Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Đã đề ra những quy định mang tính đột phá

Thứ Sáu 26/08/2022 | 10:28 GMT+7

VHO- Tại Hà Nội, hơn 60 đại biểu đến từ các Bộ, ngành trung ương, cơ quan của Quốc hội và các tổ chức xã hội đã tham dự Hội nghị phản biện Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ VHTTDL và UNWomen tổ chức. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp giá trị, nhằm nâng cao tính khả thi cho các quy định phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình, đặc biệt bảo vệ người bị bạo lực là nhóm yếu thế.

 Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp giá trị, nhằm nâng cao tính khả thi cho các quy định phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng bạo lực gia đình

Từ ngày 22 - 24.8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng các thành viên Ban soạn thảo đã dự các cuộc họp do Ủy ban Xã hội tổ chức để hoàn thiện dự án Luật trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Hiện hai cơ quan đang tiếp tục phối hợp rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính khả thi của các quy định và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Xã hội và các cơ quan có liên quan để chỉnh lý, báo cáo giải trình, tiếp thu đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4.

 Nhiều quy định mới được ủng hộ

Tại Hội thảo, đại diện Bộ VHTTDL (cơ quan soạn thảo Dự thảo Luật) Phó vụ trưởng Vụ Gia đình Khuất Văn Quý đã trình bày tóm tắt nội dung và các điểm sửa đổi, bổ sung của Dự thảo. Các đại biểu tập trung góp ý vào những vấn đề nhằm đảm bảo bình đẳng giới và việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực là nhóm dễ bị tổn thương; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải; tăng cường xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình; một số khuyến nghị nhằm đáp ứng chuẩn mực quốc tế…

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sau hơn 14 năm thi hành đã có tác động tích cực trong đời sống. Tuy nhiên, bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam, có xu hướng trầm trọng, phức tạp hơn, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội. Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) lần này đề ra những quy định mang tính đột phá, trong đó ưu tiên nhóm người bị bạo lực gia đình là phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em, người cao tuổi... “Đến nay, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam đã gửi 3 văn bản góp ý các lần Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tới cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các đoàn đại biểu Quốc hội, tham gia ý kiến tại nhiều hội thảo, hội nghị lấy ý kiến của các Bộ, ngành có liên quan; trong đó nhiều ý kiến đã được nghiên cứu tiếp thu qua các lần sửa đổi, chỉnh lý...”, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương chia sẻ.

Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp cơ sở

Theo các chuyên gia, với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành, các vụ việc được xử lý chủ yếu bằng hòa giải và theo kiểu xí xóa, đóng cửa bảo nhau. Vì vậy, gần 90% người bị bạo lực gia đình không muốn tìm đến sự trợ giúp của các cơ quan, tổ chức. Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM cho biết: “Điều 9 Dự thảo Luật quy định cụ thể một số quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình. Để đảm bảo thực hiện được các quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em mà Dự thảo Luật đã quy định, cần quan tâm các nội dung cụ thể nhằm nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp cơ sở như UBND, công an phường xã, người đứng đầu khu dân cư, trưởng khu phố, trưởng ấp… để hiểu rõ vai trò, trách nhiệm trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân khi có yêu cầu. Ví dụ, khi nạn nhân cần các cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc, thì phải được giải quyết ngay một cách kịp thời, nhanh chóng…”.

TS Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (nay là Ủy ban Xã hội) cho biết: “Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) được thiết kế theo hướng: Tất cả tin báo vụ bạo lực gia đình đều phải đến điểm cuối cùng là Chủ tịch UBND cấp xã và là người chịu trách nhiệm, phân công việc xác minh, phân công người xử lý. Có ý kiến nên giao cho Công an xã, tuy nhiên bạo lực gia đình có nhiều dạng (bạo lực thể xác, kinh tế, tinh thần, tình dục…), vì vậy không phải tất cả vụ việc đều cần công an xử lý, trong khi Việt Nam có cả hệ thống tổ chức chính trị xã hội rộng khắp ở cộng đồng. Chủ tịch UBND cấp xã là người chịu trách nhiệm toàn diện ở địa bàn xã, vì vậy, Dự thảo Luật giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã là hợp lý…”.

Dự thảo Luật cũng quy định, khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, Công an cấp xã có quyền yêu cầu người có hành vi bạo lực phải đến trụ sở Công an cấp xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực để làm rõ thông tin và giải quyết vụ việc. Trường hợp không đến thì công an cấp xã có trách nhiệm đưa người được yêu cầu về trụ sở... Theo các đại biểu tại Hội nghị, đây là điểm mới nhằm cách ly người gây bạo lực khỏi hiện trường để bảo vệ nạn nhân; đặc biệt là răn đe người gây bạo lực gia đình.

Kết thúc Hội nghị, các đại biểu đã tập trung kiến nghị nhằm tiếp tục tăng cường lồng ghép giới trong Dự thảo luật; tiếp tục chỉnh lý, xác định các hành vi bạo lực đảm bảo bao quát hơn các dạng thức của bạo lực; bổ sung nguyên tắc về chống phân biệt đối xử, định kiến, bổ sung đối tượng cần được ưu tiên trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp khi bị bạo lực; tăng cường cơ chế bảo vệ người bị bạo lực, nhất là trẻ em, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người đang ở tình trạng thể chất, sức khỏe không thể thực hiện được trách nhiệm cung cấp thông tin; gia tăng vai trò của các tổ chức, các thành viên trong gia đình bảo vệ người bị bạo lực; xác định trách nhiệm hoà giải cho chủ thể phù hợp để đảm bảo tương thích với các quy định pháp luật có liên quan, đồng thời đảm bảo hiệu quả của công tác hoà giải; tăng cường xã hội hoá công tác phòng, chống bạo lực gia đình thông qua việc thành lập quỹ hỗ trợ; xem xét tính khả thi cũng như tính phù hợp của các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia liên quan đến việc thực hiện công việc phục vụ cộng đồng…

Hội nghị thống nhất Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã đề ra những quy định mang tính đột phá, tuy nhiên, để các quy định của Luật bảo đảm tính khả thi, ngăn chặn triệt để các hành vi bạo lực gia đình và huy động được sự tham gia của toàn xã hội vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình thì vẫn cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện. n

 Từ ngày 22 - 24.8, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy cùng các thành viên Ban soạn thảo đã dự các cuộc họp do Ủy ban Xã hội tổ chức để hoàn thiện dự án Luật trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết, Dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, chuẩn bị một cách kỹ lưỡng. Hiện hai cơ quan đang tiếp tục phối hợp rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính khả thi của các quy định và tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Xã hội và các cơ quan có liên quan để chỉnh lý, báo cáo giải trình, tiếp thu đảm bảo chất lượng để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4

THÚY HIỀN; ảnh: HÒA HẢI

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
29
3031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top