Rực rỡ sắc màu âm nhạc truyền thống

VHO - Tối 22.10, tại Nhạc viện TP.HCM, chương trình nghệ thuật “Sắc màu” của các nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên và học sinh trung cấp khoa Âm nhạc Truyền thống đã mang đến bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn cho công chúng yêu nghệ thuật.

Rực rỡ sắc màu âm nhạc truyền thống - Anh 1

Hòa tấu dàn nhạc Duyên kỳ ngộ là tiết mục mở đầu chương trình

Với 12 tiết mục là 12 sắc màu trẻ trung, sôi động, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, “Sắc màu” đã mang đến những cung điệu thiêng liêng, tự hào bằng kỹ năng biểu diễn chuyên nghiệp của các nghệ sĩ, diễn viên.

Rực rỡ sắc màu âm nhạc truyền thống - Anh 2

Giảng viên Khánh Trang độc tấu đàn Tam thập lục Giai điệu mùa hạ

PGS.TS Bùi Thiên Hoàng Quân, cố vấn chương trình cho biết, theo thông lệ trước đây, hằng năm khoa Âm nhạc Truyền thống Nhạc viện TP.HCM đều tổ chức đêm nhạc, nhưng hai năm qua do tình hình Covid-19 nên chương trình tạm gián đoạn, năm 2022 này chương trình mới tổ chức lại. Tên gọi “Sắc màu” cũng là lần đầu tiên sử dụng, với ý nghĩa qua đại dịch muốn có không khí tươi mới cho âm nhạc truyền thống từ lần trở lại này. 

Rực rỡ sắc màu âm nhạc truyền thống - Anh 3

Chương trình thu hút đông đảo khán giả

“Chương trình nghệ thuật nhằm tạo sân chơi, môi trường rèn luyện cho các em đang theo học các chuyên ngành âm nhạc truyền thống; để các em quen dần với không khí biểu diễn chuyên nghiệp,… Nhưng cái quan trọng nhất là làm cho các em có được lòng tự hào dân tộc, thấy được âm nhạc dân tộc hoàn toàn có thể đủ sức để cuốn hút khán giả, để các em tự tin khi học âm nhạc dân tộc, để các em phấn khởi khi biểu diễn âm nhạc dân tộc”, PGS.TS Bùi Thiên Hoàng Quân chia sẻ. Cũng theo ông, trước đây chỉ là chương trình diễn diễn thực hành học vụ bình thường, đến nay thì nâng cấp thành chương trình nghệ thuật quy mô, với sự dàn dựng chỉnh chu từ tiết mục cho đến trang phục, nhận được sự quan tâm yêu mến của khán giả, đang dần khẳng định được thương hiệu.

Rực rỡ sắc màu âm nhạc truyền thống - Anh 4

Hòa tấu Sáo và bộ gõ bài Ngày hội non sông

Chương trình “Sắc màu” do ThS Huỳnh Thị Thu Hiền chỉ đạo nghệ thuật, tổng đạo diễn là TS.NSƯT Nguyễn Thị Hải Phượng. Chương trình “Sắc màu” lần này quy tụ khoảng 100 nghệ sĩ, diễn viên tham gia, sử dụng đầy đủ nhạc cụ dân tộc như: Đàn Tranh, đàn Nhị, đàn Bầu, đàn Nguyệt, Guitar phím lõm, đàn Tam thập lục, bộ trống lễ, trống đương đại, bộ gõ,… Trong đó, có nhiều giảng viên “ngôi sao” và đặc biệt là các tiết mục đạt giải cao từ những cuộc thi âm nhạc truyền thống. Trong đó, phải kể đến như giảng viên Khánh Trang, giải nhất độc tấu đàn Tam thập lục trong cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020; huy chương vàng độc tấu đàn T’rưng cuộc thi Giai điệu tuổi hồng toàn quốc lần thứ 9 tại Hải Phòng. Tại chương trình, Khánh Trang biểu diễn độc tấu đàn Tam thập lục bài Giai điệu mùa hạ

Rực rỡ sắc màu âm nhạc truyền thống - Anh 5

Độc tấu đàn Tranh bài Tự khúc qua phần biểu diễn của giảng viên Thương Huyền

Giảng viên Thương Huyền mang đến độc tấu đàn Tranh Tự khúc, tiết mục đã đạt giải nhì độc tấu đàn Tranh tại cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020 cùng nhiều giải thưởng, huy chương trong các năm. Giảng viên Lê Hoài Phương mang đến cho khán giả những giai điệu ngọt ngào, da diết từ tiếng đàn Bầu trong tiết mục độc tấu Khát vọng. Đây là tiết mục đã đạt giải nhất trong cuộc thi Độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc 2020;… 

Rực rỡ sắc màu âm nhạc truyền thống - Anh 6

Tiết mục nhạc tài tử Nam bộ Bình bán vắn do học sinh - sinh viên thể hiện

Bên cạnh các tiết mục độc tấu thì những bản hòa tấu cũng mang lại sự thích thú cho người xem. Tiết mục nhạc tài tử Nam bộ Bình bán vắn, lời mới do Nhạc sĩ - NSƯT Huỳnh Khải sáng tác nằm trong liên khúc Lưu thủy - Bình bán - Kim tiền với ý nghĩa ca ngợi mùa xuân khi đất nước thống nhất, thanh niên trai trẻ cùng nhau chuyên tâm học tập, phát triển đất nước trong thời kỳ hội nhập… Tiết mục mang lại không khí tươi vui qua phần biểu diễn của tốp tấu đàn Tỳ bà, là học sinh - sinh viên của Khoa. 

Theo Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM Huỳnh Thị Thu Hiền, “Hiện nay đàn Tỳ bà tại Nhạc viện TP.HCM nói riêng cũng như TP.HCM nói chung đang từng bước phát triển và được các bạn trẻ ưa chuộng, tìm hiểu và chúng tôi mong muốn sẽ đưa nhạc cụ âm nhạc truyền thống nói chung cũng như đàn Tỳ bà nói riêng sẽ có sức sống mạnh mẽ, lan tỏa đến tất cả công chúng”. 

THÙY TRANG

Ý kiến bạn đọc