&ĐT tiếp tục cho phép các cơ sở đào tạo VHNT đào tạo các môn văn hóa; Bộ Tài chính xem xét, có cơ chế tài chính hỗ trợ học sinh, sinh viên theo học lớp tài năng tốt nghiệp bằng tác phẩm, xem xét, bố trí kinh phí đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án…

Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho rằng, để khai thác và triển khai tốt hơn Đề án, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện công tác tuyển chọn, quy trình tổ chức đào tạo tài năng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp với thực tế. Tập trung đầu tư biên soạn giáo trình và các nguồn học liệu phục vụ công tác đào tạo tài năng, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giảng viên, giáo viên tham gia quản lý và đào tạo các lớp tài năng; tăng cường việc mời chuyên gia, nghệ sĩ trong nước và nước ngoài giảng dạy, hướng dẫn…

Thứ trưởng cũng đồng tình với kiến nghị của các cơ sở đào tạo nghệ thuật, đó là đề nghị các Bộ ủng hộ việc tiếp tục cho phép thực hiện Đề án Đào tạo tài năng 1341 đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 (đề xuất, lồng ghép vào Đề án Xây dựng đội ngũ trí thức ngành VHTTDL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 và Chiến lược quốc gia về Phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030); đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có cơ chế tài chính hỗ trợ học sinh, sinh viên theo học lớp tài năng tốt nghiệp bằng tác phẩm, bố trí kinh phí đảm bảo việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án. Giao Vụ Đào tạo chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo tài năng trong lĩnh vực VHNT…

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc