Diễn đàn Du lịch Mekong 2022(MTF 2022): Tái thiết ngành du lịch bền vững, toàn diện

VHO- Hôm nay 12.10, Phiên họp chính của Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 chính thức diễn ra tại tỉnh Quảng Nam. Tại Phiên họp này, sẽ có các bài phát biểu và thảo luận của các diễn giả từ Tổng cục Du lịch Việt Nam (VNAT), đại diện Cơ quan Du lịch các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Destination Mekong, Agoda, Hiệp hội Lữ hành châu Á - Thái Bình Dương, Hiệp hội Du lịch ASEAN...

Diễn đàn Du lịch Mekong 2022(MTF 2022): Tái thiết ngành du lịch bền vững, toàn diện - Anh 1

 Đoàn Việt Nam và Campuchia ký kết biên bản thống nhất nội dung làm việc và phương hướng hợp tác

 

 Chú trọng áp dụng công nghệ

Theo chương trình dự kiến, sau phát biểu khai mạc của lãnh đạo Bộ VHTTDL Việt Nam, phát biểu chào mừng đến từ Giám đốc điều hành Văn phòng điều phối Du lịch Mekong (MTCO); lãnh đạo tỉnh Quảng Nam; các diễn giả sẽ tập trung vào trình bày các nội dung xoay quanh các chủ đề như: Việc phục hồi du lịch sau Covid-19; Chuyển đổi kỹ thuật số, nội địa hóa chuỗi cung ứng; Mô hình kinh doanh doanh nghiệp xã hội và các phương pháp hay nhất để ngành du lịch phục hồi, đặc biệt là sử dụng các công nghệ mới nhất.

Các chủ đề trao đổi tại Diễn đàn sẽ bao gồm các xu hướng lớn ảnh hưởng đến sự phục hồi của ngành du lịch. Các thành viên tham gia thảo luận và các chuyên gia sẽ đề xuất những chính sách, quy định và đầu tư cần thiết để khôi phục hoạt động du lịch và lữ hành. Đặc biệt chú trọng đến các giải pháp dựa trên tự nhiên và áp dụng công nghệ.

Các nội dung cụ thể sẽ đề cập đến các doanh nghiệp xã hội, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ du lịch bền vững và người mua, đồng thời mở ra các cơ hội du lịch xanh. Dự kiến, bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành, Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) sẽ trình bày đề dẫn “Tương lai của ngành du lịch - Tư duy lại về du lịch, tư duy lại về quảng bá và quản lý điểm đến”. Ở góc nhìn chuyên gia, ông Wouter Schalke, Chuyên gia cao cấp về Du lịch bền vững của ADB sẽ trình bày vấn đề “Hồi sinh du lịch bền vững - Suy ngẫm về Mekong”.

Diễn đàn Du lịch Mekong 2022(MTF 2022): Tái thiết ngành du lịch bền vững, toàn diện - Anh 2

 Phiên họp Nhóm Công tác Du lịch GMS lần thứ 50 Ảnh: BTC

Bên cạnh đó sẽ có 3 phiên thảo luận diễn ra tại diễn đàn chính trong ngày 12.10. Phiên thảo luận 1 với chủ đề: “Doanh nghiệp công: Một công cụ mạnh mẽ và có mục đích để phục hồi, phát triển và xúc tiến du lịch bền vững” do bà Catherine Germier-Hamel, Giám đốc điều hành Destination Mekong điều hành. Phiên thảo luận tập trung vào tìm hiểu cách các doanh nghiệp công đưa ra mô hình kinh doanh mong muốn cho tăng trưởng bao trùm, môi trường bền vững và xây dựng thương hiệu tích cực cho các điểm đến.

Phiên thảo luận 2 với chủ đề “Các phương pháp mới để kết nối người mua và nhà cung cấp du lịch bền vững”, được điều hành bởi ông Steven Schipan, chuyên gia cao cấp ngành du lịch ADB, sẽ khám phá những cách thức mới để kết nối các bên liên quan đến du lịch Mekong với thị trường, tài chính, thiên nhiên và liên kết lẫn nhau để thúc đẩy sự phục hồi bền vững sau suy thoái Covid-19.

Với chủ đề “Công nghệ: Mở ra cơ hội du lịch xanh”, phiên thảo luận 3 được điều hành bởi ông Daniel Gelfer, Giám đốc phụ trách các vấn đề chính phủ toàn cầu của Agoda sẽ tập trung vào khám phá góc nhìn rộng hơn về cách công nghệ có thể định hình tương lai của du lịch xanh, học tập các phương thức phát triển thành các mô hình kinh doanh bền vững hơn với môi trường và xã hội thông qua công nghệ số.

Diễn đàn Du lịch Mekong 2022(MTF 2022): Tái thiết ngành du lịch bền vững, toàn diện - Anh 3

 Triển lãm du lịch, giới thiệu điểm đến trong khuôn khổ MTF 2022 Ảnh: KHÁNH CHI

Nhiều phiên họp nhóm quan trọng

Trong khuôn khổ MTF 2022, trong hai ngày 10 - 11.10, đã diễn ra một số Phiên họp nhóm quan trọng liên quan đến các vấn đề phát triển du lịch các nước GMS trong thời gian tới đó là: Phiên họp Ban Chỉ đạo Dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mekong mở rộng giai đoạn 2. Tại phiên họp, đại điện 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã cập nhật, chia sẻ về tình hình thực hiện dự án trong giai đoạn vừa qua, cùng với đó là kiến nghị, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy phát triển ngành du lịch. Đoàn Việt Nam đã chia sẻ các nội dung: Cơ sở hạ tầng tiếp cận đô thị, nông thôn và các dịch vụ môi trường đô thị được cải thiện như đường vào các điểm du lịch, cầu tàu chở khách, không gian xanh công cộng… Năng lực thực hiện các Tiêu chuẩn Du lịch ASEAN được tăng cường thể hiện qua việc các tổ chức chứng nhận; các khung đánh giá; xúc tiến áp dụng tiêu chuẩn. Năng lực thể chế về quản lý điểm đến du lịch và cơ sở hạ tầng được tăng cường.

Còn tại Phiên họp Nhóm Công tác du lịch Việt Nam - Campuchia lần thứ 3 do ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL Việt Nam) và ông Thong Rathasak, Cục trưởng Cục Phát triển du lịch và Hợp tác quốc tế (Bộ Du lịch Campuchia) đồng chủ trì, hai bên đã cùng chia sẻ về tình hình, kết quả hoạt động du lịch thời gian qua, thống nhất tăng cường hợp tác trên các hoạt động chính để thúc đẩy du lịch phục hồi gồm: Hợp tác tạo thuận lợi đi lại du lịch qua biên giới; Xúc tiến quảng bá du lịch chung; Tăng cường liên kết và phát triển sản phẩm du lịch; Trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin; Thống nhất sẽ tổ chức phiên họp lần thứ 4 vào năm 2023 tại Campuchia.

Tiếp đó là Phiên họp Nhóm Công tác Du lịch GMS lần thứ 50 và Phiên họp Văn phòng Điều phối Du lịch Mekong (MTCO) do Tổng Cục Du lịch Việt Nam và MTCO, ADB đồng chủ trì, có sự tham gia của các đại biểu cấp Vụ, Cục của cơ quan du lịch quốc gia 6 nước GMS, đại diện ADB, MTCO và một số đối tác trong hợp tác GMS. Phiên họp đề cập đến những vấn đề quan trọng như mở cửa du lịch quốc tế, thực hiện Kế hoạch khôi phục truyền thông du lịch Mekong, các dự án và hoạt động du lịch do ADB và các đối tác phát triển tài trợ, kế hoạch hoạt động của các đối tác… Các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng cập nhật về tiến độ thực hiện các sáng kiến và chiến lược phục hồi du lịch, tập trung vào 4 nội dung chính: Cập nhật thông tin quốc gia mở cửa trở lại sau dịch; Các chương trình hỗ trợ của Chính phủ cho các doanh nghiệp du lịch và các nỗ lực tiếp thị công tư; Kinh nghiệm thực tiễn, các vấn đề và thách thức trong việc mở cửa trở lại du lịch; Đề xuất các sáng kiến mà các quốc gia thành viên GMS có thể cùng nhau thực hiện để đẩy nhanh quá trình phục hồi, thúc đẩy ứng dụng công nghệ, bắt đầu xây dựng lại các sự kiện, mô hình du lịch và thị trường mới để đáp ứng với xu hướng du lịch sau dịch của du khách.

Trong khuôn khổ MTF 2022, còn nhiều hoạt động được tổ chức như: Các hội nghị, hội thảo quốc tế chuyên đề du lịch; Triển lãm du lịch bền vững các nước GMS trưng bày và quảng bá các sản phẩm địa phương, du lịch cộng đồng và du lịch bền vững; giới thiệu điểm đến, các chương trình khảo sát sản phẩm, điểm đến của quốc gia đăng cai; kết nối giữa các doanh nghiệp và liên kết những chuyên gia du lịch trong Tiểu vùng; công tác truyền thông về sự kiện trước, trong và sau Diễn đàn.

Tỉnh Quảng Nam, đơn vị đăng cai tổ chức Diễn đàn sẽ tổ chức ba chương trình tham quan theo chủ đề cho các đại biểu tham dự vào ngày 13.10 gồm: Chương trình du lịch di sản văn hoá tham quan Khu đền tháp Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An; Chương trình du lịch sinh thái tham quan; Chương trình du lịch xanh và du lịch nông nghiệp trải nghiệm câu chuyện về nông nghiệp hữu cơ và nền kinh tế tuần hoàn. 

KHÁNH CHI

Ý kiến bạn đọc