Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

Chính sách xã hội nhìn từ Nghị quyết Hội nghị TƯ 5 khóa XI: (Bài 2) - Nhận diện những khó khăn, thách thức

Thứ Tư 05/10/2022 | 16:01 GMT+7

VHO- Từ khi Nghị quyết 15/NQ-TƯ được ban hành, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xuất hiện, những thách thức trong việc mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam, nâng tỷ lệ người dân tham gia các loại hình BHXH, đặc biệt với hàng chục triệu lao động khu vực phi chính thức đòi hỏi cần nghiên cứu, thiết kế chính sách an sinh toàn diện, hấp dẫn thu hút người dân tham gia, để không để ai bị bỏ lại phía sau và tránh những cú sốc trước thiên tai, dịch bệnh…

Thách thức từ việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng, hệ thống an sinh xã hội từng bước được thể chế hóa và hoàn thiện về cả phương pháp tiếp cận, cũng như xây dựng hệ thống chính sách pháp luật. Hiến pháp năm 2013 đã hiến định: "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội" (Điều 34). Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội”.

Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Văn Hồi đánh giá những khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 15/NQ-TƯ

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XI, đến nay, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống an sinh xã hội tương đối toàn diện và đa dạng, ngày càng mở rộng về diện đối tượng, hiệu quả được nâng cao với 4 nhóm chính sách: Nhóm chính sách việc làm đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo: hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro thông qua tham gia thị trường lao động để có được việc làm tốt, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững; Nhóm chính sách bảo hiểm xã hội: hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động, tuổi già…thông qua tham gia bảo hiểm xã hội để chủ động bù đắp phần thu nhập bị suy giảm hoặc bị mất do các rủi ro trên; Nhóm chính sách trợ giúp xã hội, bao gồm chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp đột xuất và Nhóm chính sách dịch vụ xã hội cơ bản, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ cơ bản về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông.

Nếu như trước đây, đối tượng tham gia BHXH ở nước ta chỉ bó hẹp trong phạm vi công nhân, viên chức nhà nước và lực lượng vũ trang thì hiện nay đối tượng tham gia BHXH được mở rộng đến cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động theo hợp đồng lao động từ 1 tháng trở lên; người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng BHXH bắt buộc. Chính sách BHXH tự nguyện cũng được thực hiện từ năm 2008 để mọi người lao động không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc thì cũng có cơ hội tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi đã đạt được, các chính sách xã hội đã bộc lộ những khó khăn, thách thức, bất cập cả về quy định, tổ chức thực hiện và quản lý. Theo Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Văn Hồi, chính sách xã hội hiện chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện; còn chênh lệch mức sống giữa vùng miền, đối tượng. Quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách xã hội chưa đồng bộ, thiếu đồng đều giữa các địa phương.

“Cùng với đó là kết quả giảm nghèo chưa đồng đều, tỷ lệ tái nghèo vẫn cao; nhóm lao động khu vực phi chính thức chưa được quan tâm đúng mức; độ bao phủ BHXH thấp so với tiềm năng; BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn người lao động tham gia; phạm vi bao phủ của trợ giúp xã hội còn hẹp. Chất lượng dịch vụ xã hội còn hạn chế, hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội, chăm sóc xã hội còn chưa đáp ứng được yêu cầu”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi nhận định.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hồi, ngoài nguyên nhân khách quan như thiên tai, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, dịch bệnh… thì một phần nguyên nhân chủ quan do nhận thức về vai trò, vị trí đối với chính sách xã hội của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp còn hạn chế; hệ thống chính sách pháp luật còn chậm tích hợp, sửa đổi, hoàn thiện, thiếu nhất quan trong triển khai thực hiện. Về tổ chức bộ máy, nhân lực, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH đánh giá là còn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội; phương thức quản lý, quản trị nhà nước trong các lĩnh vực xã hội chậm hiện đại hóa; chậm ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và phát triển xã hội; chưa phận định rõ vai trò quản lý, điều hành của nhà nước, trách nhiệm của xã hội và sự tham gia của người dân….

Tiến tới phủ lấp “khoảng trống” chính sách

Hiện nay, các chính sách xã hội đã bao phủ đối với người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên, và người nghèo, nhưng còn một lượng lớn đối tượng “ở giữa” chưa đủ già, chưa đủ nghèo lại chưa được tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội. Số liệu năm 2021 của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, Việt Nam đang có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, trong đó chỉ có 4,3 triệu người đang được hưởng các chính sách xã hội (gồm 2,6 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp từ BHXH, và 1,7 triệu người hưởng từ bảo trợ xã hội). Như vậy, còn có khoảng 7,1 triệu người cao tuổi từ 60 - 79 tuổi và người không thuộc diện hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo hiện nay không được hưởng chính sách xã hội.

Nhận định của ông Nuno Cunha, chuyên gia an sinh xã hội cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam

 “Người nghèo đã có chính sách cho người nghèo, người già có chính sách cho người già, nhưng 7,1 triệu người không đủ già, không đủ nghèo lại không có chính sách gì cả. Điều này cho thấy một khoảng trống lớn mà Việt Nam cần bao phủ để đảm bảo an sinh xã hội toàn dân”, ông Nuno Cunha, chuyên gia an sinh xã hội cao cấp của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nhận định.

Đến năm 2021, Việt Nam có 16,6 triệu người tham gia BHXH, chiếm tỉ lệ 36% lao động trong độ tuổi lao động. Vậy là còn 64% người lao động không tham gia BHXH tức là khi về già họ sẽ không được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp BHXH. Ông Andre Gama, một chuyên gia khác của ILO cho biết, theo tính toán, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có gần 12 triệu người già không có lương hưu hay trợ cấp, trong khi chỉ có gần 3 triệu người có lương hưu và 1,3 triệu người được hưởng trợ cấp xã hội. Con số này sẽ không đạt được mục tiêu của Nghị quyết 28- NQ/TW ngày 23.5.2018 về cải cách chính sách BHXH với mục tiêu 65% người trên độ tuổi nghỉ hưu được hưởng hưu trí, trợ cấp hằng tháng.

Ông Andre Gama, một chuyên gia khác của ILO nêu thách thức về thực tế và mục tiêu trong thực hiện chính sách an sinh xã hội

 “Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số một cách nhanh chóng, quy mô gia đình hẹp lại với 2 con, nếu không có những chính sách kịp thời cho người già, trẻ em thì sẽ dồn gánh nặng lên vai người trẻ. Mục tiêu của Nghị quyết 28-NQ/TW  còn đề ra đến năm 2030, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia BHXH là 60%, (hiện nay khoảng 36%), tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động tham gia hệ thống BHXH tự nguyện là 5% (năm 2021 là 1%). Do đó, Việt Nam sẽ cần có những quyết sách mạnh mẽ để có thể giảm bớt chênh lệch giữa thực tế đạt được và mục tiêu hướng đến”, chuyên gia ILO nêu.

Chính sách cần hấp dẫn để thu hút đối tượng tham gia

Quảng Bình là một trong những địa phương có tỷ lệ lao động tham gia BHXH tự nguyện tăng nhanh, cao hơn khoảng 5% so với bình quân chung toàn quốc trong những năm gần đây. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình cho rằng, kết quả trên chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, vẫn còn 91,8%, tương ứng với 308.309 người dân chưa tham gia BHXH tự nguyện, và số người tham gia cũng chưa bền vững bởi họ dễ dàng từ chối đóng, thoát ra khỏi hệ thống an sinh xã hội khi gặp điều kiện kinh tế khó khăn.

“Chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn, nên chưa thu hút được đối tượng tham gia. Cụ thể, theo quy định, BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ dài hạn và ngắn hạn, tuy nhiên người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Người dân phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu là thời gian đóng quá dài, làm giảm tính hấp dẫn và hạn chế mong muốn tham gia BHXH tự nguyện”, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Bình nói.

Sau hơn 10 năm triển khai chính sách BHXH tự nguyện, cả nước mới chỉ có khoảng 1,5 triệu người dân tham gia. Họ đa phần là những lao động đã đóng BHXH bắt buộc nhiều năm và tham gia để kéo dài thời gian đóng cho đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí; và một bộ phận cư dân lao động trong khu vực phi chính thức. Nhưng con  số này chưa thật sự bền vững và cũng chỉ chiếm một số lượng nhỏ trong hàng chục triệu người chưa tham gia hệ thống an sinh xã hội (chiếm 66% lực lượng lao động).

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện không phải là “bảo bối” để phát triển người tham gia hệ thống BHXH. Ông  Andre Gama cho rằng để giải quyết vấn đề này, Chính phủ Việt Nam phải xây dựng được hệ thống an sinh xã hội đa tầng, từ trẻ em đến người già, người đóng góp BHXH đến người được hưởng trợ cấp miễn phí, trong đó cần mở rộng độ bao phủ người đóng góp ở nhóm người lao động chưa tham gia và thúc đẩy sự chính thức hóa bằng BHXH bắt buộc thay vì tự nguyện.

 “Một số người không tham gia BHXH không phải vì kinh tế khó khăn mà chưa có chính sách để họ tham gia một cách bắt buộc. Chẳng hạn với những ngành, nghề lao động cần có thẻ hành nghề như lái xe công nghệ thì họ phải tham gia BHXH bắt buộc. Nếu chỉ trông chờ vào BHXH tự nguyện để bao phủ toàn dân là không hiệu quả. Bởi vì ý nghĩa của bảo hiểm là được trợ cấp khi gặp rủi ro, nhưng với người thu nhập thấp thì bao nhiêu thứ phải lo trước mắt, nên việc khuyến khích họ mua BHXH tự nguyện rất khó nếu không bắt buộc”, chuyên gia ILO chia sẻ.

“Tỷ lệ lao động trong khu vực phi chính thức và nông nghiệp ở nước ta hiện nay chưa tham gia BHXH rất cao. Nếu không tạo đột phá việc thu hút tham gia BHXH tự nguyện thì sẽ rất khó mở rộng bao phủ BHXH. Do đó cần phải mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc tới bộ phận lao động hiện đang ở khu vực phi chính thức bằng cách chuyển một bộ phận khu vực phi chính thức thành khu vực chính thức; mở rộng thực hiện BHXH bắt buộc đối với những người có việc làm và thu nhập mà Nhà nước có thể quản lý được ở khu vực phi chính thức như các hộ kinh doanh, người bán hàng trực tuyến, lái xe công nghệ…”, PGS.TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng Viện Kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

                                                                                                 QUỲNH HOA

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top