Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

29 Tháng Ba 2024

Du lịch APEC mở - kết nối - cân bằng

Thứ Bảy 20/08/2022 | 13:14 GMT+7

VHO- Hội nghị Bộ trưởng Du lịch lần thứ 11 (TMM11) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vừa diễn ra tại thủ đô Bangkok (Thái Lan) vào ngày 19.8 với sự tham dự của các Bộ trưởng, quan chức du lịch cấp cao từ 21 nền kinh tế APEC và các tổ chức du lịch quốc tế quan sát viên. Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt dẫn đầu tham dự.

Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 11 diễn ra tại Bangkok với sự tham gia của lãnh đạo du lịch 21 nền kinh tế

Khuyến khích công dân của các nền kinh tế APEC đi lại quốc tế

Tham gia đoàn có Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cùng đại diện Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTTDL), các Vụ Lữ hành, Khách sạn, Hợp tác quốc tế của Tổng cục Du lịch.

Với chủ đề “Mở - kết nối - cân bằng”, Hội nghị ưu tiên thảo luận tập trung vào 4 nội dung: Chuyển đổi số trong du lịch, phát triển nguồn nhân lực, tạo thuận lợi đi lại và nâng cao năng lực cạnh tranh, du lịch bền vững và tăng trưởng kinh tế. Hội nghị cũng trao đổi về các biện pháp đã được các nền kinh tế APEC triển khai để thúc đẩy phục hồi du lịch hậu Covid-19, sự phối hợp giữa các nền kinh tế APEC trong khôi phục du lịch, phát huy vai trò động lực của du lịch và triển khai Tầm nhìn Putrajia 2040, bao gồm việc triển khai Kế hoạch hành động Aotearoa.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cho biết: “Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế và nội địa từ ngày 15.3. Đồng thời, Việt Nam cũng khôi phục chính sách thị thực (miễn thị thực đơn phương, song phương, thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu) và chính sách nhập xuất cảnh Việt Nam với khách quốc tế như trước đại dịch Covid-19”.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt và Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh và thành viên đoàn Việt Nam tại Hội nghị

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, để khởi động lại du lịch, ngành Du lịch đã thực hiện một số giải pháp quan trọng như: “Định hướng cho doanh nghiệp đổi mới sản phẩm du lịch; linh hoạt trong xúc tiến quảng bá, đang thực hiện chiến dịch xúc tiến Live fully in Vietnam - “Sống trọn vẹn ở Việt Nam” hướng tới khách du lịch nước ngoài. Đồng thời, tăng cường thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong du lịch, xác định chuyển đổi số là điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế số và phát triển du lịch thông minh, du lịch “không chạm”, “liền mạch” tại Việt Nam. Ngành Du lịch cũng đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động du lịch kéo dài đến hết năm 2023; hỗ trợ bồi dưỡng nhân lực du lịch…”

7 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã đón gần 750.000 lượt khách du lịch quốc tế; phục vụ 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa; vượt mục tiêu đón 62 triệu lượt khách nội địa) và đang tiếp tục theo đuổi mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt phát biểu tại Hội nghị

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt kêu gọi các nền kinh tế thành viên APEC đẩy mạnh hợp tác trao đổi, chia sẻ kịp thời, chính xác các quy định mới về xuất nhập cảnh và quản lý khách an toàn. Tăng cường khuyến khích các hãng hàng không, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch có chính sách linh hoạt cho khách sử dụng dịch vụ; hỗ trợ lẫn nhau quảng bá chính sách mở cửa du lịch quốc tế và khuyến khích công dân đi lại quốc tế tới các nền kinh tế đã mở cửa biên giới cho hoạt động du lịch.

Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong APEC mở cửa hoàn toàn

Trong khuôn khổ hội nghị, các Bộ trưởng, Trưởng đoàn du lịch APEC đã nghe Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (ABAC), Ban Hỗ trợ chính sách APEC (PSU), Trưởng Nhóm Công tác Du lịch APEC (TWG), Hội đồng Du lịch và Lữ hành Toàn cầu (WTTC), Hiệp hội Du lịch Châu Á - Thái Bình Dương (PATA), Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) đã báo cáo về tác động của Covid-19 và phục hồi du lịch, tối đa sử dụng số hoá trong phục hồi du lịch, hàng không và quảng bá du lịch.

Theo báo cáo của PSU, Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong 21 nền kinh tế APEC không đưa ra hạn chế nào về đi lại, không yêu cầu chứng nhận Covid-19, không yêu cầu xét nghiệm Covid-19, không yêu cầu cách ly.

Các tổ chức quốc tế khuyến nghị tới các nhà lãnh đạo du lịch APEC một số chính sách nhằm phục hồi du lịch như: Triển khai các yêu cầu liên quan tới Covid-19 cần dựa trên thực trạng và mức độ rủi ro của dịch bệnh; ủng hộ phát triển và ứng dụng hộ chiếu vắc xin điện tử; tăng cường truyền thông về các yêu cầu nhập cảnh cập nhật; xác định cơ chế giải quyết các rủi ro của khu vực có thể xảy ra do đại dịch Covid-19... Việc khởi động lại xúc tiến du lịch trực tiếp và xây dựng lòng tin cho du khách về du lịch an toàn; xây dựng nhận thức chung trong APEC về nhu cầu số hoá quá trình xử lý thông tin hành khách; tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và chính phủ về số hoá, dỡ bỏ các hàng rào và hạn chế áp dụng với đi lại của hành khách... cũng được các đại biểu đề xuất tới du lịch các nền kinh tế APEC.

Lãnh đạo du lịch các nền kinh tế APEC tham dự Hội nghị

Theo dự báo của WTTC, trong 10 năm tới (2022-2032), ngành Du lịch và lữ hành toàn cầu sẽ tạo ra thêm 126 triệu việc làm mới và đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 5,8% cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo là 2,7%. Trong đó, khu vực APEC được dự báo tạo ra 59 triệu việc làm mới và tăng trưởng 6,6%.

Các nhà lãnh đạo du lịch APEC đánh giá đại dịch Covid-19 và những thách thức kinh tế hiện nay như lạm phát, tăng giá nhiên liệu và thực phẩm đã đặt ra nhiều trở ngại cho sự phục hồi du lịch của khu vực, giảm lượng khách du lịch từ các thị trường xa, giảm chi tiêu cho du lịch. Đảm bảo rằng “không bỏ ai lại phía sau” là con đường chiến lược quan trọng hướng đến sự phục hồi du lịch nhanh chóng, các nhà lãnh đạo du lịch APEC thống nhất thúc đẩy du lịch an toàn, toàn diện và dễ tiếp cận với tất cả mọi người. Nỗ lực để các điểm du lịch, cơ sở vật chất, sản phẩm và dịch vụ du lịch sẽ ngày càng dễ tiếp cận hơn với mọi người, trong đó có thị trường APEC với 435 triệu dân.

Vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và phụ nữ là lực lượng lao động chiếm số đông, các nhà lãnh đạo du lịch APEC cũng ủng hộ lồng ghép vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ để họ nắm bắt các cơ hội kinh tế mà du lịch mang lại trong các chính sách du lịch. Đồng thời, chú trọng bảo tồn đa dạng sinh thái độc đáo, tôn trọng sự phong phú, đa dạng về văn hoá và kiến thức của các cộng đồng tại địa phương.... Đây chính là những giá trị để thu hút du khách đến với khu vực APEC.

Tinh thần kinh doanh của cộng đồng, hỗ trợ cộng đồng nâng cao kĩ năng và năng lực kinh doanh du lịch cho cộng đồng cũng được các nhà lãnh đạo du lịch APEC nhất trí thúc đẩy. Bên cạnh đó, đề cao cách tiếp cận phát triển du lịch “tại điểm”, du lịch sáng tạo; khuyến khích các nền kinh tế thành viên hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác về du lịch bền vững, tăng cường số hoá và đầu tư du lịch.

Các lãnh đạo tham dự Hội nghị Bộ trưởng Du lịch lần thứ 11 (TMM11) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)

Các nhà lãnh đạo du lịch APEC đã thông qua “Khuyến nghị chính sách về du lịch trong tương lai” và “Hướng dẫn cập nhật của APEC dành cho các chủ thể tham gia vào kinh doanh du lịch”. Ở đó, phản ánh tâm huyết của tất cả các nền kinh tế APEC trong việc theo đuổi tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm.

Các nhà lãnh đạo du lịch APEC đã biểu dương và khuyến khích Nhóm Công tác Du lịch tăng cường phối hợp giữa các Nhóm Công tác như: Nhóm Công tác Giao thông Vận tải, Nhóm Công tác Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nhóm Công tác về Đại dương và Thủy sản...

Hội nghị kết thúc với việc thông qua Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 11 và thống nhất Hội nghị Bộ trưởng Du lịch APEC lần thứ 12 sẽ được tổ chức tại Peru vào năm 2024.

TRẦN NHUNG- NGHIÊM HÙNG (từ Thái Lan)

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top