Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Bác sĩ Mỹ bén duyên với văn hóa Việt Nam

Thứ Hai 20/06/2022 | 09:41 GMT+7

VHO- Tình nguyện tới Việt Nam tham gia chữa bệnh cho những người dân tộc thiểu số tại miền Trung từ năm 1969, bác sĩ người Mỹ Mark Rapoport đã “phải lòng” dải đất hình chữ S. Từ đó tới nay, ông có nhiều hoạt động tại quê hương thứ hai của mình, trong đó phải kể tới mối lương duyên giữa ông với văn hóa qua việc bền bỉ sưu tầm, quảng bá các hiện vật thể hiện bản sắc của 54 dân tộc Việt Nam…

 Ông Mark Rapoport bên bộ sưu tập hiện vật trao tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Bộ sưu tập hơn 10.000 hiện vật

Năm 1969, Mark Rapoport lần đầu đến Việt Nam khi còn là sinh viên Y khoa. Ông được Hiệp hội Y khoa Mỹ cử đi làm tình nguyện viên y tế tại Bệnh viện thành phố Đà Nẵng và ở các làng dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Ngãi. Từ đây, ông đã sưu tầm những hiện vật đầu tiên về văn hóa của Việt Nam.

Kỷ niệm về hiện vật mua của một phụ nữ dân tộc thiểu số ở Quảng Nam trong chuyến công tác năm 1969 vẫn được Mark lưu giữ cho tới ngày nay. Ông chia sẻ, khi đến một ngôi làng dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi, người phiên dịch nói rằng nơi đây rất nghèo, nếu ai muốn mua các vật dụng trong gia đình thì người dân cũng sẵn lòng bán. Thế là ông mua một chiếc giỏ dùng để đựng cơm và chiếc gùi 3 ngăn trông giống như một chiếc ba lô, thường dành cho nam giới nhưng đôi khi phụ nữ cũng sử dụng.

Trở về Mỹ làm việc ở TP New York trong 25 năm tại các trường y tế, bệnh viện và Chính phủ, Mark Rapoport vẫn có nhiều chuyến đi ngắn ngày tới Việt Nam. Từng đặt chân tới hơn 70 nước trên khắp các lục địa, đến năm 2000, gia đình ông quyết định sẽ sống ở một quốc gia khác ngoài Mỹ, và cuối cùng họ chọn Việt Nam là điểm đến. “Tất cả chúng tôi đều phải lòng đất nước này. Chúng tôi có những công việc tuyệt vời ở đây”, ông Mark chia sẻ về quyết định sống ở Hà Nội để thực hiện nghiên cứu về ảnh hưởng của chất độc da cam đối với dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh. Trong thời gian ở Việt Nam, ông tiếp tục sưu tầm hiện vật về văn hóa các dân tộc, bắt đầu từ đồ vật của các dân tộc thiểu số, sau đó là các đồ vật của người Kinh.

“Đôi khi tôi tình cờ bắt gặp một số đồ vật sẽ đưa tôi đi theo một hướng sưu tầm hoàn toàn mới, chẳng hạn như hiện vật tâm linh của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, điển hình là tranh thờ”, Mark Rapoport kể. Ông thấy rất thú vị khi hầu hết các bức tranh đều có dây để buộc lên trán thầy cúng, giúp họ có thể kết nối với vị thần được vẽ trên tranh. Hầu hết các khuôn mặt được khắc họa trên tranh là nam giới, tuy nhiên, có khoảng 10% tranh vẽ các vị nữ thần (như Cô Bơ, Cô Chín, Bà Mụ...). Điều này khơi gợi sự quan tâm của ông, và vì thế, ông đã bỏ nhiều công sức tìm kiếm những bức tranh nữ thần để bổ sung vào bộ sưu tập của mình.

Hơn 10.000 hiện vật mà Mark Rapoport sưu tầm gồm đa dạng thể loại: Nông cụ, nhà bếp, ăn trầu, trang sức, trang điểm, trang phục, đồ dệt, điêu khắc, tranh, tượng... Ông luôn chú ý tới những “công cụ sinh hoạt” được sử dụng trong trồng trọt, đánh bắt, chế biến thực phẩm, tạo ra trang phục… Dù những hiện vật này không phải “nghệ thuật đỉnh cao”, nhưng lại truyền tải nhiều giá trị kiến thức. Một mặt, chúng nhấn mạnh tính phổ quát của trải nghiệm cuộc sống với những công việc mà ai cũng phải thực hiện; mặt khác, chúng cho thấy sự biến đổi mà loài người đã tạo ra công cụ để thực hiện những công việc ấy.

 Chiếc gùi 3 ngăn, một trong những hiện vật đầu tiên ông Mark Rapoport sưu tầm

Tâm huyết quảng bá văn hóa Việt Nam

Trong quá trình sưu tầm hiện vật về văn hóa các dân tộc, với ông Mark Rapoport, rào cản lớn nhất là ngôn ngữ. May mắn là ông có những người bạn yêu di sản giúp phiên dịch và tìm kiếm thông tin. Từ các tài liệu thu thập được, Mark đã làm thành bảng thuyết minh cho mỗi hiện vật để người xem có thể hiểu về nguồn gốc, câu chuyện của hiện vật đó trong đời sống cộng đồng. Đây cũng là cách để ông ghi nhớ, tích lũy kinh nghiệm cho mình.

Không chỉ sưu tầm, Mark Rapoport còn tích cực bảo tồn và quảng bá hiện vật này ở Việt Nam cũng như thế giới. Vào năm 2006, ông cùng một đối tác Việt Nam mở một phòng trưng bày có tên 54 Traditions (54 Dân tộc) ở 33 Hàng Bún, Hà Nội. Ông cũng thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện với cộng đồng người nước ngoài đang sống tại Việt Nam về chủ đề văn hóa các dân tộc thiểu số. Du khách muốn tham quan, khám phá đời sống của đồng bào sẽ được ông và cộng sự tư vấn thông tin cụ thể.

Với mong muốn mang văn hóa Việt tới gần hơn với công chúng và khách tham quan, ông đã từng trao tặng nhiều hiện vật cho Bảo tàng Dân tộc học, Trường UNIS, Đại học Thái Nguyên và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Vào năm 2020, khi rời phòng trưng bày, ông bắt đầu suy nghĩ về việc tìm những nơi dừng chân mới cho hiện vật của mình ở Việt Nam và Mỹ. Tháng 5 vừa qua, ông đã trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam gần 500 hiện vật, với đa dạng các loại hình và chất liệu. “Tôi thấy giờ là lúc để trao tặng những hiện vật ấy, cũng như truyền tải câu chuyện về những hiện vật tới công chúng. Văn hóa Việt Nam vẫn chưa được biết đến và quảng bá rộng rãi ở bên ngoài đất nước như những gì nó xứng đáng có được. Thậm chí, ở các Bảo tàng lớn nhất ở New York cũng chỉ có số ít hiện vật đến từ Việt Nam. Để khắc phục một phần điều này, tôi đã trao tặng những hiện vật liên quan tới văn hóa Việt Nam cho một số Bảo tàng ở Mỹ như Bảo tàng Mingei ở San Diego, Bảo tàng Đại học Bates và Đại học Brown… Một vài chương trình trao tặng hiện vật bị tạm dừng bởi dịch Covid-19, nhưng tôi hy vọng sẽ tái khởi động ngay khi tôi quay về Mỹ”, ông Mark Rapoport cho biết. 

 Ông Mark Rapoport cho biết, thời gian vừa qua, gia đình ông sinh sống tại thành phố Hà Nội “như những người Hà Nội thực thụ”. Năm 2010, một công ty sách đã liên hệ với ông để xuất bản cuốn “101 lý do để sống ở Hà Nội”, đến nay cuốn sách đã được tái bản lần thứ 4 bằng tiếng Anh. Ông cũng thực hiện dự án “Kính”, trong gần 20 năm đã tặng 9.000 chiếc kính lão thị cho phụ nữ dân tộc thiểu số lớn tuổi, giúp họ tiếp tục công việc thêu thùa, may vá và bảo tồn nghề truyền thống.

 MINH ANH

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top