Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Bảo tồn và phát huy múa dân gian vùng Nam Bộ trong tiến trình hội nhập

Thứ Sáu 14/10/2022 | 21:56 GMT+7

VHO - Ngày 14.10, Trường Múa TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ “Bảo tồn và phát huy múa dân gian vùng Nam Bộ trong tiến trình hội nhập hiện nay”. Hội thảo có sự tham dự của đông đảo các chuyên gia lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ sĩ múa và học sinh, sinh viên.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia 

Nghệ thuật múa dân gian là một trong những loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đây là sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ, bằng nhiều hình thức như truyền nghề, trình diễn và là loại hình nghệ thuật thể hiện rõ nét bản sắc, đặc trưng văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, NSƯT Lương Xuân Thành, Hiệu trưởng Trường Múa TP.HCM cho biết, mặc dù nghệ thuật múa dân gian là nguồn tài sản vô giá của quốc gia, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập quốc tế hiện nay nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này trong mỗi dân tộc có những nét đậm nhạt khác nhau. Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Trường Múa TP.HCM tiến hành tổ chức hội thảo với mục đích làm rõ hơn các giá trị của nghệ thuật múa các dân tộc, các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật này trong ứng dụng giảng dạy ở Trường Múa và trao truyền trong cộng đồng hiện nay. “Trong 9 tháng đầu năm 2022, Trường Múa TP.HCM đã phối hợp với các Sở VHTT, Sở VHTTDL, các đoàn nghệ thuật, trung tâm văn hóa, thông tin và thể thao các tỉnh thành ở Nam Bộ tiến hành nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Việt, Chăm, Khmer”, NSƯT Lương Xuân Thành nói thêm.

NGƯT Đoàn Phúc Linh Tâm, Trưởng khoa múa Dân gian Dân tộc, Trường Múa TP.HCM, nhấn mạnh, trong kho tàng múa dân gian Nam Bộ, nghệ thuật múa của người Việt, Chăm, Khmer được coi là nổi bật, tái hiện sinh động những đặc trưng văn hóa vùng đất nơi đây. Bởi vậy, Nhà nước và ngành VHTTDL đã có những chính sách bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật múa của người Việt, Chăm, Khmer vùng Nam Bộ. Đồng thời, trong chương trình đào tạo diễn viên múa, biên đạo múa, huấn luyện múa, ở một số trường trung cấp, cao đẳng, đại học cũng đưa vào giảng dạy nghệ thuật múa của 3 tộc người này. Tuy nhiên, công tác triển khai những chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như thực trạng đào tạo hiện nay vẫn còn nhiều điều cần bàn luận.

Múa Mâm dân tộc Việt do học sinh Trường Múa TP.HCM thể hiện

Theo Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM Lê Nguyên Hiều, để phát huy và bảo tồn di sản múa dân gian của các dân tộc Việt Nam trong các chương trình lễ hội, các đơn vị tổ chức, nhà quản lý, các biên đạo múa cần nắm rõ, thấu hiểu đặc tính của lễ hội và của hình thái múa dân gian trong các dân tộc Việt Nam. Khi nắm rõ, thấu hiểu được đặc tính trên chúng ta mới có thể phát huy được những mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế. “Bảo tồn và phát huy giá trị múa dân gian các dân tộc Việt Nam hiện nay đang có những khó khăn cả về nguồn lực về con người và thực tế chúng ta vẫn thường ưu tiên hơn cho các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng là chủ yếu… Chính vì vậy, Bộ VHTTDL cần kiến nghị Đảng, Chính phủ có những chính sách cụ thể, tích cực trong đào tạo nhân lực, hỗ trợ hoạt động bảo tồn di sản văn hóa nói chung và múa dân gian các dân tộc Việt Nam nói riêng, đồng thời tạo ra môi trường, mối liên kết, kết nối để từng người dân, từng cộng đồng và toàn xã hội có thể tham gia công tác này”, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM nhấn mạnh.

Đánh giá về kết quả khảo sát đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ của Trường Múa TP.HCM, TS.NSƯT Trần Văn Hải, Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam hoan nghênh ý tưởng, phương pháp triển khai thực hiện đề tài của nhóm tác giả. “Từ những nội dung trình bày kết quả kháo sát, cho thấy nhóm tác giả đã thực hiện công trình hết sức khoa học, có hiệu quả và rất cần thiết trong tiến trình hội nhập hiện nay”, NSƯT Trần Văn Hải nói. 

Theo nhóm tác giả, đề tài “Bảo tồn và phát huy múa dân gian vùng Nam Bộ trong tiến trình hội nhập hiện nay” nhằm đánh giá những giá trị đặc sắc của múa dân gian Nam bộ; rà soát lại chất liệu múa dân gian vùng Nam Bộ để bổ sung vào giáo trình giảng dạy tại các cơ sở đào tạo múa chuyên nghiệp; lựa chọn hình thức múa dân gian đặc sắc, mang tính đại diện cho múa dân gian của các tộc người phục dựng và nâng cao kỹ thuật trình diễn. Đề tài góp phần quảng bá nghệ thuật múa của các dân tộc ở vùng Nam Bộ, quảng bá du lịch văn hóa của dân tộc với quốc tế. Việc phát triển đề tài tạo điều kiện phát triển cho múa dân gian theo tính chuyên nghiệp cao; đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết của cộng đồng dân tộc Kinh, Chăm, Khmer vùng Nam bộ là bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc, gìn giữ và trao truyền cho các thế hệ sau. 

Múa dân gian của các tộc người vùng Nam Bộ luôn gắn bó với đời sống văn hóa, với sinh hoạt hằng ngày của người dân được thể hiện trong các nghi lễ, các sinh hoạt cộng đồng và đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống văn hóa. Múa dân gian của cộng đồng cư dân vùng Nam bộ chứa đựng những giá trị to lớn về văn hoá, nghệ thuật và khoa học vì vậy việc sưu tầm, hệ thống hóa để có những cách thức bảo tồn và phát huy giá trị múa dân gian các dân tộc Kinh, Chăm, Khmer là điều hết sức cần thiết nhất là trong bối cảnh hiện nay dưới tác động của nhiều yếu tố, một số động tác múa đã bị thay đổi. Để làm được điều này một cách khách quan, toàn diện và khoa học cần phải có sự kết hợp giữa việc đánh giá thực trạng hoạt động đào tạo múa dân gian các dân tộc tại Trường Múa TP.HCM với nghiên cứu hoạt động bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa dân gian dân tộc Kinh, Chăm, Khmer ở Nam Bộ. Từ đó, hướng đến xây dựng các mô hình phát triển nghệ thuật múa dân gian người Kinh, Chăm, Khmer phù hợp với bối cảnh xã hội hiện tại. Trên cơ sở kết quả khảo sát và phân tích, đánh giá đưa ra những giải pháp phù hợp để bảo tồn và phát huy nghệ thuật múa ở Nam Bộ gắn với phát triển du lịch, hướng tới phát triển du lịch bền vững, mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Theo các đại biểu, bên cạnh các chính sách của Nhà nước, vấn đề phát huy vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát triển, khẳng định muốn bảo tồn và phát nghệ thuật múa, bên cạnh sự quản lý hành chính từ nhà nước, vấn đề nâng cao giá trị của cộng đồng trong việc trao truyền loại hình nghệ thuật múa nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung mới là quan trọng. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa Nhà trường và cộng đồng địa phương trong đào tạo và truyền dạy cần được chú trọng.

THÙY TRANG

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top