Menu
  1. Chính trị
  2. Văn hóa
  3. Nghệ thuật
  4. Giải trí
  5. Du lịch
  6. Thể thao
  7. Gia đình
  8. Kinh tế
  9. Ẩm thực
  10. Đời sống
  11. Nhịp sống số
  12. Pháp luật
  13. Thế giới

Chính trị

19 Tháng Ba 2024

Quốc hội thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) với số phiếu tán thành cao: Kỳ vọng điện ảnh Việt Nam sẽ có bước phát triển mới

Thứ Tư 15/06/2022 | 15:36 GMT+7

VHO - Chiều nay 15.6, Quốc hội đã thông quan Luật Điện ảnh (sửa đổi) với 449/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm hơn 90%. Đây là dự án Luật nhận được sự quan tâm của dư luận và cử tri. Luật Điện ảnh được thông qua sẽ tạo hành lang pháp lý và chính sách đột phá, có tầm nhìn dài hạn để phát triển điện ảnh Việt Nam với tư cách vừa là một ngành văn hoá, nghệ thuật, vừa là một ngành kinh tế.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung kỹ ỡng

Trước khi các đại biểu tiến hành biểu quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đã báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa, do đó rất cần có các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân;

Tại Kỳ họp này, những vấn đề cơ bản của dự thảo Luật đã được các đại biểu Quốc hội thống nhất cao. Bên cạnh đó, có một số vấn đề được đại biểu đóng góp ý kiến như chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh đã được tiếp thu, bổ sung chính sách nhà nước đầu tư cho sáng tác kịch bản phim; chính sách về xã hội hoá và đầu tư của Nhà nước trong xây dựng trường quay; chính sách xã hội hoá để phát triển điện ảnh và công nghiệp điện ảnh,…

Về quy định kiểm soát phân loại phim theo độ tuổi khi phổ biến trên không gian mạng trên truyền hình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện nay Việt Nam đang áp dụng phân loại đối với phim phổ biến trong hệ thống rạp chiếu phim bao gồm phân loại phim theo độ tuổi người xem và phim cấm phổ biến đến người xem để tăng cường các biện pháp bảo vệ người sử dụng dịch vụ, nhất là các đối tượng người chưa thành niên, dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung quy định thống nhất tiêu chí phân loại phim đối với tất cả các hình thức phổ biến phim đã được các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đồng thuận, đồng thời quy định nhiều biện pháp chế tài để kiểm soát đối với vấn đề phân loại phim. Về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, dự thảo Luật đã đề cập đầy đủ các nội dung về quản lý nhà nước tại Khoản 2 Điều 45, Điều 46, bảo đảm chặt chẽ, thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ, trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về điện ảnh, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong việc phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về điện ảnh.

Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) 

Về phổ biến phim, bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài trong kinh doanh theo từng hình thức phổ biến phim cụ thể. Khi phổ biến phim trong hệ thống rạp chiếu phim và địa điểm chiếu phim công cộng, doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài đều phải xin cấp giấy phép các loại phim. Đồng thời, khi phổ biến phim trên hệ thống truyền hình đều phải có quyết định phát sóng của quan báo chí có giấy phép hoạt động truyền hình. Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng đều phải có trách nhiệm phân loại phim theo độ tuổi người xem hiển thị cảnh báo và tuân thủ các quy định của Luật Điện ảnh sửa đổi. Luật cũng thống nhất  một tiêu chí phân loại phim áp dụng chung cho tất cả các hình thức phổ biến phim hai cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.

Về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, được chỉnh lý, bổ sung để bảo đảm các  tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng dịch vụ quay phim có sử dụng bối cảnh tại Việt Nam đều phải cam kết bằng văn bản không vi phạm các quy định về những nội dung hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh trước khi thực hiện phổ biến phim như: nghiêm cấm vi phạm Hiến pháp pháp luật Việt Nam phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc xâm phạm chủ quyền quốc gia gây tổn hại đến lợi ích quốc gia dân tộc, giá trị văn hóa Việt Nam. Theo định hướng phát triển công nghiệp văn hóa, việc xây dựng các chính sách phù hợp, tạo thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư làm phim nước ngoài sử dụng dịch vụ quay vào cảnh quay phim Việt Nam là hết sức cần thiết góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh các ngành dịch vụ liên quan nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước con người Việt Nam.

Quốc hội thông qua quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển Điện ảnh

Về Quỹ Hỗ trợ phát triển Điện ảnh, do có nhiều ý kiến khác nhau nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trực tiếp xin ý kiến đại biểu Quốc hội ngay tại Hội trường.

Theo đó, với 389/469 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 78,11%, quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển Điện ảnh tại các Điều 42, Điều 43, Điều 44 của dự thảo Luật đã được Quốc hội thông qua.

Sau đó, Quốc hội đã bấm nút thông qua toàn bộ Luật Điện ảnh (sửa đổi) với tổng số 449/467 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 90,16%.

Luật Điện ảnh sẽ chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 1.1.2023.

Quốc hội thông qua toàn bộ Luật Điện ảnh (sửa đổi)

Đánh giá về Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được thông qua, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, điểm mới quan trọng nhất của Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này là sự thay đổi tư duy trong quản lý và phát triển điện ảnh. Giờ đây, điện ảnh không chỉ được xem là một ngành nghệ thuật mang tính giải trí đơn thuần mà còn là một ngành công nghiệp văn hóa, ở đó chúng ta phát huy tài năng sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ, vốn (tiềm năng) văn hóa của đất nước, kết hợp với công nghệ và kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm điện ảnh phục vụ sự phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Sự phát triển của điện ảnh sẽ giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, đồng thời tạo tác động lan tỏa cho các lĩnh vực khác, giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở tư duy mới đó, những điều khoản có liên quan về chính sách hỗ trợ phát triển điện ảnh, cơ chế thu hút các tổ chức nước ngoài đến làm phim tại Việt Nam hay cách phân loại phim đã có sự thay đổi theo hướng thông thoáng hơn, mang tính kiến tạo nhiều hơn. Bên cạnh đó, một trong những vấn đề mới, cần phải tháo gỡ là phổ biến phim trên mạng cũng đã được quy định trong luật. Đây là vấn đề khó, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, vì thế đã nhận được nhiều sự thảo luận, góp ý của các đại biểu Quốc hội và nhiều bên liên quan. Việc quy định phổ biến phim trên không gian mạng tại điều 21 đã thực sự tạo điều kiện để chúng ta có một hành lang pháp lý quản lý đối tượng rất mới và khó này. Phương án hậu kiểm kết hợp với tiền kiểm là phương án khả thi nhất, phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay cũng đã được thông qua. Cuối cùng, những mong đợi về hội đồng thẩm định, phân loại phim cởi mở hơn, phân cấp phân quyền nhiều hơn, bao gồm nhà chuyên môn điện ảnh, chuyên gia, nhà quản lý thuộc các lĩnh vực liên quan, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giới, cũng có thể là những tín hiệu để chúng ta có thêm những hội đồng thẩm định, phân loại phim ở các địa phương, giúp cho hoạt động này có chất lượng và hiệu quả hơn.

Đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đại biểu Bùi Hoài Sơn kỳ vọng rằng khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực sẽ giúp nền điện ảnh Việt Nam phát triển, để chúng ta có những tác phẩm điện ảnh xứng đáng với thời đại Hồ Chí Minh, mang lại những hình ảnh tự hào, nét đẹp văn hóa, con người Việt Nam ra với thế giới, củng cố sức mạnh mềm văn hóa đất nước, tác động lan tỏa sang các lĩnh vực khác trong đời sống kinh tế - xã hội. “Chúng ta hy vọng rằng, những gì điện ảnh Hàn Quốc làm được gần đây với liên hoan phim quốc tế Busan, bộ phim Ký sinh trùng (Parasite) đoạt giải Oscar, bộ phim được quan tâm trên toàn thế giới như Squid Game không còn là giấc mơ xa vời của điện ảnh Việt Nam trong thời gian không xa!”, ông Sơn bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, Luật điện ảnh (sửa đổi) vừa được Quốc hội khoá XV, kỳ họp thứ 3 thông qua với trên 90% đại biểu Quốc hội tán thành, thể hiện sự kỳ vọng lớn của Quốc hội, của cử tri về sự phát triển của một trong những ngành công nghiệp văn hoá có tính lan toả rất cao, đó là công nghiệp điện ảnh. Một trong những yêu cầu của việc sửa đổi Luật điện ảnh 2006 là phải hoàn thiện  được cơ sở pháp lý để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp, cũng như xác lập nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, hoàn thiện các quy định nhằm thúc đẩy sự phát triển công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, phát huy tính chủ động của các thành phần tham gia hoạt động điện ảnh, đảm bảo và nâng cao tính cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh. Vì vậy, trong Luật này, chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh - một trong những nội dung được nhiều ĐBQH cũng như công luận quan tâm - đã được quy định theo hướng vừa khuyến khích sự phát triển của một ngành nghệ thuật và sự phát triển công nghiệp điện ảnh với tư cách là một ngành kinh tế, bao gồm các chính sách đầu tư, hỗ trợ, ưu đãi, khuyến khích phát triển điện ảnh và một số chính sách khác. Trong đó, các chính sách ưu đãi về thuế, phí, đất đai, tín dụng… đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đã được quy định về nguyên tắc và sẽ được quy định cụ thể hơn trong các văn bản luật chuyên ngành. Bên cạnh đó, Luật cũng đề ra một số chính sách mới như: hỗ trợ xây dựng thương hiệu điện ảnh quốc gia; hỗ trợ hoạt động lý luận, phê bình điện ảnh; khuyến khích đầu tư nước ngoài vào hoạt động điện ảnh, các chính sách thu hút các cơ sở điện ảnh nước ngoài hoạt động tại VN… Với việc thông qua Luật này, Quốc hội cũng cho phép tiếp tục duy trì Quỹ phát triển điện ảnh với mong muốn trong thời gian tới Quỹ sẽ được tổ chức, hoạt động có hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các tài năng nghệ thuật trong lĩnh vực điện ảnh.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương kỳ vọng điện ảnh Việt Nam thành công ở trong khu vực và trên thế giới

Hy vọng rằng, Luật Điện ảnh 2022 sẽ góp phần tích cực thúc đẩy phát triển nền nghệ thuật điện ảnh Việt Nam vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa tiên tiến, hiện đại và có uy tín với quốc tế; đồng thời, thúc đẩy điện ảnh vận hành như một ngành kinh tế tổng hợp, tuân theo các quy luật kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với thông lệ, cam kết quốc tế và xu hướng vận động của điện ảnh thế giới và trở thành một trong những nền công nghiệp văn hoá thành công ở trong khu vực và trên thế giới.

HOÀNG HƯƠNG; ảnh: TRẦN HUẤN

Print

Hãy Đăng nhập hoặc Đăng ký đăng nhận xét.

Danh mục bài viết

«Tháng Ba 2024»
T2T3T4T5T6T7CN
26
27
28
29
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
2021222324
25262728293031
1234567

© BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ
Cơ quan chủ quản: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Giấy phép Báo điện tử số: 422/GP-BTTTT cấp ngày 19.8.2016
Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa. Mọi hành động sử dụng nội dung đăng tải trên Báo điện tử Văn hóa tại địa chỉ www.baovanhoa.vn phải có sự đồng ý bằng văn bản của Báo điện tử Văn hóa.
Liện hệ quảng cáo: 024.22415051

Tổng Biên tập:NGUYỄN ANH VŨ

Phó tổng Biên tập: PHAN THANH NAM

Phó tổng Biên tập: NGUYỄN VĂN MƯỜI

Tòa soạn: Số 33 ngõ 294/2 Kim Mã, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP Hà Nội
Điện thoại: 024.38220036 - FAX: 024.38229302
Email: baovanhoa@fpt.vn

Close 2024 Bản quyền thuộc về Báo Văn hóa
Back To Top