Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

28 Tháng Ba 2024

“Lạ hóa” những cuộc chơi văn chương

Thứ Tư 13/07/2022 | 10:01 GMT+7

VHO- Trong “địa hạt” văn chương vừa phì nhiêu màu mỡ lại vừa xơ rối cỗi cằn, những người viết trẻ như các lớp sóng nối gối lên nhau, nỗ lực tự định vị mình trên bản đồ văn học nước nhà. Để những tác giả trẻ thêm dồi dào bút lực, bồi đắp và thúc đẩy sự sáng tạo, rất cần sự đồng hành, hỗ trợ nhằm giúp họ đủ đầy hơn những phương tiện cần thiết để thực sự dấn thân với nghề.

Bằng lối viết “lạ”, những cây bút trẻ đã tạo nên chuyển động cho văn học Việt Nam đương đại Ảnh: ITN

 Bằng những lối viết “lạ”

Văn học Việt Nam tính từ đầu thế kỷ XXI đến nay đã có hơn hai thập kỷ để hội nhập thế giới và đạt được nhiều thành tựu. Tại Hội thảo khoa học “Văn học trẻ hôm nay: Mạch riêng và nguồn chung” diễn ra mới đây, PGS.TS Thái Phan Vàng Anh (Đại học Sư phạm Huế) cho rằng: Một thế hệ những người viết trẻ mới đã xuất hiện và tiếp tục mang khát vọng dùng văn chương để suy tư về con người và xã hội theo cách của họ. So với 15 hay 20 năm trước, những mối bận tâm của người trẻ hôm nay có thể đã khác. Song, nhìn từ tư duy nghệ thuật và cá tính sáng tạo của nhiều cây bút, có thể nói văn học trẻ hôm nay vẫn tiếp tục “lạ hóa một cuộc chơi”. Không mới về đề tài, nhưng lạ là ở cách “đánh thức và tái cấu trúc quá khứ”. Bằng lối viết “lạ”, những con người thanh xuân ấy đã tạo nên chuyển động cho văn học Việt Nam đương đại.

Theo PGS.TS Thái Phan Vàng Anh, dấu hiệu để nhận biết sự xuất hiện của các nhà văn trẻ là những hiện tượng, những “ồn ào” văn học xung quanh họ. Bởi người trẻ bao giờ cũng được chờ đợi và cùng với sự kỳ vọng, đón nhận là cả những thận trọng, dè chừng.

Còn với nhà phê bình Hoàng Đăng Khoa, nhiều người tỏ ra bi quan khi thi thoảng lại đưa ra cảm thán, rằng văn chương đang lâm nguy, rằng người trẻ ngày càng thực dụng, chẳng còn mấy ai đoái màng văn chương… Xem ra sự bi quan này là hệ quả của thói quan liêu, nghĩa là họ không đọc, không quan sát nhưng vẫn cứ… phán như đúng rồi! Trong khi đó, sự thực, đội ngũ người trẻ viết văn chưa bao giờ là thưa mỏng hay vắng thiếu.

Nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng của văn học trẻ thời gian qua, nhà phê bình Đỗ Anh Vũ nhận định, từ sau đổi mới, văn chương Việt được “tháo cũi sổ lồng”, phá tung mọi gò bó và những giữ gìn, khép nép vốn rất đặc trưng trong thời kỳ trước đó. Một lớp nhà văn mới được phát triển trong bối cảnh khá cởi mở và tự do về phô diễn tư tưởng, hội nhập dễ dàng với các nền văn học trên thế giới, một kỷ nguyên công nghệ số với sự hỗ trợ đắc lực của Internet, của ngoại ngữ, của trí tuệ nhân tạo đã làm rút ngắn lại nhiều khoảng cách… Những người viết trẻ ở cả hai khu vực sáng tác cơ bản là văn xuôi và thơ ca trong văn học viết đương đại đã cho ta một bức tranh khá đa dạng, nhiều sắc màu.

Chắp cánh cho những cây viết trẻ

Trong những năm qua, hoạt động xuất bản và thị trường sách phát triển mạnh mẽ, phong phú. Các hoạt động hội chợ sách, ngày hội sách, xu thế phát triển văn hóa đọc… đang tạo những điều kiện tốt cho sự xuất hiện của các tác giả văn học, trong đó có nhiều tác giả trẻ. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của mạng xã hội giúp cho các tác phẩm văn học trẻ được giới thiệu nhanh chóng, rộng rãi trên không gian mạng cũng như cộng đồng cư dân mạng.

Trong công tác của hội nghề nghiệp, có một số hoạt động đáng chú ý hướng đến người cầm bút trẻ, như các chuyến đi thực tế, trại sáng tác, các chương trình như Sân thơ Trẻ, Hội nghị những người viết văn trẻ toàn quốc, Giải thưởng Tác giả trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam; các CLB Văn học, giải thưởng cho tác giả trẻ, hoạt động tài trợ sáng tác… của các Hội nghề nghiệp địa phương, Bộ, ngành. Ngành văn hóa đã và vẫn có mối quan tâm nhất định với lực lượng viết văn trẻ nói riêng, đội ngũ những người sáng tác nói chung, từ đào tạo, bồi dưỡng đến tổ chức xuất bản, phát hành tác phẩm… Đó là những điều kiện thiết thực và có ý nghĩa động viên, thúc đẩy đối với nhiều cây bút trẻ trong quá trình đào tạo lẫn hành nghề, tác nghiệp hoặc phần nào thỏa mãn đam mê sáng tác văn chương của họ.

Tuy nhiên, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng lại cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, những mối quan tâm, hoạt động hợp tác, hỗ trợ cần được thúc đẩy hơn bằng nhiều sáng tạo mới, cách làm phù hợp tình hình, điều kiện sống, sáng tác và những nguyện vọng, mong muốn của người cầm bút trẻ. Cụ thể, cần xây dựng chính sách, cơ chế tìm kiếm, bồi dưỡng, đào tạo, hỗ trợ các tài năng văn học, trong đó chú trọng cụ thể, thiết thực đến các điều kiện, mức độ bồi dưỡng, hỗ trợ, đầu tư cho sinh viên ngành viết văn, những người viết trẻ, các tài năng văn học trẻ. Xây dựng cơ chế đặt hàng, hỗ trợ sáng tác; các mô hình hỗ trợ như tài trợ tác giả trẻ in tác phẩm, tổ chức ra mắt, quảng bá; xây dựng các tủ sách văn chương thế hệ mới, kết hợp phát hành ở thị trường trong nước và dịch thuật để giới thiệu ra nước ngoài…

Nhà thơ Vinh Huỳnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội góp ý, cần tăng cường tính nhà nghề, mở rộng thêm nhiều sân chơi như diễn đàn, đối thoại, tọa đàm và việc đào tạo cho các cây bút trẻ, tận dụng tối đa các hình thức online; tổ chức nhiều cuộc thi hơn nữa về nhiều chủ đề để họ thỏa sức thể hiện tài năng. Tích cực tổ chức các kênh đầu ra theo hướng liên kết với các nhà sách, đơn vị phát hành trong và ngoài nước, tổ chức các ngày hội sách, triển khai dịch thuật… nhằm xuất bản, tái bản các tác phẩm.

Các hoạt động như vậy được triển khai thực hiện sẽ tạo thêm điều kiện, hỗ trợ, hợp tác tích cực, hiệu quả hơn với những người đang tham gia tích cực vào đời sống văn học và được coi là chủ nhân của nền văn học nước nhà trong tương lai. 

TRUNG HIẾU

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
23
24
25
26
27
28
293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top