Thực hiện​​​​​​​ phong trào TDĐKXDĐSVH: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống ứng xử của người Hà Nội

VHO- Phong trào TDĐKXDĐSVH gắn với thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trong thời gian qua đã mang đến nhiều chuyển biến tích cực.

Thực hiện​​​​​​​ phong trào TDĐKXDĐSVH: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống ứng xử của người Hà Nội - Anh 1

 Hưởng ứng cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp” trên địa bàn quận Thanh Xuân

Phát triển theo chiều sâu, đi vào thực chất, việc đẩy mạnh thực hiện phong trào đã huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để văn hóa phát triển, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân Thủ đô; qua đó, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống ứng xử, giao tiếp của người Hà Nội.

Lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực

Kế hoạch triển khai thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2026 đề ra chỉ tiêu: 80% người dân được nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; 100% quận, huyện, thị xã có thiết chế văn hóa, thể thao; 50% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 86-88% gia đình được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa; 65% thôn, làng được công nhận danh hiệu Làng văn hóa; 75% tổ dân phố được công nhận danh hiệu Tổ dân phố văn hóa; 70-73% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận danh hiệu văn hóa hằng năm.

Trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, Hà Nội cũng đề ra mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa trên mạng xã hội, thúc đẩy các thông tin tích cực, “tin tốt, chuyện đẹp”, đẩy lùi thông tin tiêu cực, tin xấu, tin giả. Xây dựng các tác phẩm văn hóa phù hợp với thuần phong mỹ tục, có tính giáo dục dành cho thanh thiếu nhi và nhân dân trên mạng xã hội.

Đưa phong trào TDĐKXDĐSVH đi vào cuộc sống, nhiều mô hình sáng trên địa bàn đã được ghi nhận. Trên địa bàn quận Thanh Xuân, nhiều kết quả được ghi nhận qua thực hiện phong trào. Trong năm 2022, quận Thanh Xuân có 65.769/71.915 hộ gia đình đăng ký danh hiệu “Gia đình văn hóa”, đạt 91,5%; 231/231 tổ dân phố đăng ký danh hiệu Tổ dân phố văn hóa, đạt 100%. Mô hình điển hình “Tổ dân phố văn hóa 5 không” triển khai tới 71 tổ dân phố.

9 tháng đầu năm 2022, phong trào TDĐKXDĐSVH của quận Thanh Xuân đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” gắn với việc thực hiện “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội” được chú trọng, đổi mới theo hướng không ngừng nâng cao chất lượng, tạo môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở. Đặc biệt, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được chú trọng. 99,19% đám cưới thực hiện nếp sống văn minh, 100% đám tang được tổ chức hỏa táng. Các lễ hội được tổ chức theo quy định, không xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan… Hưởng ứng cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp”, nhiều tuyến ngõ, phố tiêu biểu trên địa bàn được đoàn kiểm tra của Sở VHTT Hà Nội đánh giá cao.

Những kết quả đạt được một phần do công tác thông tin tuyên truyền được đẩy mạnh. Những điển hình tiên tiến, gương “Người tốt, việc tốt” được tuyên truyền để nhân rộng. Lãnh đạo Quận cho biết, việc đẩy mạnh thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, Tổ dân phố văn hóa 5 không; thực hiện 2 Bộ Quy tắc ứng xử của Hà Nội… đã tạo thói quen trong ứng xử, hành vi, lối sống văn hóa trong cộng đồng.

Thực hiện​​​​​​​ phong trào TDĐKXDĐSVH: Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nếp sống ứng xử của người Hà Nội - Anh 2

 Xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn TX Sơn Tây

Tạo động lực phát triển từ văn hóa truyền thống

Việc triển khai thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” được các địa phương triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với thực tế của mỗi địa bàn. Tại Sơn Tây, vùng đất nổi tiếng với các giá trị văn hóa xứ Đoài, Thị ủy thị xã Sơn Tây đã ban hành nhiều chương trình như Phát triển văn hóa - xã hội trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng người Sơn Tây thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, gắn với phát triển kinh tế du lịch thị xã giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030… Những chương trình, Nghị quyết này đã tạo động lực cho địa phương xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên nền tảng các giá trị văn hóa truyền thống.

Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đa dạng cũng đã được tổ chức trên địa bàn thị xã Sơn Tây như: Phụ nữ Sơn Tây duyên dáng áo dài, Tôi yêu Sơn Tây, Giải đua thuyền truyền thống… Phong trào TDĐKXDĐSVH, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giữ gìn và phát huy tốt những phong tục tập quán lành mạnh, giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Dù mới đi vào hoạt động chưa lâu nhưng tuyến phố đi bộ Sơn Tây đã tạo nhiều dấu ấn, với các sự kiện lớn như Khai mạc Năm Du lịch Sơn Tây - xứ Đoài, các hoạt động khiêu vũ, thể thao, văn hóa văn nghệ… Trong xây dựng đời sống văn hóa, nhiều hoạt động, chương trình, hành động cụ thể đã góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực như Hội thi “Giữ gìn đường, phố xanh - sạch - đẹp”; cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch - văn minh”… Nhiều đợt ra quân đảm bảo trật tự đô thị, xử lý vi phạm về việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, bóc xóa quảng cáo trái phép… được triển khai. Hội phụ nữ các cấp tổ chức các phong trào văn hóa văn nghệ, thể thao, xây dựng tuyến đường nở hoa, làm tranh tường bích họa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị…

Đặc biệt, vùng đất nổi danh xứ Đoài luôn chú trọng gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, tạo nền tảng cho sự phát triển. Sơn Tây là địa phương đã thực hiện tốt việc xây dựng hương ước, quy ước văn hóa với những tiêu chí thiết thực, được đưa vào đời sống hàng ngày. 244 di tích, 65 lễ hội, 6 nghề thủ công, 5 tập quán xã hội… đã được bảo tồn, quản lý tốt. Theo lãnh đạo phòng VHTT thị xã Sơn Tây, bằng nhiều biện pháp tuyên truyền tích cực, hiệu quả, những năm qua, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy đã dần đi vào cuộc sống. Các Chỉ thị, Nghị quyết về văn hóa và phong trào TDĐKXDĐSVH đã tạo chuyển biến quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia, góp phần đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trên địa bàn. 

 Đẩy mạnh thực hiện việc cưới theo nếp sống văn minh

Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về việc “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới” trên địa bàn quận Đống Đa, 100% đám cưới trên địa bàn được đánh giá đã thực hiện tốt việc tổ chức đám cưới văn minh.

Việc triển khai Chỉ thị số 11-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (khóa XV) về việc “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới” trên địa bàn quận Đống Đa đã có những chuyển biến trong nhận thức và hành động của cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân; phát huy được ý thức tự giác chấp hành của nhân dân, vừa kế thừa được bản sắc, truyền thống, tập quán tốt đẹp của dân tộc, vừa xây dựng được những giá trị mới, văn minh, phù hợp với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. 100% đám cưới trên địa bàn quận được tổ chức theo hướng dẫn và quy định về việc tổ chức cưới văn minh. Trên 90% các cặp đôi kết hôn đã được trao Giấy chứng nhận kết hôn tại UBND các phường theo đúng lễ thức, trang trọng, tiết kiệm. Các đám cưới trên địa bàn quận thực hiện theo đúng chủ trương “trang trọng - vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm”. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới cũng được coi là một tiêu chuẩn để quận đánh giá cán bộ, đảng viên và bình xét các danh hiệu thi đua, khen thưởng hàng năm trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn thể và cán bộ, đảng viên, công chức.

PHƯƠNG THẢO

 MINH NGỌC

Ý kiến bạn đọc