Tái thiết du lịch Mekong bền vững và có khả năng chống chịu bền bỉ

VHO- Trong báo cáo đề dẫn Diễn đàn Du lịch Mê Công 2022, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch châu Á- Thái Bình Dương (PATA) Liz Ortiguera nhấn mạnh vào việc tư duy lại về du lịch, về quảng bá sản phẩm và quản lý điểm đến, từ đó, xây dựng, tái thiết hình ảnh của ngành Du lịch trong tương lai.

Tái thiết du lịch Mekong bền vững và có khả năng chống chịu bền bỉ - Anh 1

Phiên thảo luận 1 chủ đề “Doanh nghiệp công: Một công cụ mạnh mẽ và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững”

Châu Á sẽ một lần nữa trở thành động cơ cho tăng trưởng thế giới

Làm việc trong lĩnh vực du lịch 18 năm, bà Liz Ortiguera đã chia sẻ những bài học toàn cầu và các giải pháp ở cấp độ địa phương, thông tin lữ hành, điểm đến, dự báo hoạt động du lịch tốt hơn cho du lịch khu vực GMS sau dịch Covid-19

“Chúng tôi qua mạng lưới chuyên gia toàn cầu sẽ phân tích, nghiên cứu để xem cơ hội phát triển du lịch của các quốc gia nằm ở chỗ nào. PATA cũng giám sát, theo dõi các hoạt động du lịch trên thế giới để đưa ra những dự báo chính xác nhất cho du lịch châu Á”, bà Liz Ortiguera cho biết. Ví dụ giá nhiên liệu tăng cao thời gian vừa qua đã khiến nền kinh tế khu vực châu Á đang gặp khó khăn, khách hàng đang tìm giải pháp cho định hướng tương lai. Các nhu cầu về việc làm, điều kiện kinh tế, sự bùng nổ lữ hành, du lịch “trả thù”... sẽ khiến châu Á trở thành "đầu tàu" phát triển giai đoạn tới. Châu Á sẽ một lần nữa trở thành động cơ cho tăng trưởng thế giới.

“PATA cũng đưa ra dự báo ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Với việc hoạt động song hành với Hồng Kông (Trung Quốc), chúng tôi thiết lập ra mô hình hoạt động tương đồng trong tương lai cho châu Á. Các dự báo trong 3 năm tiếp theo đã được chúng tôi xây dựng. Tôi cảm thấy lạc quan vì có những diễn biến tích cực. Trong đó, các tiểu khu vực như GMS có khả năng phục hồi cao so với năm 2019. Nam Á và Tây Á có khả năng phục hồi nhanh nhất”, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch châu Á-Thái Bình Dương (PATA) Liz Ortiguera nói.

Cuộc khủng hoảng do Covid-19 gây ra đã đặt ra yêu cầu cần phải tư duy và định hình lại du lịch theo hướng phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn và có khả năng phục hồi. PATA nhận thấy có 3 trend (xu hướng) du lịch nổi bật hiện nay trong phát triển du lịch khu vực GMS. Xu hướng đầu tiên là 81% những người được hỏi muốn đóng góp đồng tiền khi đi du lịch cho cộng đồng các địa phương; du lịch bền vững có vai trò rất cao; kỳ nghỉ tiếp theo là điều khác biệt. Xu hướng 2 là tác động của thị trường với hoạt động du lịch, tốn kém hơn, nhiều chi phí hơn; làm việc từ xa nhiều, giảm thiểu nhu cầu du lịch, du lịch “trả thù” tăng cao, du khách ở lại lâu hơn, thực hiện công việc từ xa. Xu hướng 3 là gia tăng cộng đồng có sự hiểu biết sâu sắc các vấn đề của địa phương và biến đổi khí hậu. Có những giải pháp đối với các vấn đề với du khách và điểm đến. Trong đó, chú trọng việc cung cấp các giá trị du lịch có giá trị cao hơn và chi phí thấp hơn, thuê nhân công địa phương và tái sử dụng; thiết lập lại giá trị sau Covid-19, ứng phó với các khách hàng, đối xử nhân viên công bằng, khách hàng là thượng đế, nhân viên cũng là thượng đế trong tương lai.

Bà Liz Ortiguera không cần phải là những gì to tát mà thương hiệu du lịch được làm nên từ những câu chuyện nhỏ và là những câu chuyện đẹp. Vì thế, cần tăng cường các câu chuyện đẹp trong du lịch như: tìm hộ chiếu bị mất của khách du lịch quốc tế, một món đồ thất lạc trên hành trình du lịch được trả về cho chủ... sẽ tạo thành những ấn tượng tốt đẹp. Lấy ví dụ Sala Bai, trường đào tạo về khách sạn, nấu ăn trong 20 năm qua, trường này đào tạo cùng lúc 2.000 người, đã có 10.000 người ra trường làm việc trong những nhà hàng, khách sạn 5 sao. Nơi đây, tạo ra một môi trường nhân văn, ấm áp. Việc tạo sinh kế cho người dân, xóa đói giảm nghèo, gia tăng sự tham gia của các cộng đồng trong quá trình phát triển du lịch cũng cần coi đó là điểm nhấn. Trong khuôn khổ Diễn đàn này, đại biểu đi thực địa nhiều điểm đến ở Quảng Nam cũng sẽ nhận thấy sự gắn kết với cộng đồng, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản, tương tác với người dân địa phương.

Bên cạnh đó, bà Liz Ortiguera cũng chỉ ra 5 lĩnh vực có thể có những rủi ro cao như tính chống chịu với: môi trường, sức khỏe, kinh tế, cộng đồng, du khách.

Tái thiết du lịch Mekong bền vững và có khả năng chống chịu bền bỉ - Anh 2

Các đại biểu cho rằng châu Á trở thành "đầu tàu" phát triển giai đoạn tới

Ông Wouter Schalken, Chuyên gia cao cấp về Du lịch bền vững, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết: “ADB đã hỗ trợ nhiều dự án khác nhau ở châu Á, nhất là khu vực GMS. Từ góc độ đầu tư, chúng tôi quan tâm chính sách cần phải gắn kết như thế nào, tính bền bỉ và bền vững cần ra sao để tái xuất mạnh mẽ hơn. Chuỗi cung ứng, những tác động từ những ngành khác như: Tài chính, văn hóa... đối với du lịch ra sao sau dịch Covid-19 để tạo dựng được tính bền vững. Tôi cho rằng, cần có sự kiểm soát, bao hàm tính hiệu quả, xác định khả năng chống chịu, bền bỉ với thị trường và khí hậu”.

Phân tích các yếu tố, ông Wouter Schalken cho rằng thứ nhất là cần các thị trường nguồn rộng. Các điểm đến mới, những điểm mà trước đây có khi chúng ta không quan tâm sẽ giúp chúng ta rất nhiều vào thời điểm này, khi mà đại dịch Covid-19 đi qua đặt ra những yêu cầu và xu hướng rất mới.

Bên cạnh đó, du lịch cần mở rộng các phân khúc khách, phân mảng đa dạng, giảm thiểu rủi ro. Tính kết nối chiến lược cũng cần chú trọng để lấp đầy các hãng hàng không, nối lại các đường bay; kết nối các khách sạn; kết nối giao thông đường bộ.

Công tác truyền thông, thông tin liên lạc, chia sẻ những trải nghiệm của mọi người với nhau sẽ giúp truyền thông điểm đến và nhìn nhận các điểm đến 1 cách đa dạng, truyền tải thông tin nhanh. Sự hiện diện của các thương hiệu nổi tiếng, niềm tin mà các du khách có với các thương hiệu sẽ làm tăng giá trị của điểm đến và là điểm nhấn của các thương hiệu vừa và nhỏ.

Bất động sản du lịch phát triển cũng góp phần thu hút thị trường trong nước hoặc láng giềng, thị trường đầu tư về vốn, thu hút các nhóm khách khác nhau. Từ đó, sử dụng các quỹ về nơi lưu trú của chúng ta một cách đa dạng.

Tái thiết du lịch Mekong bền vững và có khả năng chống chịu bền bỉ - Anh 3

Các đại biểu dự Diễn đàn

Bài học tái thiết du lịch bền vững trong khu vực GMS

“Ngày càng nhiều du khách muốn nghỉ tại các khách sạn tốt hơn, gần gũi môi trường. Vì thế, cần sự quản lý điểm đến tốt, bảo vệ bản sắc văn hoá, nỗ lực nghiêm túc, liên tục của tất cả chúng ta. Chúng ta cần có những hoạt động can thiệp đa dạng, chú ý tất cả mọi vấn đề 1 cách đầy đủ. Trong đó, chú ý các thách thức về chính sách, quản lý du lịch, mở rộng sự tham gia của nhiều hãng hàng không”, ông Wouter Schalken nói.

Du lịch cộng đồng là vấn đề không mới mẻ trong khu vực GMS, các dự án du lịch trong cộng đồng được triển khai nhiều nhưng cần phải làm sao để du lịch cộng đồng ngày một bền vững, là tích hợp trong phát triển du lịch chung chứ không đứng riêng. Bên cạnh đó, du lịch cũng đang đối mặt với tình trạng sử dụng nguồn lực quá nhiều từ các ngành kinh tế khác và cần thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng địa phương, các liên doanh, tăng cường bảo vệ di sản phi vật thể ở điểm đến...

Ông Wouter Schalken nhấn mạnh sự kiểm soát sự ảnh hưởng đối với tính bền vững trong phát triển du lịch và sự tham gia của Chính phủ, các tỉnh/ thành, địa phương, khu vực tư nhân trong hệ thống du lịch. Nhiều yếu tố, các chủ đề, chi phí năng lượng, chi phí giao thông, đưa ra các đầu tư quan trọng cho du lịch. Đó cũng là thách thức đối với tương lai của chúng ta. Ông kêu gọi sự chung tay vì tương lai của ngành Du lịch. Kể một câu chuyện nhỏ khi đi du lịch ở Nam Phi, ông Wouter Schalken cho biết đến đó 1 năm 1 lần, không có gì ở đó ngoài bãi đất trống và cây bão táp. Lần gần nhất ông thấy nơi này đã được đổi tên thành khu cắm trại bền vững. “Tôi hỏi tại sao đổi tên như vậy? Họ nói đã dùng thêm sản phẩm mới là hoàng hôn miễn phí. Đó là vẻ đẹp bền vững. Chỉ có điều chúng ta khai thác nó như thế nào thôi”, ông Wouter Schalken nói.

Tại Phiên thảo luận 1 chủ đề “Doanh nghiệp công: Một công cụ mạnh mẽ và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững” do bà Catherine Germier-Hamel, Giám đốc điều hành Destination Mekong dẫn dắt, Diễn đàn đã tìm hiểu cách các doanh nghiệp công đưa ra mô hình kinh doanh mong muốn cho tăng trưởng bao trùm, môi trường bền vững và xây dựng thương hiệu tích cực cho các điểm đến. 

Giám đốc điều hành, Cục Quản lý các khu du lịch bền vững Thái Lan Thumanoon Parktoop lại chia sẻ câu chuyện ở Chiềng Mai, một tỉnh xa xôi của Thái Lan. Chiềng Mai muốn khách ở lại lâu hơn, từ 2 đêm trở lên. Địa phương này đã khai thác Safari đêm để thu hút khách vào khu động vật hoang dã trong rừng, khu vực bảo tồn động vật quý hiếm. Chính việc này đã kích thích kinh tế quan trọng, nhanh chóng, tạo điều kiện phát triển kinh tế cho địa phương, 300 lao động được tuyển dụng, tạo 200 sinh kế cho người dân bản địa, tác động tích cực tới đời sống xã hội và kinh tế. Hiện nay đã có 59% khách ở lại Chiềng Mai hơn 2 đêm.

Tái thiết du lịch Mekong bền vững và có khả năng chống chịu bền bỉ - Anh 4

Việc tái thiết du lịch trong khu vực cần sự chung tay, đồng lòng của các nước thành viên GMS

Khu vực này cũng đưa ra các trải nghiệm để giãn khách khỏi khu vực nội đô. Khách cũng nghỉ lại lâu hơn, doanh thu tăng 5 triệu USD/ năm, cải thiện phúc lợi xã hội, chăm sóc y tế của địa phương, góp phần thay đổi xã hội một cách bền vững. “Chúng tôi rất kỳ vọng sẽ đạt được khách ở lại 3-4 đêm tại Chiềng Mai với khoảng hơn 90% du khách với sự hỗ trợ, quan tâm của Chính phủ. Đồng thời, chúng tôi sẽ xây dựng hệ sinh thái của các điểm đến, tìm hiểu văn hóa địa phương, tăng thời gian khách ở lại”, ông Thumanoon Parktoop cho biết.

“Ở Myanmar, chúng tôi đã triển khai nhiều hoạt động du lịch ở nông thôn, gần các điểm du lịch nổi tiếng. Chúng tôi nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng địa phương. Bắt đầu từ 1-2 dự án khởi động, chúng tôi có thể triển khai nhiều dự án hơn, hợp tác với nhiều doanh nghiệp xã hội để tạo lợi ích cho cộng đồng địa phương, tập huấn cho các lao động địa phương để họ có thể tham gia chuỗi cung ứng du lịch: nhà hàng, cơ sở lưu trú, ẩm thực, nghệ thuật, giao lưu văn hóa.... Tạo điểm nhấn đặc thù cho các địa phương, kết nối địa phương và doanh nghiệp, kết nối nguồn đầu tư, các bên đều có lợi. Sau khi dự án kết thúc, năng lực lao động địa phương đã được thay đổi, khác với những năng lực trong quá khứ”, ông Zeyar Myo Aung, Phó Tổng cục trưởng, Bộ Khách sạn và Du lịch Myanmar chia sẻ.

Ông Li Bowen, Giáo sư trường Cao đẳng Du lịch thuộc Đại học Liên hợp Bắc Kinh cho biết: “Để phục hồi sau dịch Covid-19, chúng tôi bổ khuyết năng lực cho các điểm đến khác nhau, làm việc với các bên liên quan tác động đến sự phát triển của ngành Du lịch. Đặc biệt, yếu tố công nghệ được nhấn mạnh, các bên cùng hưởng lợi, tập trung vào truyền thông xã hội. Thông qua xây dựng hình ảnh thương hiệu, chúng tôi tạo điều kiện cung cấp hỗ trợ công nghệ, truyền thông nhanh chóng và tích cực”.

Các diễn giả và đại biểu ngay tại Diễn đàn đã khẳng định, những nỗ lực tái thiết sau dịch Covid-19 đã khiến các đối tác có cảm hứng, chia sẻ với nhau, cùng nhau phát triển. Tất cả đều thống nhất việc phải nghiên cứu quy hoạch du lịch, tác động nhiều chiều, có cái nhìn tổng quan, tổng thể và bao trùm khi triển khai các dự án du lịch. Bên cạnh đó, triển khai bộ giải pháp đa dạng, toàn diện. Covid-19 chính là sự kiện mang tính thức tỉnh để chúng ta biết rằng có những thứ cần phải thay đổi, có những thứ rất đau đớn cần phải đối mặt nhưng tất cả đều sẽ được giải quyết bằng tinh thần lạc quan, đoàn kết, sáng tạo.

THÚY HÀ- KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc